ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: TỌA ĐÀM GÓP Ý DỰ THẢO THÔNG TƯ QUY ĐỊNH NGHĨA VỤ THAM GIA BỒI DƯỠNG VỀ CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ CỦA LUẬT SƯ - * 08 GIỜ BỒI DƯỠNG/NĂM LÀ PHÙ HỢP.* MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG MIỄN, GIẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THAM GIA BỒI DƯỠNG.* CẦN XEM LẠI VẤN ĐỀ XỬ LÝ LUẬT SƯ VI PHẠM NGHĨA VỤ THAM GIA BỒI DƯỠNG

(ĐLS TP.HCM): Chiều ngày 10/5/2018, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 10/2014/TT-BTP ngày 07/4/2014 của Bộ Tư pháp quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư. Tọa đàm có sự tham dự của khoảng 50 luật sư bao gồm Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật và nhiều luật sư thành viên. LS Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm và LS Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ nhiệm chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, LS Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm cho biết bên cạnh việc đưa dự thảo Thông tư 10 lên trang web của Đoàn để tất cả luật sư thành viên có thể cùng nghiên cứu, đóng góp ý kiến, Đoàn tổ chức Tọa đàm này để trực tiếp ghi nhận ý kiến của các luật sư.  Qua hơn ba năm thi hành, Thông tư 10 đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu cơ sở pháp lý hoặc cơ sở pháp lý không phù hợp với thực tiễn, còn nặng tính hành chính, chưa trao quyền chủ động cho Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư, hình thức bồi dưỡng chưa đa dạng...Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư hiện là nghĩa vụ theo luật định (điểm đ khoản 1 Điều 21 Luật Luật sư) và theo Điều 4 Nghị định số 123/2013/NĐ- CP của Chính phủ. Vì vậy, LS Nguyễn Văn Trung đề nghị các luật sư góp ý dự thảo Thông tư trên tinh thần xây dựng và vì mục đích nâng cao tính khả thi, tạo điều kiện khuyến khích luật sư nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chứ không phải chỉ chú trọng quản lý, xử lý kỷ luật luật sư.LS Nguyễn Văn Trung- Chủ nhiệm Đoàn Luật sư phát biểu khai mạc Toạ đàm

* 08 giờ bồi dưỡng/năm là phù hợp

Hầu hết các ý kiến đều thống nhất thời gian bồi dưỡng 08 giờ/năm (phương án 2) là phù hợp, còn 16 giờ/năm như quy định hiện nay (phương án 1) là nhiều, nếu tiếp tục sẽ không khả thi mà thấy rõ nhất là ở Đoàn Luật TP. Hồ Chí Minh và Đoàn Luật sư TP. Hà Nội – hai Đoàn luật sư chiếm tổng cộng 70% số luật sư của cả nước.

Căn cứ Báo cáo của Ban Đào tạo và Bồi dưỡng của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh do LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Trưởng Ban trình bày và ý kiến phân tích của LS Lê Quang Minh: Trong ba năm qua, ĐLS TP.HCM đã tổ chức bồi dưỡng cho tổng cộng 13.077 lượt luật sư thành viên tham gia (8 giờ/lượt), trung bình hàng năm có 2.535 luật sư tham gia bồi dưỡng (trong đó có 1.767 luật sư hoàn thành nghĩa vụ và 762 LS tham gia nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ). Như vậy, vẫn còn xấp xỉ 50% số luật sư thành viên chưa tham gia bồi dưỡng. Nếu vẫn tiếp tục thực hiện quy định thời gian tối thiểu 16 giờ/năm thì để đảm bảo bồi dưỡng cho tất cả 5.500 luật sư thì hàng năm tại TP.HCM sẽ phải tổ chức ít nhất 110 đợt bồi dưỡng (8 giờ/đợt với trung bình 100 luật sư/đợt), vì thế sẽ khó tránh khỏi hoạt động bồi dưỡng mang tính hình thức, chạy theo số lượng dẫn đến kém chất lượng, không đáp ứng được yêu cầu góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư.

    Theo nhiều ý kiến trong Tọa đàm thì mục đích ban hành Thông tư thay thế Thông tư 10 là để thực thi ngay chứ không phải để phấn đấu thực hiện được trong tương lai. Vì vậy, dự thảo Thông tư cần theo hướng: Trao quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm cho các luật sư trong việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho chính mình. Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư và cơ quan, tổ chức khác thực hiện bồi dưỡng cho luật sư chỉ là với số giờ tối thiểu mà thôi. Thực tế những năm qua cho thấy phương án 1 (16 giờ/năm) không hiệu quả nên việc điều chỉnh lại thành phương án 2 (08 giờ/năm) là cần thiết.

Còn việc có ý kiến cho rằng theo phương án 1 (16 giờ/năm) cũng phù hợp với thông lệ của một số nước như Pháp, Mỹ, Canada, Italy, Singapore là không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước ta vì bề dày lịch sử và phát triển về hoạt động luật sư của các nước đó hơn nước ta rất nhiều. LS Nguyễn Văn Trung nêu thêm: Trước đây, ở Anh quy định luật sư phải hoàn thành 16 giờ nghĩa vụ bồi dưỡng/năm; ở Nhật là 08 giờ/năm nhưng đến nay đã bỏ quy định này, giao cho tổ chức hành nghề hay luật sư tự bồi dưỡng.

Ngoài ra, LS Trần Đức Sơn nhấn mạnh rằng qua số liệu nêu trên của Đoàn và số liệu trong dự thảo tờ trình của Cục Bổ trợ tư pháp năm 2018[1]cho thấy quy định thời gian bồi dưỡng 16 giờ/năm/luật sư trong Thông tư 10 là phá sản mà nguyên nhân không chỉ tại luật sư không tham gia được hay không tham gia đầy đủ mà còn do cơ quan nhà nước đưa ra quy dịnh không khả thi và thiếu biện pháp hỗ trợ.   

* Có cần thiết phải tham bồi dưỡng đạo đức và ứng xử nghề nghiệp mỗi năm?

Trước yêu cầu của Điều 4 Dự thảo về việc mỗi luật sư phải tham gia bồi dưỡng đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư hàng năm, nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu này là chưa hợp lý, còn hình thức, thiếu tính thực tế và càng làm cho hoạt động bồi dưỡng khó khả thi. Theo LS Nguyễn Văn Đức, LS Trần Thị Ngọc Nữ thì không nhất thiết phải tham gia bồi dưỡng về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp mỗi năm. Như lý giải của LS Dương Thị Tới thì luật sư đã phải qua đào tạo về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong chương trình đào tạo nghề luật sư và trong khi hành nghề, luật sư có thể cần tham gia bồi dưỡng về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp nhưng việc bồi dưỡng này không nhất thiết phải lập đi lập lại hàng năm. Để ngăn ngừa, hạn chế vi phạm của luật sư thì không chỉ có biện pháp bồi dưỡng mà còn cần luật sư tự ý thức, trau dồi, rèn luyện và đồng thời tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm.

Đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng là cần thiết

Cũng như LS Trần Thị Phụng và nhiều luật sư khác, LS Nguyễn Bá Tòng đồng tình với Điều 5 Dự thảo là đã đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng (lớp bồi dưỡng, hội thảo, tọa đàm và hình thức khác) so với Thông tư 10 (chỉ là lớp bồi dưỡng). LS Tòng nhấn mạnh việc đa dạng hóa này là nội dung hay nhất của Dự thảo bởi phù hợp với yêu cầu thực tiễn và giảm áp lực cho Liên đoàn luật sư, các Đoàn luật sư trong việc tổ chức bồi dưỡng.

Đề xuất mở rộng đối tượng được miễn thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng

LS Nguyễn Bảo Trâm - Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật nêu vấn đề là nếu luật sư là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng như khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định thì đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã có được miễn không, bởi lẽ dù là đại biểu cấp nào thì họ cũng thực hiện trách nhiệm trong việc kiến nghị, yêu cầu liên quan đến nguyện vọng của cử tri. Theo LS Vũ Lai Bằng, LS Nguyễn Thị Hồng Thắm - Ủy viên Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật thì cần bổ sung vào điểm b khoản 1 Điều 7 Dự thảo là phụ nữ có thai cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng giống như phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng. LS Phạm Thị Ngọt, Phó Trưởng Ban Đào tạo & Bồi dưỡng nêu thêm ý kiến là khi quy định phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng được miễn thực hiện nghĩa vụ thì nên bỏ nội dung “được tự chọn năm được miễn” vì nội dung này không có ý nghĩa. 

Cần hạ tuổi miễn, giảm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng

Đây là nội dung thu hút nhiều sự quan tâm, thảo luận tại Tọa đàm.

Về tuổi được miễn nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng là 75 tuổi trở lên theo điểm c khoản 1 Điều 7 và tuổi được giảm một nửa nghĩa vụ này là 70 tuổi trở lên theo khoản 2 Điều 7 của Dự thảo, LS Nguyễn Bảo Trâm cho là bất hợp lý vì: Theo Điều 2 Luật người cao tuổi thì công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên đã được xác định là người cao tuổi, được hỗ trợ trong hoạt động học tập, sinh hoạt văn hóa... Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt 73,4 tuổi năm 2016, song tuổi khỏe mạnh lại thấp chỉ 64 tuổi. Theo Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân thì: Mục tiêu đến năm 2025, tuổi thọ trung bình khoảng 74,5, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm. Đến năm 2030, tuổi thọ trung bình sẽ khoảng 75, đạt tối thiểu 68 năm sống khỏe. Vì lý do nêu trên, LS Bảo Trâm đề nghị miễn nghĩa vụ thực hiện tham gia bồi dưỡng đối với luật sư từ 65 tuổi trở lên và đề nghị giảm một nửa nghĩa vụ này đối với luật sư từ 60 tuổi đến dưới 65 tuổi. 

LS Nguyễn Thị Hồng Thắm đồng tình với ý kiến trên của LS Bảo Trâm. LS Nguyễn Văn Đức bổ sung lý do đề xuất miễn nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng cho luật sư từ 65 tuổi trở lên là theo xu hướng pháp luật nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi và bổ sung là nếu dưới 65 tuổi mà mất sức lao động thì luật sư đó được miễn nghĩa vụ này. LS Lê Thu Hiền, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc cho rằng miễn nghĩa vụ này cho luật sư từ 65 tuổi trở lên hợp lý hơn là miễn cho luật sư từ 60 tuổi trở lên, vì có những người khi nghỉ hưu ở tuổi 60 mới làm luật sư mà đã miễn ngay nghĩa vụ này thì không hợp lý.

Nhiều luật sư khác tham dự Tọa đàm cũng nhất trí rằng quy định như Dự thảo luật sư từ 75 tuổi trở lên mới được miễn, luật sư từ 70 tuổi trở lên mới được giảm một nửa thời gian bồi dưỡng là bất hợp lý và có một số đề xuất khác. Chẳng hạn: LS Trần Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật đề xuất miễn nghĩa vụ này cho nam luật sư từ 70 tuổi trở lên, nữ luật sư từ 65 tuổi trở lên; giảm nghĩa vụ này cho nam luật sư từ 65 tuổi đến dưới 70 tuổi, nữ luật sư từ 60 tuổi đến dưới 65 tuổi vì phụ nữ yếu hơn nam giới. LS Nguyễn Văn Trận đề xuất miễn nghĩa vụ này đối với luật sư từ 60 trở lên và có 20 năm hành nghề. LS Trần Thị Ngọc Nữ đề xuất miễn nghĩa vụ này cho luật sư từ 60 tuổi trở lên vì phù hợp với Luật Người cao tuổi. Còn Luật sư Lê Quang Minh, LS Trần Thị Phụng đề xuất lấy tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật làm chuẩn để xác định độ tuổi được miễn thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng mà không nên tách ra thành nhiều trường hợp.

Kết lại vấn đề này, LS Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm cho rằng dựa trên tuổi hưu để quy định đối tượng được miễn bồi dưỡng thì khó thuyết phục, nhưng quy định như Dự thảo từ 75 tuổi  mới được miễn là vô lý. Đoàn sẽ tổng hợp các ý kiến để cân nhắc, đề xuất với Liên đoàn và Bộ Tư pháp cho phù hợp.

Có nên mở rộng cơ quan, tổ chức thực hiện bồi dưỡng?

Nhiều ý kiến tại Tọa đàm cho rằng không nên bổ sung Cục Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư do không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và các cơ quan này còn phải tập trung làm nhiệm vụ quản lý nhà nước. Có ý kiến cho rằng các cơ quan này chỉ nên phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư để tổ chức thực hiện bồi dưỡng. Ở phần quy định về Liên đoàn Luật sư Việt Nam (khoản 3 Điều 6 Dự thảo) thì LS Trần Thị Tuyết đề nghị không đưa tên Câu lạc bộ thương mại quốc tế vì Câu lạc bộ trực thuộc Liên đoàn không có chức năng bồi dưỡng. Còn theo LS Nguyễn Văn Đức, LS Lê Thu Hiền thì chỉ cần quy định Liên đoàn luật sư Việt Nam là đủ mà không ghi cụ thể hai đơn vị trực thuộc Liên đoàn (Câu lạc bộ luật sư thương mại, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư) để phát huy vai trò tự quản và tạo sự linh hoạt cho Liên đoàn quyết định việc giao nhiệm vụ bồi dưỡng cho đơn vị trực thuộc Liên đoàn mà Liên đoàn cho là phù hợp.

Cần xem lại vấn đề xử lý luật sư vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng 

Theo LS Nguyễn Bảo Trâm thì ở nội dung xử lý luật sư vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng, nên sửa đổi Dự thảo theo hướng nhắc nhở luật sư không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bồi dưỡng thay cho việc xử lý kỷ luật khiển trách như nêu trong Dự thảo, nếu tiếp tục vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mới bị xử lý kỷ luật theo quy định. Việc xử lý kỷ luật ngay luật sư không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như Dự thảo là quá khắt khe, không công bằng so với những vi phạm khác của luật sư (nếu có) về Luật luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Mặt khác, nếu cứ mỗi khi có luật sư không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bồi dưỡng trong năm là xử lý kỷ luật sẽ không khả thi và bất hợp lý với những Đoàn luật sư có đông luật sư như ĐLS TP.HCM và trong điều kiện chưa thể đảm bảo khả năng mở đủ lớp bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu của luật sư.  Bên cạnh đó, LS Bảo Trâm đề nghị bỏ nội dung luật sư vi phạm nghĩa vụ thực hiện tham gia bồi dưỡng thì “còn bị xử lý hành chính” như nêu tại khoản 1 Điều 19 của Dự thảo vì đến nay, không có quy định pháp luật nào xử lý hành chính đối với luật sư về vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp của luật sư.

LS Bảo Trâm còn đề nghị bỏ quy định tại các điểm a, b, c và d của khoản 1 Điều 17 Dự thảo quy định cụ thể về hành vi vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật tương ứng (bao gồm khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư và xóa tên). Lý do là theo Điều 4 Nghị định 123/2013/NĐ-CP thì “Bộ Tư pháp quy định… hình thức xử lý đối với luật sư vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ”, không có nội dung Bộ Tư pháp quy định cụ thể về hành vi vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật tương ứng. Việc quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật tương ứng thuộc trách nhiệm Liên đoàn luật sư Việt Nam thì phù hợp với trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư theo Điều 84 của Luật Luật sư. Hơn nữa, tại khoản 2 Điều 17 của Dự thảo cũng đã có quy định: “Liên đoàn luật sư Việt Nam quy định cụ thể về hành vi vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng và hình thức xử lý kỷ luật tương ứng.”

Nhiều luật sư đồng tình với những ý kiến nêu trên của LS Bảo Trâm. LS Vũ Lai Bằng và LS Phạm Thị Ngọt nhấn mạnh là: Thông tư cần quy định theo hướng lấy việc khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng làm đầu, chứ đừng nên chú trọng vào việc xử lý kỷ luật luật sư vì việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư trước hết là trách nhiệm tự nguyện, tự giác của mỗi luật sư, nếu không muốn bị đào thải. Theo LS Lượng Văn Hồng thì nội dung Điều 17 của Dự thảo nên theo hướng giữ nguyên quy định xử lý kỷ luật luạt sư trong Thông tư 10, bỏ hình thức kỷ luật xóa tên luật sư vi phạm ra khỏi danh sách Đoàn luật sư. Còn theo LS Trần Thị Phụng và LS Lê Thu Hiền thì nếu nhắc nhở hoài mà luật sư vẫn vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thì cũng cần xử lý kỷ luật.

Tại buổi Tọa đàm, các luật sư còn đóng góp ý kiến về những vấn đề khác như trách nhiệm của luật sư, Liên đoàn luật sư, Đoàn luật sư, Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp…

Kết thúc Tọa đàm, LS Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm đã cám ơn các ý kiến đóng góp đa chiều, phong phú, sâu sắc của các luật sư đối với Dự thảo và sẽ tổng hợp, chắt lọc lại để gửi văn bản góp ý với Bộ Tư pháp trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, vì sự nghiệp phát triển luật sư Việt Nam./.

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm



[1] Theo số liệu sáu tháng năm 2017, trong tổng số 6 Đoàn luật sư báo cáo thì chỉ có 06/36 Đoàn luật sư thực hiện đủ thời gian bồi dưỡng là 16 giờ/năm cho các luật sư. Theo số liệu báo cáo của Liên đoàn luật sư Việt Nam năm 2016, số luật sư hoàn thành nghĩa vụ bồi dưỡng chiếm 37% ( 4.282/11.034 luật sư)

Tin tức khác


   Trang sau >>