ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH CHÀO MỪNG NGÀY TRUYỀN THỐNG LUẬT SƯ VIỆT NAM 10/10 VÀ NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 09/11 NĂM 2023:
TUYÊN TRUYỀN, TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ CHO GẦN 500 NGƯỜI TẠI HUYỆN NHÀ BÈ SÁNG NGÀY 08/10/2023
(ĐLS TP.HCM): Thực hiện Kế hoạch của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh về hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam và Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, với sự phối hợp của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật và một số cơ quan, đoàn thể của huyện Nhà Bè, TP.HCM, sáng ngày 08/10/2023, Nhóm công tác tại huyện Nhà Bè thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (gồm 24 luật sư, người tập sự hành nghề luật sư, do luật sư Nguyễn Bảo Trâm- Ủy viên Ban Chủ nhiệm là Trưởng nhóm và luật sư Trần Thị Ngọc Nữ là Phó trưởng nhóm) đã đến Trường trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Thị Hương để tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí cho gần 500 người (trong có gần 300 em học sinh thuộc 08 trường THCS, 200 đoàn viên, hội viên và nhân dân) trên địa bàn huyện Nhà Bè.
Ngoài thành phần tham dự nêu trên, về phía cán bộ lãnh đạo tại huyện Nhà Bè cùng tham dự buổi hoạt động này, có Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nhà Bè- bà Lê Thị Anh Thư, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy- ông Lê Văn Hoa, Trưởng phòng Tư pháp Huyện- ông Huỳnh Văn Hoàng, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện- ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huyện-ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Huyện- bà Trần Thị Kim Đính, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Xuân- ông Nguyễn Thành Trung, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Thị Hương - bà Nguyễn Thị Hoàng Dung và một số thầy cô, cán bộ thuộc một số cơ quan, đoàn thể khác.
Ôn cố, tri tân
Tại buổi hoạt động này, đề cập đến ý nghĩa về ngày 10/10, luật sư, ngày 09/11, luật sư Nguyễn Bảo Trâm nêu:
Cách đây 78 năm, vào ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL thay thế tổ chức luật sư cũ do Pháp thiết lập từ năm 1864 ở nước ta và sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu mới của Cách mạng nước ta. Sắc lệnh 46/SL đã trở thành một cột mốc quan trọng trong việc hình thành khái niệm quyền bào chữa và nghề luật sư trong chế độ cách mạng của nước ta. Theo thời gian, căn cứ vào các quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động đã minh định hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đội ngũ luật sư Việt Nam không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Đến ngày 14/01/2013, tại Quyết định số 149/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10-10 hàng năm là Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Luật sư Thành phố được thành lập từ năm 1989, đến nay, đã là 34 năm. Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và là Đoàn Luật sư đông nhất nước. Đến nay, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh có 7.245 luật sư trên tổng số hơn 17.000 luật sư trong cả nước, có hơn 4.527 người tập sự hành nghề luật sư và có trên 1.700 công ty luật, văn phòng luật sư; hàng năm cung cấp cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức nhiều chục ngàn dịch vụ pháp lý về bào chữa, tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính, đại diện trong và ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý khác.
Trở lại với lịch sử, vào ngày 09/11/1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, đất nước ta đã có Hiến pháp năn 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013. Những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.Vì vậy, ngày 9/11 - ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hàng năm, đã được quy định trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người, qua đó xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội.
Nói về hoạt động của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10 và hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 09/11 năm 2023, luật sư Nguyễn Bảo Trâm cho biết Đoàn Luật sư Thành phố tổ chức hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí tại nhiều nơi, trong đó có huyện Nhà Bè.
Cũng tại buổi hoạt động này, luật sư Nguyễn Bảo Trâm đã gửi lời cảm ơn trân trọng đến Huyện ủy, UBND huyện Nhà Bè, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể của Huyện đã quan tâm, phối hợp nhanh chóng, tích cực, trách nhiệm với Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí, tặng quà cho các em học sinh tham dự buổi tuyên truyền pháp luật vào sáng ngày 08/10/2023 tại huyện Nhà Bè; và sự tham gia của các em học sinh, bà con nhân dân tại Huyện.
Tuyên truyền pháp luật: ba phòng chống
Mở đầu phần tuyên truyền pháp luật, luật sư Bùi Tấn Đủ và luật sư Nguyễn Thị Kim Phượng nói về chuyên đề Phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử với các nội dung: thuốc lá điện tử là gì? Tác hại của thuốc lá điện tử. Nhận biết một số thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo học sinh, người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá điện tử. Quy định cấm của pháp luật về thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử liên quan đến học sinh, người chưa đủ 18 tuổi và quy định của pháp luật về xử lý vi phạm (kỷ luật, hành chính, hình sự, dân sự).
Tiếp theo, luật sư Đào Duy Tân và luật sư Nguyễn Thị Hồng Thắm nói về chuyên đề Phòng chống nói xấu trên mạng xã hội với những nội dung: mạng xã hội là gì? Lợi hại của mạng xã hội. Phòng chống nói xấu trên mạng xã hội thông qua việc tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (ban hành kèm theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông). Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân, tổ chức khác bằng việc livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội nói riêng, nói xấu trên mạng xã hội nói chung sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Sau đó, luật sư Đỗ Đăng Khoa và luật sư Nguyễn Ngọc Minh Giang nói về chuyên đề Những điểm mới của Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 so với Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007.
Trước khi kết thúc mỗi chuyên đề, các luật sư trình bày đã đưa ra những khuyến nghị cần thiết.
Hỏi đáp tương tác
Kết thúc phần tuyên truyền pháp luật, chuyển qua phần hỏi đáp tương tác liên quan đến ba chuyên đề nêu trên, luật sư trong Ban Giám khảo chỉ mới vừa dứt câu hỏi đầu tiên, đã có nhiều học sinh đưa tay lên để đăng ký trả lời. Sau khi có học sinh trả lời xong câu hỏi thứ hai của luật sư, nghe xong đáp án của luật sư thì có ngay học sinh khác đăng ký hỏi luật sư.
Không khí hỏi đáp tương tác nóng hổi, sôi nổi lên theo phút. Đến câu hỏi thứ tư của luật sư thì nhiều em học sinh đã chủ động lên xếp hàng trật tự phía trước sân khấu để chờ đến lượt mình hỏi, trả lời. Người hỏi thứ 18 là một chị phụ nữ. Trao đổi với thành viên Nhóm công tác, một số người lớn cười, vui, nói với thành viên Nhóm công tác là người lớn thấy các em học sinh đăng ký hỏi, đáp nhiều và sung sức quá nên ưu tiên để các em hỏi, trả lời. Nội dung hỏi tập trung vào những vấn đề cụ thể như: tại sao tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử mà pháp luật không cấm người bán thuốc lá điện tử nói chung, mà chỉ cấm bán cho người chưa đủ 18 tuổi? Bị nói xấu trên mạng xã hội thì chứng minh như thế nào? Cha mẹ ép buộc con học phải được điểm cao có phải là bạo lực gia đình không? Người vợ bị chồng bạo lực gia đình mà người vợ cứ chịu đựng hoài thì hàng xóm báo chính quyền được không? Là thành viên của gia đình bị bạo lực thì nên nói chuyện với nhau như thế nào? Học sinh bị vu khống là nói xấu giáo viên nhưng học sinh không có nói xấu giáo viên thì làm sao để minh oan và người vu khống sẽ bị xử lý thế nào?...
Em Bảo Anh, lớp 8A4 trường THCS Hai Bà Trưng đặt hai câu hỏi: điều kiện trở thành luật sư là gì? Luật sư không được thực hiện những hành vi gì? Sau khi luật sư trả lời và hỏi lại có thấy trở thành luật sư khó không, em Bảo Anh trả lời là khó nhưng khẳng định dù có khó, em vẫn mong muốn trở thành luật sư. Đồng cảm với em Bảo Anh, luật sư đã chia sẻ lời Bác Hồ nói: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”.
Các câu hỏi của người tham dự đều được các luật sư của Nhóm công tác trả lời đầy đủ và các câu trả lời của người tham dự đã được luật sư trong Ban giám khảo nhận xét.
Kết thúc câu hỏi hay câu trả lời về mỗi vấn đề và sau phần nhận xét của luật sư trong Ban Giám khảo, Nhóm công tác đã mời đại diện chính quyền huyện Nhà Bè cùng trao những phần thưởng của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho những người tham gia hỏi đáp tương tác, góp thêm niềm vui cho người tham gia.
Tư vấn pháp luật miễn phí
Song song với hoạt động hỏi đáp tương tác nêu trên là hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí tại hai dãy bàn gần các phòng làm việc của trường THCS Nguyễn Thị Hương. Các luật sư của Nhóm công tác (luật sư Chu Thị Thùy Giang, luật sư Nguyễn Xuân Phong, luật sư Nguyễn Thị Liên, luật sư Lý Anh Quy, luật sư Nguyễn Thị Tường Vi, luật sư Nguyễn Thị Xuân Mai, luật sư Phạm Thị Mai) đã tư vấn pháp luật miễn phí đối với từng câu hỏi, trường hợp cụ thể của 19 học sinh và người dân về đất đai, phòng chống bạo lực gia đình và bạo lực học đường, phòng chống nói xấu trên mạng xã hội và một số vấn đề khác. Dù đã hết thời gian thực hiện hoạt động này và mặt trời đã đứng bóng, nắng gắt nhưng những luật sư vẫn nán lại để lắng nghe thêm những tâm tư, những thắc mắc thêm của người hỏi và động viên, chia sẻ, tư vấn.
Tặng quà cho gần 300 em học sinh
Mở đầu phần tặng quà của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho gần 300 em học sinh tham dự buổi tuyên truyền, tư vấn pháp miễn phí (mỗi em 01 phần là 10 cuốn tập học sinh), đại diện Nhóm công tác là luật sư Nguyễn Thị Đào đã gửi thông điệp quà tặng để động viên, khuyến khích các em học sinh và gửi lời mong, lời chúc các em học sinh học tập và rèn luyện tốt, có thêm những hiểu biết pháp luật để có những ứng xử đúng pháp luật, là những công dân tốt, là những con ngoan, trò giỏi.
Với sự phối hợp của các thầy cô, cán bộ đoàn thể, các luật sư phụ trách công tác tặng quà thuộc Nhóm công tác (luật sư Nguyễn Thị Đào, luật sư Trịnh Thị Phương Phi, luật sư Nguyễn Hoài Vũ, luật sư Phạm Thị Thảo, luật sư Bùi Văn Tài, luật sư Phan Hiền, luật sư Nguyễn Trúc Anh, Lại Thị Ngọc Điểm, người tập hành nghề luật sư Huỳnh Hữu Đang) đã tiến hành việc tổ chức tặng quà trên cho gần 300 học sinh tham dự buổi hoạt động này. 24 thành viên của Nhóm công tác cùng nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương, thầy cô giáo có mặt tại buổi hoạt động này đã cùng nhau trao quà, thăm hỏi, động viên các em học sinh tham dự, góp phần tạo thêm không khí sôi nổi, tình cảm chan hòa của buổi hoạt động.
Lời cảm ơn của chính quyền địa phương
Phát biểu tại buổi hoạt động trên, thay mặt Ủy ban Nhân dân và Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Nhà Bè, bà Lê Thị Anh Thư đã ghi nhận và trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, cùng tất cả các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các xã, thị trấn đã đồng hành tổ chức truyền thông và tư vấn pháp luật miễn phí nhằm hướng tới kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam và Ngày truyền thống ngành Luật sư Việt Nam một cách thiết thực, hiệu quả; đồng thời, cũng đã chuyển tải đến các em học sinh và Nhân dân trên địa bàn Huyện những điểm mới của các chính sách pháp luật, cũng như những tác hại và cách phòng, chống thuốc lá điện tử; nói xấu trên các trang mạng xã hội. Bà Thư mong rằng qua buổi truyền thông và tư vấn pháp luật, các em học sinh, đoàn viên, hội viên được trang bị và nâng tầm kiến thức về phòng, đấu tranh chống bạo lực trong gia đình, cũng như nói không với thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng; phòng tránh nói xấu trên các trang mạng điện tử hiện nay. Bà Thư cảm ơn Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tốt trong công tác tuyên truyền và tư vấn pháp luật miễn phí hỗ trợ cho người dân; đồng thời trao những phần quà ý nghĩa, động viên gửi đến các em học sinh của huyện Nhà Bè. Bà Thư cũng cám ơn Ban giám hiệu trường THCS Nguyễn Thi Hương đã hỗ trợ địa điểm và phối hợp tốt công tác tổ chức. Bên cạnh đó, thay mặt lãnh đạo huyện Nhà Bè, bà Thư chúc các đồng chí lãnh đạo, quý đại biểu, các anh, chị Đoàn Luật sư Thành phố, đại diện các cơ quan, đơn vị, hội viên các đoàn thể, các bạn đoàn viên, cùng các em học sinh luôn được mạnh khỏe, công tác và học tập tốt.
Nhóm Công tác tại huyện Nhà Bè thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh
Nguồn các hình ảnh của: thành viên Nhóm Công tác, phóng viên Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân huyện Nhà Bè.