ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỔ CHỨC LỚP BỒI DƯỠNG VỀ “TRÁCH NHIỆM VÀ ĐẠO ĐỨC, ỨNG XỬ NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ”

Thực hiện Thông tư 02/2019/TT-BTP ngày 15/3/2019 của Bộ Tư pháp về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư và Kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ năm 2022 của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20/8/2022, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lớp bồi dưỡng về “Trách nhiệm và đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư”.

Lớp bồi dưỡng có sự tham gia của hơn 200 luật sư thành viên Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lớp bồi dưỡng bằng hình thức trực tiếp sau gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Mỗi luật sư phải thấm nhuần Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư khi hành nghề

Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã mời Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đến trình bày về chuyên đề“Nhận thức chung về quy tắc Đạo đức; những nội dung cơ bản của Bộ Quy tắc đạo đức; Đánh giá thực trạng giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Cùng tham gia Lớp Bồi dưỡng, Ban Chủ nhiệm mời Luật sư Nguyễn Thế Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban khen thưởng, kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày về Chuyên đề: “Một số quy tắc cụ thể cần lưu ý trong các chương quan hệ khách hàng, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan nhà nước khác”.

Về phía Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Lớp Bồi dưỡng. Ngoài ra, còn có sự tham dự của một số luật sư thành viên Ban Chủ nhiệm và Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Lớp bồi dưỡng, Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM nhấn mạnh: Việc bồi dưỡng Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư là một hình thức “văn ôn, võ luyện”, giúp cho luật sư thành viên của Đoàn hiểu sâu sắc hơn về các quy tắc của nghề luật sư; là hành trang giúp cho luật sư ứng xử chuẩn mực hơn trong quá trình hành nghề, tránh những va vấp không đáng có; hiểu và nhận thức đúng về Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư không chỉ thực hiện tốt công việc của luật sư mà còn giữ được hình ảnh, uy tín cá nhân nói riêng và giới luật sư nói chung. Mỗi luật sư khi hành nghề phải thấm nhuần Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, phải rèn luyện và trở thành phản xạ không điều kiện. “Khi hành nghề, mỗi luật sư khi chạm đến đâu là tự phản ứng, biết phải ứng xử như thế nào cho phù hợp, không vi phạm Bộ Quy tắc” – Luật sư Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.

Bộ Quy tắc thể hiện sâu sắc nhận thức về trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trước Nhà nước và cộng đồng xã hội

Trình bày chuyên đề, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh đã khái quát, nhấn mạnh những nhận thức chung về Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành theo quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019. Theo Chủ tịch Đỗ Ngọc Thịnh, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư do Hội đồng Luật sư Toàn quốc ban hành năm 2019 tương đối đầy đặn, thể hiện được các quy tắc xử sự của nghề luật sư, Bộ Quy tắc gồm lời nói đầu, 6 chương với 32 quy tắc, trong mỗi quy tắc được chia thành nhiều “quy tắc con”. Bộ Quy tắc đã thể hiện sâu sắc nhận thức về trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trước Nhà nước và cộng đồng xã hội.

“Trong 32 quy tắc của Bộ Quy tắc, chương II “quan hệ với khách hàng” gồm 4 mục, 12 quy tắc là quan trọng nhất. Bởi lẽ, luật sư là hoạt động nghề nghiệp, cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng trên các lĩnh vực tố tụng, tư vấn, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện dịch vụ pháp lý khác. Công việc hành nghề của luật sư luôn gắn với khách hàng và là quan hệ thường xuyên, phổ biến nhất trong các mối quan hệ liên quan đến nghề nghiệp luật sư. Do đó, quan hệ giữa khách hàng với luật sư là quan hệ cơ bản nhất trong hoạt động nghề nghiệp luật sư”- Luật sư Nguyễn Thế Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban khen thưởng, kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh về tầm quan trọng của Chương 2 - nhóm quy tắc quan hệ với khách hàng.

Tại Lớp Bồi dưỡng, Luật sư, Tiến sỹ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam và Luật sư Nguyễn Thế Phong, Chủ nhiệm ủy ban khen thưởng, kỷ luật còn thông tin thêm về thực trạng tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo có liên quan đến luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong thời gian qua. Theo Chủ tịch Đỗ Ngọc Thịnh, có 5 nhóm hành vi vi phạm phổ biến của luật sư trong thời gian vừa qua: Nhóm hành vi trong quan hệ với khách hàng; hành vi ứng xử trong quan hệ với đồng nghiệp; hành vi ứng xử với cơ quan tiến hành tố tụng; hành vi vi phạm các quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; hành vi không chấp hành các quy định nội bộ của luật sư; hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia và trật tự xã hội.

Trong 5 nhóm hành vi này, nhóm hành vi vi phạm trong quan hệ với khách hàng có 9 dạng: Hành vi sách nhiễu khách hàng, đòi hỏi khách hàng hoặc người có quyền lợi liên quan khoản tiền chi thêm hoặc tặng vật chất ngoài thù lao, chi phí đã thỏa thuận; nhóm hành vi cam kết bảo đảm kết quả vụ việc nhằm mục đích lôi kéo khách hàng hoặc để tính thù lao kết quả cam kết; hành vi thiếu trách nhiệm trong thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng; hành vi tạo ra hoặc lợi dụng tình huống xấu, thông tin sai sự thật, không đầy đủ hoặc bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích từ khách hàng; hành vi lừa dối, chiếm đoạt, hưởng dụng trái phép tiền bạc, tài sản của khách hàng; hành vi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, dân sự, hành chính…; hành vi móc nối, thông đồng với những người có quyền lợi đối lập với khách hàng; hành vi nhận vụ việc vượt quá điều kiện, khả năng chuyên môn của mình; hành vi không ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng.

Đối với nhóm hành vi vi phạm liên quan đến quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng, đáng lưu ý thời gian qua đã xảy ra tình trạng: Luật sư cung cấp chứng cứ tài liệu mà biết rõ là giả mạo, gây khó khăn, thậm chí làm sai lệch kết quả giải quyết vụ án; cố tình tạo sự kiện, tình huống giả để trì hoãn tiến trình giải quyết, xét xử vụ án; kích động, xúi giục khách hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật nhằm gây khó khăn cho hoạt động tố tụng hoặc kéo dài vụ án; có hành vi, thái độ thiếu chuẩn mực, văn hóa ứng xử đối với người tiến hành tố tụng, hội đồng xét xử, tự ý bỏ về khi phiên tòa đang diễn ra.

Hợp đồng dịch vụ pháp lý có điều khoản hứa thưởng là vi phạm Luật Luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư

Theo Luật sư Nguyễn Thế Phong, từ năm 2009 đến giữa năm 2022, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được khoảng 1.800 trường hợp khiếu nại, tố cáo đối với luật sư, người tập sự hành nghề luật sư. Tuy nhiên, qua rà soát có khoảng 250 trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Theo báo cáo từ các Đoàn Luật sư, từ năm 2009 đến tháng 6/2021, có khoảng 650 trường hợp luật sư bị xử lý vi phạm, trong đó xử lý xóa tên khoảng 500 luật sư. Trong số 500 luật sư bị xóa tên có 400 luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh xóa tên do nợ phí thành viên quá lâu và thuộc trường hợp đương nhiên bị xóa tên.

Đối với các luật sư bị xử lý kỷ luật (bao gồm cả hình thức kỷ luật xóa tên) thì vi phạm chủ yếu là: Nhận tiền nhưng không thực hiện công việc; nhận nhiều tiền nhưng làm việc thiếu trách nhiệm; thỏa thuận về thù lao, thu tiền thù lao không đúng quy định; sách nhiễu, vòi vĩnh khách hàng; mượn danh nghĩa, tư cách luật sư để phát ngôn sai trái, lệch lạc; vi phạm nghiêm trọng Luật Luật sư, đạo đức nghề nghiệp luật sư.

Trong phần thảo luận, trao đổi về Bộ Quy tắc, nhiều luật sư quan tâm đến vấn đề thù lao, cách tính thù lao, hứa thưởng, nội dung hợp đồng dịch vụ pháp lý, quy định về xung đột lợi ích khách hàng, mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là ngày 18/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Giải đáp những thắc mắc của các luật sư, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Luật sư Nguyễn Văn Trung và Luật sư Nguyễn Thế Phong đều khẳng định và mong muốn giới luật sư có chung nhận thức: Luật sư hành nghề muốn tồn tại và phát triển, điều quan trọng nhất là thu phí thù lao với khách hàng. Tuy nhiên, thu như thế nào để không vi phạm pháp luật và quy tắc đạo đức thì luật sư cần phải công khai, minh bạch về các khoản chi phí, thù lao; làm rõ các cách tính thù lao để khách hàng hiểu, tuyệt đối không được thu phí mập mờ, ngoài các khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng với khách hàng. Luật sư không được ký hợp đồng với khách hàng, trong đó có điều khoản hứa thưởng vì đây là trường hợp vi phạm điều cấm của Luật Luật sư và Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Nếu Luật sư nào ký hợp đồng, có điều khoản hứa thưởng, chắc chắn là vi phạm và sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Đối với quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư có 3 quy tắc (Quy tắc 26-28). Thời gian qua có tình trạng cơ quan, người tiến hành tố tụng gửi văn bản về các Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, kể cả thông báo qua điện thoại về văn hóa ứng xử của luật sư không phù hợp như không đến tham gia phiên tòa mà không có lý do chính đáng, bỏ về nửa chừng, to tiếng, cãi nhau với người tiến hành tố tụng… thậm chí có trường hợp còn livetreams, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình mà không xin phép cơ quan tố tụng. Sắp tới, nếu luật sư thực hiện các hành vi này sẽ bị chế tài nặng theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Ủy viên BCN.

       

Tin tức khác


   Trang sau >>