CẢM NHẬN NHÂN NGÀY TRUYỀN THỐNG LUẬT SƯ 10/10

 

SAO KHÔNG LÀ MẶT TRỜI GIEO HẠT NẮNG VÔ TƯ ?

 

Luật sư Trần Thị Phụng

 

Cách đây một năm, vào ngày 03/10/2013 Liên Đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) đã họp báo công bố Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công nhận ngày 10/10 là Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt mới, chính thức vinh danh  nghề nghiệp luật sư. Giới Luật sư cả nước chúng ta đều cảm thấy phấn khởi và tự hào, dù trong bối cảnh hoạt động nghề nghiệp hiện nay còn rất nhiều khó khăn, thách thức.


Còn nhớ tại buổi họp báo, Tiến sĩ Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam  đã nhấn mạnh: “Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội rộng lớn ghi nhận sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội đối với đội ngũ luật sư và nghề luật sư ở Việt Nam; đồng thời, ghi nhận sự trưởng thành lớn mạnh của đội ngũ luật sư và tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư ở nước ta. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của luật sư trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội, tạo lập niềm tin với Đảng, Nhà nước và xã hội; góp phần xây dựng, củng cố hình ảnh, địa vị pháp lý của luật sư và nghề luật sư trước cộng đồng xã hội.”


Từ sự kiện này, hàng loạt các hoạt động mang đậm ý nghĩa nghề nghiệp luật sư đã được diễn ra trên khắp các tỉnh, thành toàn quốc, cũng nhằm hướng tới Đại hội nhiệm kỳ các Đoàn Luật sư dự kiến tiến hành vào quý 4/2013 chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II vào quý 2/2014. Thế nhưng…

 

Một năm nhìn lại


Đầy “sóng gió’ ! Đó là phần lớn tâm trạng của các Luật sư bây giờ. Một năm trôi qua, Đại hội đại biểu Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ VI giờ mới bắt đầu chuyển mình trong sự nỗ lực cực kỳ gian khổ và đầy khó khăn của các thành viên Ban Chủ Nhiệm. Khởi điểm của năm đầu tiên vinh danh nghề nghiệp luật sư được Nhà nước công nhận, cũng chính là khởi điểm của những toan tính quyền lực. Những xung đột giữa ý thức hệ với quan điểm điều hành, những va chạm giữa tinh thần tập thể với những quyết đoán cá nhân; tính cộng hưởng giữa ý nghĩa tự quản, dân chủ với cục bộ, bè phái; sự tổn thương giữa tình đoàn kết đồng chí , đồng nghiệp v.v… mọi thứ đan xen chằng chịt đã tạo nên một mớ dây nhợ rối bời, trì kéo khiến cho Đại hội của chúng ta không thể tiến hành thuận lợi.

 

Lý tình đan xen


Đã có rất nhiều ý kiến pháp lý tranh luận gay gắt về các văn bản pháp luật ban hành, quy định tiêu chuẩn nhân sự Đại hội nhiệm kỳ, đặc biệt là “Tiêu chuẩn Chủ nhiệm. Cơ chế áp dụng luật, tính hiệu lực của văn bản. Công tác giám sát, điều hành, triển khai Đại hội. Việc thực thi quyền và nghĩa vụ của các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng liên quan…” gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Thiết nghĩ, giới luật sư chúng ta cũng  đã và đang vận hành hoạt động trong guồng máy hệ thống pháp luật nhà nước. Vì vậy, việc nhận thức, hiểu, áp dụng luật cũng cần có sự nhất quán và quan trọng là phải tuân thủ theo đường lối, chủ trương chung của Đảng và Nhà nước đã được quy định tại Hiến pháp. Tất nhiên không loại trừ những bất cập, sai sót vẫn diễn ra hàng ngày trong đời sống pháp luật và chúng ta cần phải dần khắc phục, không thể một sớm, một chiều. Trong nhiều trường hợp, cách giải quyết cần phải thấu đáo, lý tình trọn vẹn, quan trọng nhất là tạo sự đồng thuận cao. Trong khuôn khổ bài viết này, không thể hiện tranh luận pháp lý mà chỉ đề cập giá trị nhân văn, ý nghĩa tinh thần của bản chất sự việc . Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm nên chăng chúng ta cần chọn điểm dừng là lợi ích tập thể và ý kiến số đông. Tập thể Ban Chủ nhiệm được bầu chọn từ nhiệm kỳ trước cũng do chính các đại biểu Luật sư bầu chọn. Họ là những người có năng lực nhận thức pháp luật và có chính kiến riêng của họ, không ai có thể chi phối được. Chúng tôi tin tưởng và tôn trọng tập thể Ban Chủ nhiệm cuối cùng cũng đã đoàn kết, kiên quyết vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, thách thức để thể hiện tiếng nói chung và tinh thần trách nhiệm cao, cùng nhau chèo chống con thuyền Đoàn Luật sư theo đúng định hướng và hơn cả là không vụ lợi cá nhân cho riêng mình. Vậy nên, đừng vội chỉ trích họ là cơ hội, phản phúc hay là không có bản lĩnh đấu tranh. Hãy dành cho họ lời cảm ơn vì sự nỗ lực không mệt mõi cho một Đại hội của Đoàn Luật sư lớn nhất cả nước (nhưng tiến hành trễ nhất cả nước). Đừng vì một quan điểm bất đồng nào đó mà làm xấu đi hình ảnh của Đại hội và tổn thương tình đồng nghiệp với nhau. Chúng ta hy vọng tất cả mâu thuẫn, bất đồng rồi sẽ phải kết thúc tại Đại hội, những gì  đi ngược lại với ý nghĩa của Ngày truyền thống, với lợi ích chung đều phải bị triệt tiêu. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống!

  

“Chân lý thuộc về mọi người không chịu sống đời nhỏ nhoi”

 

Không biết do ngẫu nhiên hay cố ý, Ban tổ chức Đại hội chọn ngày Đại hội cận kề sau Ngày truyền thống Luật sư. Một số đồng nghiệp cho rằng nếu tổ chức Đại hội vào ngày 10/10 thì “đẹp”. Một số người khác thì lại muốn dành trọn vẹn ngày này cho hoạt động “vui chơi, thư giãn” của giới Luật sư. Một vài đại biểu tỏ ra “ngán ngẫm” việc mâu thuẫn nội bộ nên tuyên bố không tham gia Đại hội. Trong khi một số Luật sư phản ứng bức xúc việc chưa nhận được Thư triệu tập…Lang thang trên mạng mấy ngày này lại gặp rất nhiều tâm trạng khác nhau của giới Luật sư chung quanh vấn đề Đại hội. Chia sẻ, tranh luận, thậm chí đả kích lẫn nhau. Cũng không ít “chiêu trò” được thiết kế, sắp đặt khá công phu. Cũng có một vài ý kiến góp ý cho văn kiện Đại hội khá chính xác, trong đó có nhiều ý kiến phê bình vai trò trách nhiệm Đảng đoàn đã làm gì cho Đòan Luật sư trong thời gian qua, lại quan liêu và gây mất đoàn kết nghiêm trọng. Một Luật sư lão thành sau khi xem xong bài viết đó đã bức xúc nói với chúng tôi: “hệ quả yếu kém đó đã được kết luận trước hết thuộc về Bí thư Đảng đoàn và Chủ nhiệm Đoàn Luật sư”. Một Luật sư khác gay gắt hơn: “Tôi muốn nghe Chủ nhiệm và bộ phận kế toán Văn phòng giải trình về báo cáo tài chính, trong đó có khoản chi gần 2,6 tỉ cho ngày Truyền thống Luật sư là chi cái gì ? Tại sao trong khi chúng tôi tham gia đều phải tự túc hoặc đóng góp tiền ?”. Một vị Luật sư “đàn anh” luôn nhiệt tình kêu gọi mọi người đừng nản lòng, “phải cố gắng tham gia Đại hội để cùng Ban Chủ nhiệm giải quyết bế tắc, không thể duy trì những kẻ tham quyền cố vị, gây ra tình trạng bè phái đáng xấu hổ hiện nay…” Lại có rất nhiều Luật sư băn khoăn khi trước thềm Đại hội, họ nhận được thư ngõ của Luật sư NĐT kêu gọi đừng bỏ phiếu cho “ba kẻ cơ hội” là các Luật sư TTN, TMT và NVT (?). Họ nói: “Dù có mâu thuẩn thế nào cũng không nên xúc phạm đồng nghiệp của mình như thế chứ. Tại sao?!!?”

 

Lời kết

 

Có quá nhiều câu hỏi tại sao, nhiều ý kiến đa chiều, dư luận tích cực lẫn tiêu cực, cảm xúc háo hức, hân hoan lẫn bồn chồn, lo lắng…Trước ngày Đại hội, còn đó bao tâm trạng ngỗn ngang. Chỉ xin hãy đừng vì những toan tính nhỏ nhoi làm ảnh hưởng đến đại cuộc chung. Hãy vô tư, trong sáng như những tia nắng mặt trời ấm áp.  Dù trước mắt còn đối mặt với khó khăn hay bất cứ sự cản trở nào, chúng ta vẫn tin tưởng và mong đợi vào sức mạnh của tập thể Ban Chủ nhiệm sẽ vững vàng vượt qua mọi trở ngại, đoàn kết thống nhất, cùng góp sức xây dựng Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phát triển vững mạnh, xứng tầm với một thành phố lớn, văn minh, hiện đại.  Không thể chấp nhận tồn tại sự chia rẽ, bè phái, cục bộ mà phải luôn chan hòa tình thương yêu đồng nghiệp, quý trọng nhau trong mái nhà chung của giới luật sư thành phố.

 

Chào mừng Ngày truyền thống Luật sư 10/10, hướng tới Đại Hội Đại biểu Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh ngày 12 và 13/10/2014 sắp đến, Chúng ta kỳ vọng vào một Ban Chủ nhiệm mới năng động, trí tuệ, bản lĩnh, không vụ lợi cá nhân, toàn tâm toàn ý lèo lái con thuyền Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh vượt qua giai đoạn sóng gió hiện nay, vươn lên xứng đáng với niềm tự hào của một  Đoàn Luật sư lớn nhất cả nước.

 

 

Tin tức khác


   Trang sau >>