TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ LÀ GÌ?

Phải quan niệm, đây là những hoạt động không vì lợi nhuận, tham gia vào các sinh hoạt phát triển kiện toàn xã hội. Liên Hiệp quốc là cơ quan đa quốc gia đưa ra khái niệm như sau:

- “Tổ chức phi chính phủ” là thuật ngữ dùng để chỉ một tổ chức, hiệp hội, ủy văn hóa xã hội, ủy hội từ thiện, tập đoàn phi lợi nhuận hoặc các pháp nhân khác mà theo pháp luật không thuộc khu vực Nhà nước và không hoạt động vì lợi nhuận. Nghĩa là khoản lợi nhuận nếu có, không thể phân chia theo kiểu chia lợi nhuận. Tổ chức này không bao gồm các nghiệp đoàn, đảng phái chính trị, hợp tác xã phân chia lợi nhuận, hay nhà thờ hoặc chùa.

Tổng thể các Tổ chức phi chính phủ hình thành khu vực phi chính phủ, tồn tại cùng với khu vực Nhà nước, khu vực tư nhân và khu vực tập thể. Hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực dịch vụ, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nhân đạo... Gọi chung là các hoạt động phục vụ lợi ích công cộng phát triển lành mạnh công bằng, bình đẳng, tiến bộ xã hội.

Thuật ngữ “Tổ chức phi chính phủ “ xuất hiện ở Việt Nam, đầu tiên dùng trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992. Sau đó là Luật Hợp tác xã năm 1996 và một số văn bản pháp qui gần đây:

- Tổ chức phi chính phủ là một tổ chức được hình thành mang tính độc lập tương đối với Chính phủ.

- Được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, có sự quản lý Nhà nước.

Được lập ra do sự tự nguyện của nhân dân.

- Hoạt động phi lợi nhuận trong khuôn khổ pháp luật.

Quan niệm về Tổ chức phi chính phủ ở nước ta được hiểu như sau:

Là tổ chức tự nguyện của nhân dân, có tư cách pháp nhân: Tập hợp những cá nhân có cùng đặc trưng, cùng ngành nghề, giới, sở thích, nhu cầu v.v... Hoạt động một cách thường xuyên để thực hiện mục tiêu chung là không vì mục tiêu lợi nhuận. Hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.

Theo quan niệm trên thì “đoàn thể nhân dân” bao gồm hầu hết các tập hợp tổ chức nhân dân như: Câu lạc bộ, Hội, Hiệp hội, Liên hiệp hội. Tổ chức phi chính phủ mang tính quốc gia (National Non Governmental Organization. Gọi là NNGO tổ chức các thành viên đều mang một quốc tịch).

Tổ chức phi chính phủ mang tính quốc tế. Tổ chức quốc tế xuất hiện trên thế giới vào năm 1970, có phạm vi hoạt động rộng khắp thế giới. Các Tổ chức phi chính phủ mang tính quốc tế phải tuân theo luật pháp của nước nhận sự hợp tác. Nhóm các Tổ chức phi chính phủ mang tính chất Liên hiệp hội được thành lập trong phạm vi quốc gia, quốc tế, hay khu vực giúp những người trong nhóm cùng hoàn cảnh, nguyện vọng, sở thích trong các hoạt động giao lưu văn hóa, xã hội. Đặc biệt trong quá trình hội nhập.

Ngoài các Tổ chức phi chính phủ được nêu trên còn xuất hiện những Tổ chức phi chính phủ do tư nhân sáng lập và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Hiện nay, Tổ chức phi chính phủ có vai trò lớn lao trong việc phát huy tích cực xã hội quần chúng. Tích cực xã hội là những biểu hiện của sự hoạt động có ích về mặt xã hội, hoàn thiện phẩm chất trong mọi lĩnh vực: Xã hội, chính trị, kinh tế và tinh thần. Tương ứng với từng lĩnh vực đó, vai trò to lớn trong việc phát triển tính tích cực của từng công dân. Có thể nói Tổ chức phi chính phủ là môi trường xã hội giáo dục và rèn luyện ý thức dân chủ, năng lực và thực hành dân chủ cho các công dân. Chính vai trò phi chính phủ quan trọng như vậy cho nên tổ chức quốc tế lớn như Liên Hiệp quốc, chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP), Cơ quan Văn hóa Liên HIệp quốc (UNESCO) và đặc biệt Tổ chức ngân hàng (IMF, WB...) đều rất quan tâm đến hoạt động của các Tổ chức phi chính phủ.

Các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã vào Việt Nam từ nhiều thập kỷ qua, gắn liền với những giai đoạn lịch sử cụ thể của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Trước tháng 5/1975, giai đoạn này có khoảng 63 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ này hoạt động tại miền Nam. Miền Bắc nhận sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa thông qua nhiều Hội hữu nghị khác nhau. Năm 1965 viện trợ cho nhân dân Việt Nam bị thiệt hại từ chiến tranh đã tăng lên từ các nước phương Tây và một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đã gởi nhiều chuyến hàng viện trợ cho những vùng thiệt hại bị ném bom.

Từ năm 1975 đến 1979, hầu hết các cơ quan phi chính phủ đã đóng cửa văn phòng, rút các nhân viên người nước ngoài về nước do lệnh cấm vận. Đến năm 1979 một số tổ chức phi chính phủ  nước ngoài có văn phòng ở Thái Lan, Lào đã nối lại viện trợ nhân đạo, cứu trợ cho Việt Nam. Sau năm 1979, Bộ Tài chính lập ban tiếp nhận viện trợ để tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Từ năm 1980, Việt Nam bắt đầu mở rộng quan hệ quốc tế, thực hiện chính sách đổi mới, phá vỡ sự bao vây cấm vận. thay đổi này tạo ra nhiều cơ hội mới cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giúp đỡ Việt Nam. Nhiều Tổ chức phi chính phủ đã cử đại diện đến Việt Nam. Năm 1989 Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam được thành lập để làm đầu mối cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động.

Năm 1990 Chính phủ Việt Nam đã cho phép một số tổ chức: Action ATD, care Quốc tế, MCC, OxfamBỉ và các tổ chức Oxfam Anh và tổ chức NARV mở văn phòng đại diện ở Hà Nội và tích cực động viên các tổ chức phi chính phủ nước ngoài khác vào Việt Nam.

Năm 1996 Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ được thành lập theo Quyết định 340/TTg ngày 24/05/1996 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Cụm từ phi chính phủ được phổ biến rộng rãi từ thời gian này.


Lập lại một lần nữa. Phi chính phủ là cụm từ ám chỉ một tổ chức hoạt động độc lập tương đối với Nhà nước, tồn tại cùng với Nhà nước. Hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực dịch vụ, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nhân đạo... Gọi chung là các hoạt động phục vụ lợi ích công cộng phát triển lành mạnh, công bằng, bình đẳng, tiến bộ xã hội.


Giáo sư Tăng Kim Tây

 

Tin tức khác


   Trang sau >>

Tin - bài mới cập nhật













   SỐ LƯỢT TRUY CẬP

9,482,316