SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ GIAO LƯU, TÌM HIỂU VỀ NGHỀ LUẬT SƯ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Vừa qua, tại trụ sở Đoàn Luật sư TP.HCM, đại diện Ban Chủ nhiệm đã đón tiếp hơn 40 sinh viên khoa Luật, Trường Đại học Mở TP.HCM và Câu lạc bộ pháp luật Trường Đại học Văn Hiến đến giao lưu, tìm hiểu về sự phát triển của Đoàn Luật sư, hoạt động nghề nghiệp luật sư trên địa bàn thành phố.

Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM đã khái quát quá trình hình thành, phát triển nghề luật sư ở Việt Nam nói chung, nghề luật sư ở TP.HCM nói riêng; sự phát triển của Đoàn Luật sư TP. HCM từ khi thành lập (ngày 24/10/1989) theo Pháp lệnh Luật sư năm 1987 đến nay. Khi thành lập, Đoàn Luật sư TP.HCM có 28 luật sư chính thức và 40 luật sư tập sự, đến nay (tháng 12.2022), Đoàn đã có 6.885 luật sư chính thức và 3750 người tập sự hành nghề luật sư, tăng 165 lần và chiếm 40% tổng số luật sư của cả nước. Điều đáng mừng là hiện nay, số luật sư trẻ, từ 35 tuổi trở xuống là 2.653 luật sư, chiếm 1/3 tổng số luật sư của Đoàn.

Trong phần giao lưu với sinh viên, Luật sư Nguyễn Văn Trung cùng Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ nhiệm), Luật sư Nguyễn Văn Đức (Ủy viên Ban Chủ nhiệm – Trưởng Ban Đào tạo, bồi dưỡng) giải đáp những thắc mắc của các bạn sinh viên về những vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý, môi trường hành nghề, thuận lợi và khó khăn của nghề luật sư, cơ hội nào cho luật sư trẻ…

Luật sư Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh: Các bạn sinh viên muốn trở thành luật sư, trước hết phải rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, giỏi chuyên môn, yêu nghề và phải có đạo đức. Một luật sư muốn đứng vững với nghề, ngoài kiến thức chuyên môn thì đạo đức là điều không thể thiếu. Đồng thời, ttrong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay và xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, luật sư phải giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ để phục vụ cho công việc tốt hơn. Muốn trở thành luật sư giỏi, Luật sư Trung khuyên các bạn sinh viên phải chịu khó làm việc và có phương pháp làm việc đúng; không ngừng trao dồi kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức hành nghề; phải vượt qua chính mình, sống có trách nhiệm, có lý tưởng thì dù có khó khăn đến mấy, các bạn cũng sẽ vượt qua và đứng vững với nghề. Luật sư Trung mong rằng, sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật, các bạn sinh viên tham gia buổi giao lưu sẽ chọn nghề luật sư làm nghề nghiệp cho mình và trở thành đồng nghiệp, cùng nhau phát triển nghề luật sư Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng.

Cùng chia sẻ với các bạn sinh viên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm đã khái quát về hành trình để trở thành luật sư sau khi tốt nghiệp cử nhân luật. Luật sư Hậu khuyên các bạn sinh viên, khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải cố gắng học giỏi, nắm chắc kiến thức, nhất là ngoại ngữ, để khi hành nghề luật sư, các bạn có thể cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất cho khách hàng. Ngoài ra, Luật sư Hậu cũng giới thiệu thêm về các quy định liên quan đến đạo đức hành nghề luật sư, trong đó lưu ý về quy định giữ bí mật khách hàng, các hình thức hành nghề luật sư, lĩnh vực hoạt động của luật sư theo Luật Luật sư và pháp luật có liên quan.

Giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên về khó khăn, nguy hiểm khi hành nghề luật sư, Luật sư Nguyễn Văn Đức, Ủy viên Ban Chủ nhiệm nêu ra một số khó khăn trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp như: Hệ thống văn bản pháp luật ở Việt Nam hiện nay rất đồ sộ, nhưng lại phức tạp, chồng chéo; tuổi thọ của các văn bản luật không cao, có những văn bản pháp luật chỉ sau vài năm ban hành phải sửa đổi, bổ sung. Có một thực tế hiện nay, là các cơ quan nhà nước, hệ thống tư pháp ban hành nhiều văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật (công văn, giải đáp thắc mắc…) nhưng vẫn được sử dụng như là văn bản pháp luật. Điều này, gây khó khăn rất lớn cho luật sư khi hành nghề, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Mặt khác, nhận thức pháp luật giữa luật sư và những người thực thi công vụ ở các cơ quan có thẩm quyền không đồng nhất, dẫn đến việc cùng một quy định pháp luật, mỗi người hiểu một kiểu, từ đó dẫn đến việc áp dụng có độ vênh, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dich vụ của luật sư.

Đối với những nguy hiểm mà nghề luật sư phải đối mặt, luật sư Đức khuyên các bạn sinh viên, trong mọi hoàn cảnh cần thể hiện thái độ ứng xử chuẩn mực, có văn hóa; thắng hay thua cũng không nên thể hiện thái độ quá khích, biết kiềm chế khi gặp những tình huống căng thẳng, phức tạp…

Thạc sĩ Trần Anh Thục Đoan, đại diện Khoa Luật - Trường Đại học Mở TP.HCM bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM đã dành thời gian giao lưu, tìm hiểu và giải đáp những câu hỏi của sinh viên về nghề nghiệp luật sư. Cô Thục Đoan hy vọng, sau buổi giao lưu, các bạn sinh viên của Trường sẽ có định hướng rõ ràng hơn về nghề luật sư, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu cho bản thân khi ra trường. Cô Thục Đoan hy vọng, trong thời gian tới, Khoa Luật – Trường Đại học Mở sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả từ Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh                 

Luật sư Nguyễn Văn Đức

Tin tức khác


   Trang sau >>