PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG

Cụm từ “tương xứng” của Bộ Luật Hình sự năm 1985 nay được Bộ Luật Hình sự năm 1999 được sử dụng cụm từ “cần thiết”; sự thay thế này với mục đích khắc phục những khó khăn khi xác định những hành vi chống trả ở mức độ nào được coi là “tương xứng” với hành vi xâm hại, nhất là tránh được sự giải thích máy móc là kẻ phạm tội dùng công cụ, phương tiện gì, thì người phòng vệ cũng phải dùng công cụ, phương tiện tương tự. Việc thay thế này là rất phù hợp của người trong cuộc, để khắc phục tâm lý là sự thờ ơ, bàng quan trước những hành vi phạm tội, sợ phiền hà, liên lụy né tránh việc thực hiện quyền phòng vệ chính đáng của mình, có như vậy mới giúp cho mọi công dân chủ động tham gia vào phong trào phòng chống tội phạm.

 

Phòng vệ chính đáng được hiểu là sự chống trả tích cực của người phòng vệ; được thể hiện ngăn chặn một cách cương quyết ở sự phản công nhất định nào đó đối với kẻ thực hiện hành vi xâm phạm các lợi ích được pháp luật bảo vệ. Chỉ có sự chống trả tích cực mới có thể bảo đảm ngăn chặn có hiệu quả các thiệt hại do kẻ có hành vi xâm hại có thể gây ra; nếu áp dụng và xử lý đúng, nhận thức đúng các qui định của Bộ Luật Hình sự về phòng vệ chính đáng, thì mới có ý nghĩa, tác dụng trong phòng chống tội phạm hiện nay. Làm được điều này, vấn đề quan trọng là phải xác định đúng đắn trong từng trường hợp cụ thể có hay không phòng vệ chính đáng, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc lấy cớ phòng vệ chính đáng để thực hiện hành vi phạm tội. Phòng vệ chính đáng là một điều kiện loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật của hành vi khi có đầy đủ các dấu hiệu mà pháp luật qui định.

 

Vậy khi xem xét các dấu hiệu về hành vi chống trả có phải là phòng vệ chính đáng hay không, là phải xem xét toàn diện các sự kiện và pháp lý, các tình tiết của vụ án liên quan đến hành vi phạm tội, cũng như liên quan đến hành vi phòng vệ chính đáng. Ví dụ như tính chất nguy hiểm của hành vi xâm hại, những thiệt hại do hành vi xâm hại đã gây ra hoặc có thể gây ra; cũng như tính chất mức độ thiệt hại của hành vi phòng vệ gây ra; phải xem xét các dấu hiệu, hoàn cảnh của sự việc xảy ra; nhân thân và tâm lý của người phòng vệ; hành vi phòng vệ chính đáng được thừa nhận khi có các dấu hiệu:

 

- Hành vi xâm hại phải là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng có tính chất nguy hiểm cho xã hội, mọi tội phạm đều là hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội. Mọi tội phạm đều là hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội; do đó dấu hiệu hợp pháp đầu tiên và quan trọng của phòng vệ chính đáng là hành vi phải có tính nguy hiểm cho xã hội, từ đó là nguyên nhân phát sinh ở công dân quyền phòng vệ chính đáng, quyền này chỉ được thừa nhận khi hành vi rõ ràng là nguy hiểm và xâm hại đến lợi ích được pháp luật bảo vệ, không phụ thuộc vào hành vi có lỗi và có phải là hành vi phạm tội hay không, do người có năng lực hay không có năng lực hành vi thực hiện. Theo nguyên tắc công dân có quyền sử dụng quyền phòng vệ chính đáng, đề chống lại hành vi phạm tội, kể cả hành vi nguy hiểm khác từ người không có năng lực hành vi (ví dụ như bị người tâm thần tấn công hoặc trẻ em...). Mặc dù luật cho phép phòng vệ như vậy; nhưng đối với trẻ em, đối với người tâm thần tấn công, thì vẫn chủ yếu là ngăn chặn bằng mọi cách như né tránh hoặc cần viện đến nhiều người xung quanh ngăn chặn.

 

Phòng vệ chính đáng chỉ có thể chống trả lại các hành vi nguy hiểm cho xã hội đối với con người thực hiện. Còn tự vệ chống lại hành vi nguy hiểm do súc vật tấn công, thì không phải là trường hợp phòng vệ chính đáng, mà chỉ được coi là tình thế cấp thiết, trừ phi súc vật đó được điều khiển do con người sử dụng làm phương tiện tấn công và hành vi này được coi là hành vi nguy hiểm được coi là phòng vệ chính đáng.

 

Thực tế các vụ án xảy ra thì công dân chỉ có thể phòng vệ đối với các vụ án do cố ý như giết người, hiếp dâm hoặc cố ý gây thương tích; còn các loại tội phạm khác thì không thể sử dụng quyền phòng vệ chính đáng như chống người thi hành công vụ như công an bắt người phạm tội, chấp hành viên thi hành các bản án...

 

Quyền phòng vệ chính đáng của công dân bắt đầu xuất hiện mà hành vi xâm hại bắt đầu và sẽ thực hiện, trực tiếp đe dọa các lợi ích được pháp luật bảo vệ và tồn tại cho đến khi hành vi xâm hại kết thúc. Ví dụ như bọn cướp tấn công, đe dọa, thì cần phải phòng vệ ngay khi bọn cướp yêu cầu giao tài sản, nếu không giao sẽ bị giết, chứ không thể đợi đến khi bọn cướp thực hiện lời đe dọa giết, thì lúc này đâu còn thực hiện quyền phòng vệ được nữa. Vì vậy phải xem xét thời điểm bắt đầu và kết thúc hành vi xâm hại cho mỗi trường hợp phòng vệ cụ thể, cần phải xem đầy đủ, toàn diện các tình tiết, các sự kiện, hoàn cảnh xảy ra vụ án...

 

Như vậy, chỉ được thừa nhận phòng vệ chính đáng phải có sự đe dọa, phải có hành vi xâm hại trực tiếp đến tài sản; còn sự phòng vệ khi chưa có hành vi xâm hại hoặc đã chấm dứt hành vi xâm hại thì không thể coi là phòng vệ chính đáng. Do đó cần phải thận trọng, để tránh phòng vệ quá sớm hoặc phòng vệ quá muộn.


Luật sư Điền Đức Thành

 

Tin tức khác


   Trang sau >>