SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUY NHƠN THỰC TẬP NHẬN THỨC VỀ NGHỀ NGHIỆP TẠI ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HCM

Sáng 03/3/2023, tại trụ sở Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, đại diện Ban Chủ nhiệm đã tiếp đón Đoàn Giảng viên, sinh viên Khoa Lý luận chính trị - Luật và Quản lý nhà nước, Trường Đại học Quy Nhơn đến tham quan, thực tập nhận thức nghề nghiệp, với các nội dung: Tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của Đoàn Luật sư TP.HCM; nghe giới thiệu về nghề luật sư, các điều kiện hành nghề luật sư, các địa chỉ tin cậy về đào tạo nghề luật sư hiện nay. Đoàn tham quan, thực tập nhận thức về nghề do Tiến sĩ Bùi Thị Long, Trưởng bộ môn Luật, Khoa Lý luận chính trị - Luật và Quản lý nhà nước, Trường Đại học Quy Nhơn làm Trưởng Đoàn. Tham gia Đoàn còn có tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh và thạc sĩ Nguyễn Thị Nhàn cùng 118 sinh viên đang học năm thứ 2, năm thứ 3 của Trường.  

Đại diện Ban Chủ nhiệm tiếp đoàn có Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; Luật sư Nguyễn Văn Đức, Ủy viên Ban Chủ nhiệm, Trưởng Ban Đào tạo, Bồi dưỡng Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM đã khái quát quá trình hình thành, phát triển nghề luật sư ở Việt Nam nói chung, nghề luật sư ở TP.HCM nói riêng; sự phát triển của Đoàn Luật sư TP. HCM từ khi thành lập (ngày 24/10/1989) theo Pháp lệnh Luật sư năm 1987 đến nay. Khi thành lập, Đoàn Luật sư TP.HCM có 28 luật sư chính thức và 40 luật sư tập sự, đến cuối năm 2022, Đoàn đã có hơn 7.000 luật sư chính thức và 4.400 người tập sự hành nghề luật sư, tăng 165 lần và chiếm hơn 40% tổng số luật sư của cả nước.

Trong phần giao lưu với sinh viên, Luật sư Nguyễn Văn Trung cùng Luật sư Hà Hải, Luật sư Nguyễn Văn Đức giới thiệu về nghề luật, các điều kiện hành nghề Luật sư, các địa chỉ tin cậy về đào tạo Luật sư. Đồng thời giải đáp thắc mắc của các sinh viên về những kỹ năng mà luật sư cần có trong hoạt động nghề nghiệp; khả năng tìm kiếm và tiếp cận, khai thác thông tin khi áp dụng, xử lý các tình huống thực tiễn pháp luật; con đường để trở thành luật sư giỏi, chuyên nghiệp, xây dựng uy tín, thương hiệu cho bản thân và cho nghề luật sư; những vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý, môi trường hành nghề, thuận lợi và khó khăn của nghề luật sư, cơ hội cho luật sư trẻ…

Luật sư Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh: Các bạn sinh viên muốn trở thành luật sư, trước hết phải rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, giỏi chuyên môn, yêu nghề và phải có đạo đức. Một luật sư muốn đứng vững với nghề, ngoài kiến thức chuyên môn thì đạo đức là điều không thể thiếu. Đồng thời, ttrong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay và xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, luật sư phải giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ để phục vụ cho công việc tốt hơn. Muốn trở thành luật sư giỏi, Luật sư Trung khuyên các bạn sinh viên phải chịu khó làm việc và có phương pháp làm việc đúng; không ngừng trao dồi kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức hành nghề; phải vượt qua chính mình, sống có trách nhiệm, có lý tưởng thì dù có khó khăn đến mấy, các bạn cũng sẽ vượt qua và đứng vững với nghề. Luật sư Trung mong rằng, sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật, các bạn sinh viên tham gia buổi giao lưu sẽ chọn nghề luật sư làm nghề nghiệp cho mình và trở thành đồng nghiệp, cùng nhau phát triển nghề luật sư Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng.

Đại diện cho Đoàn Công tác, tiến sĩ Bùi Thị Long, Trưởng bộ môn Luật, Khoa Lý luận chính trị - Luật và Quản lý nhà nước, Trường Đại học Quy Nhơn bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM đã dành thời gian giao lưu, tìm hiểu và giải đáp những câu hỏi của sinh viên về nghề nghiệp luật sư; chia sẽ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình hành nghề cho các sinh viên. Tiến sĩ Bùi Thị Long mong muốn hàng năm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tạo điều kiện hỗ trợ cho sinh viên của Trường đến thực tập nhận thức nghề nghiệp tại Đoàn.                

Luật sư Nguyễn Văn Đức

Tin tức khác


   Trang sau >>