THỰC TIỄN TRIỂN KHAI CÁC QUY ĐỊNH VỀ TẬP SỰ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (1)

 Luật sư Nguyễn Hải Nam

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

          Thông tư số 19/2013/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2014 hướng dẫn về tập sự hành nghề luật sư (TSHNLS) theo Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) và Nghị định 123/2013/NĐ-CP. So với trước đây, các quy định về TSHNLS đã có những thay đổi chính như sau:

 * Thời gian TSHNLS giảm từ 18 tháng xuống còn 12 tháng và bỏ quy định gia hạn thời gian tập sự đối với người không đạt yêu cầu trong kỳ kiểm tra kết quả TSHNLS;

 * Phạm vi công việc mà người tập sự được và không được làm được quy định cụ thể, theo đó người tập sự được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật;

 * Việc tổ chức kiểm tra kết quả TSHNLS được chuyển giao từ Bộ Tư pháp sang cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện.

 1.  Tóm tắt tình hình thực hiện Thông tư số 19/2013/TT-BTP

          Theo quy định, Đoàn Luật sư có nhiệm vụ tổ chức đăng ký tập sự và giải quyết các thủ tục thay đổi đăng ký tập sự (thay đổi nơi tập sự, thay đổi luật sư hướng dẫn, tạm ngừng, chấm dứt tập sự…); giám sát người tập sự, luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự; đánh giá và đề nghị cho người tập sự tham dự kiểm tra kết quả TSHNLS; hòa giải các mâu thuẫn; giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc tập sự; xem xét xử lý kỷ luật đối với người tập sự và luật sư hướng dẫn vi phạm…

          Tính từ đầu năm 2014 đến nay, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 5 đợt đăng ký tập sự cho tổng cộng 1.625 người tập sự.

Số lượng người tập sự thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tham dự 6 kỳ kiểm tra kết quả TSHNLS khu vực phía Nam từ đầu năm 2014 đến nay là 1.927 lượt người (trong đó 1.593 người dự kiểm tra lần đầu và 334 người dự kiểm tra lần thứ 2 trở lên), chiếm khoảng 2/3 tổng số thí sinh tham dự kiểm tra tại khu vực phía Nam.     

          Một số nhận xét, đánh giá chung

* TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều tổ chức hành nghề luật sư (gần 1.500 tổ chức) và có đông luật sư (hơn 4.500 luật sư), trong đó nhiều tổ chức và luật sư có uy tín, thị trường dịch vụ pháp lý phát triển với nhiều vụ việc tranh tụng và tư vấn pháp lý có luật sư tham gia, nên có điều kiện thuận lợi cho hoạt động TSHNLS.

* Công tác đăng ký TSHNLS và giải quyết các thủ tục thay đổi đăng ký TSHNLS cho người tập sự của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh được thực hiện theo định kỳ, nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định, minh bạch, tạo thuận lợi cho người tập sự.

* Công tác tổ chức kiểm tra kết quả TSHNLS do Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện với sự kiểm tra giám sát của Bộ Tư pháp đã được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật([2]).

* Nhìn chung, hoạt động TSHNLS được thực hiện ngày càng nghiêm túc và có chất lượng hơn. Qua các kỳ kiểm tra kết quả TSHNLS, có khoảng 70% người tập sự đạt yêu cầu và đủ điều kiện trở thành luật sư.

Tuy nhiên, hoạt động TSHNLS vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

* Tồn tại chủ yếu hiện nay đó là vẫn còn nhiều trường hợp tập sự chỉ mang tính hình thức, phổ biến đối với những người tập sự không làm việc thường xuyên tại tổ chức hành nghề luật sư, mà chỉ ghi danh tập sự cho đủ thủ tục, thực tế giữa luật sư hướng dẫn và người tập sự không có sự liên hệ thường xuyên để hướng dẫn và tập sự. Điều này xuất phát từ sự thiếu ý thức của người tập sự trong học hỏi, thực hành trau đồi chuyên môn nghề nghiệp, sự thiếu quan tâm đúng mức và thiếu trách nhiệm của tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hướng dẫn, trong khi chưa có cơ chế giám sát hiệu quả của Đoàn Luật sư đối với hoạt động TSHNLS.

* Nhiều trường hợp người tập sự chỉ đăng ký tập sự lần đầu tại Đoàn luật sư và sau đó sự không báo cáo đầy đủ những thay đổi trong quá trình tập sự (thay đổi nơi tập sự, luật sư hướng dẫn, ngừng tập sự...).

* Vẫn còn tình trạng người tập sự vi phạm quy định về những công việc mà người tập sư không được phép làm khi tập sự (như đại diện theo ủy quyền…)

* Việc thực hiện một số quy định của Thông tư số 19/2013/TT-BTP như lập sổ theo dõi quá trình tập sự của tổ chức hành nghề luật sư (Khoản 3 Điều 16), nhật ký tập sự (Khoản 6 Điều 10) và báo cáo quá trình tập sự (Khoản 1 Điều 11) của người tập sự còn mang tính hình thức để đáp ứng thủ tục, không có tác dụng thực chất để đánh giá quá trình tập sự.

2.    Đề xuất, kiến nghị

Thông tư 19/2013/TT-BTP đã cụ thể hóa các quy định của Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động TSHNLS và kiểm tra kết quả TSHNLS. Tuy nhiên, qua thực tế hơn ba năm triển khai thực hiện, các quy định của Thông tư 19/2019/TT-BTP cũng cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện cho hoạt động TSHNLS thực chất và hiệu quả hơn:

* Để hạn chế việc tập sự mang tính hình thức và nhằm nâng cao chất lượng tập sự, cần sửa đổi Thông tư 19/2019/TT-BTP theo hướng quy định người tập sự phải có thời gian làm việc thường xuyên tại tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự.

* Về quy định tại Khoản 2 Điều 4 về trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư phân công một tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự khi có đề nghị của người muốn tập sự, và tổ chức hành nghề luật sư từ chối phải thông báo bằng văn bản cho Đoàn luật sư và nêu rõ lý do: Quy định này không thực tế và mâu thuẫn với nguyên tắc tự thỏa thuận giữa người muốn tập sự và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự.

          Do đó, đề nghị bỏ khoản 2 Điều 4, Điểm b và Điểm d Khoản 1 Điều 17. Tương tự, Khoản 3 Điều 14, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 15 cũng cần được sửa đổi theo hướng bỏ quy định về trách nhiệm của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư “phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hướng dẫn”.

vKhoản 3 Điều 5 quy định “Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư ra quyết định về việc đăng ký TSHNLS…”. Trên thực tế, việc đăng ký tập sự tại Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh không thực hiện riêng lẻ mà theo từng đợt (mỗi năm 2 đợt), tương ứng với 2 kỳ kiểm tra kết quả TSHNLS.

          Đề nghị sửa đổi Khoản 3 Điều 5 theo hướng quy định việc đăng ký tập sự tại Đoàn Luật sư được thực hiện theo đợt (ít nhất 6 tháng một lần) cho phù hợp với lịch kiểm tra kết quả TSHNLS.

* Các quy định về việc lập nhật ký tập sự (Khoản 6 Điều 10), nội dung báo cáo quá trình tập sự quá chi tiết (Khoản 1 Điều 11), lập sổ theo dõi quá trình tập sự (Khoản 3 Điều 16) mang tính hình thức, không thực tế và vô hình chung khiến người tập sự và luật sư hướng dẫn vi phạm điều cấm không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng đã được quy định tại Điều 9 của Luật Luật sư và nguyên tắc giữ bí mật thông tin của khách hàng (Quy tắc 12) trong Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

*  Đề nghị bỏ Khoản 6 Điều 10, Khoản 3 Điều 16, sửa đổi Khoản 1 Điều 11 theo hướng không quy định nội dung báo cáo quá trình tập sự quá chi tiết đến nội dung từng vụ việc.

* Đề nghị bỏ quy định tại Khoản 8 Điều 16 về “Báo cáo bằng văn bản cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư nơi có trụ sở về việc tập sự hành nghề luật sư của người tập sự tại tổ chức mình định kỳ hàng năm.” vì đã có báo cáo chung về hoạt động của tổ chức theo định kỳ 6 tháng và hàng năm.

* Điểm c Khoản 1 Điều 17 quy định Đoàn luật sư kiểm traviệc thực hiện quyền, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư trong việc phân công luật sư hướng dẫn, nhận người tập sự. Quy định này không phù hợp với Luật Luật sư vì Điều 61 Luật Luật sư và Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam không có quy định về quyền hạn và nhiệm vụ kiểm tra của Đoànluật sưđối với tổ chức hành nghề luật sư, luật sư và người tập sự hành nghề luật sư trong hoạt động luật sư nói chung và trong hoạt động TSHNLS nói riêng.

         Đề nghị thay nội dung “kiểm tra” bằng “giám sát” trong Điểm c Khoản 1 Điều 17.

* Khoản 2 Điều 23 quy định hàng quý Đoàn Luật sư gửi danh sách và hồ sơ tham dự kiểm tra của người tập sự cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, không phù hợp với Khoản 1 Điều 23 quy định việc kiểm tra kết quả TSHNLS được tổ chức ít nhất 6 tháng một lần (và thực tế việc kiểm tra cũng được tổ chức 6 tháng một lần).

          Đề nghị sửa đổi Khoản 2 Điều 23 về thời gian Đoàn Luật sư gửi danh sách và hồ sơ tham dự kiểm tra của người tập sự sau khi người tập sự đã hoàn thành thời gian tập sự và theo định kỳ kiểm tra kết quả TSHNLS (6 tháng một lần)./.



([1]) Tham luận tại Hội thảo về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CPcủa Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 05/5/2017 tại TP. Hồ Chí Minh.

([2]) Nguồn: Báo cáo tổ chức, hoạt động năm 2016 và Phương hướng hoạt động năm 2017 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Tin tức khác


   Trang sau >>