BẢN BÀO CHỮA CHO BỊ CÁO NGUYỄN VĂN XEM

 

"Hiện nay, nhiều cán bộ ngân hàng bị truy tố và xét xử về tội "Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Văn phòng Đoàn vừa nhận được Bài bào chữa của Luật sư Trịnh Minh Tân, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Xem, nguyên Phó giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Sóc Trăng. Chúng tôi đăng nguyên văn để các đồng nghiệp tham khảo"

BẢN BÀO CHỮA CHO BỊ CÁO NGUYỄN VĂN XEM

 

(phiên tòa ST HS – TAND tỉnh Sóc Trăng từ ngày 20 à 30/7/2015)

 

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Thưa đại diện VKS ND tỉnh Sóc Trăng

Tôi là luật sư Trịnh Minh Tân – là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Xem, bị VKSND Tối cao truy tố về tội: “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo khoản 3 Điều 179 Bộ luật hình sự.

Sau khi đã nghe lời luận tội của vị đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng thực hành quyền công tố tại phiên tòa này, trên cơ sở các tài liệu trong hồ sơ vụ án, qua theo dõi và tham gia thẩm vấn tại phiên tòa đối với bị cáo Nguyễn Văn Xem và các bị cáo liên quan; quy chiếu các sự kiện pháp lý với các văn bản QPPL, quy chế và các văn bản của Hội đồng quản lý và Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam về tín dụng xuất khẩu. Tôi xin trình bày lời bào chữa cho thân chủ tôi là bị cáo Nguyễn Văn Xem, hầu mong HĐXX cân nhắc, xem xét một cách khách quan các tình tiết của vụ án, hành vi cụ thể và nhân thân của bị cáo Nguyễn Văn Xem khi nghị bàn về tội danh và lượng hình đối với thân chủ tôi.

Để có một cái nhìn tổng thể, từ đó liên hệ đến trách nhiệm của bị cáo Nguyễn Văn Xem trong vụ án này, tôi được trình bày như sau:

1.    Quan hệ tín dụng giữa VDB Sóc Trăng và CTy Cổ phần Chế biến Thực phẩm Phương Nam với việc ký kết & thực hiện Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 05/2011/HĐXKHM-NHPTPC ngày 22/4/2011

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (viết tắt NHPT VN) được thành lập bởi Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tổ chức lại Quỹ hỗ trợ phát triển (thành lập năm 1999), tên giao dịch quốc tế viết tắt là VDB (The Vietnam Development Bank). Ngày 01/07/2006, Tổng giám đốc VDB có Quyết định số 03/QĐ-NHPT về việc thành lập 59 Chi nhánh Ngân hàng phát triển và 2 Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực trên cơ sở tổ chức lại các Chi nhánh Quỹ hỗ trợ Phát triển tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có VDB Sóc Trăng. VDB Sóc Trăng là đơn vị kế thừa của Cục đầu tư phát triển tỉnh Sóc Trăng và sau đó là Quỹ hỗ trợ phát triển tỉnh Sóc Trăng, cả ba thời kỳ với các tên gọi khác nhau đều do ông Nguyễn Thế Thắng làm giám đốc, ông Nguyễn Văn Xem làm Phó giám đốc.

Căn cứ Điều 1 Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Phát triển được thành lập nhằm mục đích thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu. Trước những khó khăn về vốn của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập trong xu thế phát triển nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và xuất khẩu hàng hóa trong nước sản xuất, Ngân hàng Phát triển là địa chỉ quan trọng cho các doanh nghiệp cần vốn đầu tư và sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, đặc biệt hàng xuất khẩu là mặt hàng thủy sản, trong đó tôm nuôi là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

          Công ty TNHH Phương Nam được thành lập từ ngày 08/01/1998. Đến 24/10/2010 chuyển đổi thành công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Phương Nam (từ đây gọi tắt là Cty Phương Nam), đã có quan hệ giao dịch tín dụng xuất khẩu với Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Sóc Trăng (từ đây gọi tắt là NHPT STr hoặc VDB Sóc Trăng) từ năm 1999, khi mà CN NHPT STr còn là Chi nhánh Quỹ hỗ trợ Phát triển Sóc Trăng [BL. 4506].

Do đó có thể khẳng định, Cty Phương Nam là khách hàng truyền thống của NHPT STr từ năm 1999 đến ngày Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án hình sự.

Theo cáo trạng số 04/VKSTC-V1B ngày 11/6/2015 của VKSND Tối cao, từ ngày 12/3/2008 đến ngày 24/4/2011, Nguyễn Thế Thắng, Giám đốc CN NHPT STr ký tổng cộng 06 Hợp đồng tín dụng cho Công ty Phương Nam, đại diện là Lâm Ngọc Khuân, Lâm Ngọc Hân vay tổng cộng 1.870 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là động sản và bất động sản bằng 15 – 30% trên tổng dư nợ, số còn lại được đảm bảo bằng hàng hóa thành phẩm tồn kho (tôm đông lạnh). Cáo trạng ghi: “Khi ký kết và thực hiện các hợp đồng tín dụng, VDB Sóc Trăng đều có các vi phạm quy định về cho vay, nhưng 5 hợp đồng đầu đã được tất toán. Riêng Hợp đồng thứ 6: Số 05/2011/HĐXKHM-NHPTPC ngày 22/4/2011 còn dư nợ không có khả năng thu hồi vốn vay.” [Tr. 7, 8 CT] 

Cáo trạng đưa ra thông tin là “khi ký kết và thực hiện các hợp đồng tín dụng, VDB Sóc Trăng đều có các vi phạm quy định về cho vay, nhưng 5 hợp đồng đầu đều đã được tất toán”, nhưng cáo trạng không chỉ ra 5 hợp đồng đã tất toán có những vi phạm gì (?!), trong khi thực tế là 5 hợp đồng đó đã tất toán, Cty Phương Nam không còn nợ VDB Sóc Trăng, nên cho dù có vi phạm ở điểm nào đó (mà cáo trạng chưa chỉ ra được) thì 5 hợp đồng tín dụng xuất khẩu đó đều đã làm lợi cho cả 2 pháp nhân là bên vay và bên cho vay là Cty Phương Nam và VDB Sóc Trăng cho đến khi ký kết và thực hiện hợp đồng tín dụng hạn mức số 05/2011/HĐXKHM-NHPTPC.

Tại trang 12, cáo trạng quy buộc các bị cáo ở VDB Sóc Trăng “vi phạm Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước quy định tại khoản 4 Điều 7 về điều kiện cho vay. Cáo buộc này của cáo trạng là không đúng, vì khoản 4 Điều 7 Nghị định số 151/2006/NĐ-CP quy định: “Chủ đầu tư có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trả được nợ; được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chấp thuận cho vay”. Quy định này là áp dụng cho vay đầu tư tại chương 2 Nghị định 151/2006/NĐ-CP, VDB Sóc Trăng cho Công ty Phương Nam vay theo Hợp đồng 05/2011/HĐTDXKHM-NHPT là hợp đồng tín dụng xuất khẩu hạn mức (TDXKHM)  quy định tại chương 3 của Nghị định 151/2006-CP ngày 20/12/2006 chứ không phải như cáo trạng đã viên dẫn. Khoản 2 Điều 22 chương 3 Nghị định này quy định về điều kiện cho vay tín dụng xuất khẩu là: “Nhà xuất khẩu đã ký kết hợp đồng xuất khẩu.”. Việc viện dẫn sai quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nêu trên để áp dụng cho hành vi của các bị cáo nguyên là cán bộ VDB Sóc Trăng sẽ dẫn đến việc nhận định và đánh giá tính chất của hành vi không đúng, làm xấu đi tình trạng của các bị cáo. Làm sao có thể viện dẫn quy định của văn bản quy phạm pháp luật áp dụng cho trường hợp cho vay đầu tư vào trường hợp cho vay xuất khẩu, theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” để buộc tội?

Cũng tại trang 12 (và trang 42), cáo trạng quy kết VDB Sóc Trăng và bị cáo Nguyễn Văn Xem “không kiểm tra đối chiếu sổ phụ ngân hàng”. Quy buộc này liệu có thỏa đáng khi mà cáo trạng không viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật nào hoặc văn bản nào của NHPT VN quy định các chi nhánh NHPT phải kiểm tra sổ phụ ngân hàng của khách hàng vay ở các ngân hàng khác?

Ở thời điểm VDB Sóc Trăng ký hợp đồng TDXK hạn mức số 05/2011/HĐXKHM-NHPTPC cho Công ty Phương Nam vay thì Công ty Phương Nam chưa ký hợp đồng vay của các ngân hàng khác mà cáo trạng đã quy buộc là hành vi lừa đảo, tức Công ty Phương Nam chưa có giao dịch vay với ngân hàng khác, chưa có nghiệp vụ ngân hàng phát sinh thì lấy đâu ra sổ phụ của ngân hàng khác? Mà các ngân hàng mà Cty Phương Nam giao dịch tín dụng (ngoài VDB Sóc Trăng) thì đều là Ngân hàng Thương mại. Việc vay vốn ở các NHTM không phải như ở VDB, bởi vay ở NHTM chắc chắn Cty Phương Nam phải chứng minh có tài sản thế chấp và tài sản thế chấp đó phải có giá trị lớn hơn số tiền vay.

Sổ phụ ngân hàng (còn gọi là sổ phụ tài khoản) là loại sổ kế toán chi tiết theo dõi từng tài khoản của khách hàng có quan hệ giao dịch với ngân hàng; sổ này thể hiện chi tiết các nghiệp vụ phát sinh về tiền gửi, tiền vay, lãi tiền gửi... tiền nhập và xuất khỏi tài khoản của khách hàng, số dư cuối kỳ.... Khi cần thiết để đối chiếu với ngân hàng, khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng in ra giấy sổ phụ này.

Thời điểm mà Công ty Phương Nam giao dịch với các ngân hàng khác được thể hiện như sau:

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Sở giao dịch Hậu Giang

Ngày 06/6/2011, Đỗ Hùng Sở ký hợp đồng hạn mức tín dụng xuất khẩu .....vay hạn mức tín dụng ngắn hạn 250 tỷ đồng”.

 Ngân hàng TMCP Thương tín (Sacombank) chi nhánh Sóc Trăng:

Ngày 24/6/2011, Lưu Quốc Cường, PGĐ Sacombank Sóc Trăng và Lâm Ngọc Hân GĐ Phương Nam ký HĐ tín dụng hạn mức số Ld111750024 và Hợp đồng chiết khấu hạn mức số LD1117500025 cho Phương Nam vay 100 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP An Bình chi nhánh Bạc Liêu (ABBank Bạc Liêu)

Ngày 20/10/2011 ký hợp đồng cấp hạn mức số 0015/11/TD/IX cho Phương Nam vay 07 triệu USD hoặc VNĐ tương đương

Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng (Vietcombank):

Ngày 31/10/2011 ký HĐ tín dụng theo hạn mức số 321/NHTMCPNT.ST cho Phương Nam vay 90 tỷ đồng

Ngày 5/01/2012 ký HĐ tín dụng từng lần số 07/NHTMCPNT.ST cho Phương Nam vay 3.100.000.000đ

Ngày 09/01/2012 ký HĐ Tín dụng từng lần số 10/NHTMCPNT.ST cho Phương Nam vay 50 tỷ đồng

Như vậy, đối với Hợp đồng TDXK hạn mức số 05/2011/HĐXKHM-NHPTPC ký ngày ngày 22/4/2011, giả sử có quy định khi ký và thực hiện việc giải ngân cho hợp đồng này, VDB Sóc Trăng phải kiểm tra sổ phụ ngân hàng của các ngân hàng khác giao dịch với Cty Phương Nam thì cũng không thể có (trừ những trường hợp đã vay các NHTM trước đó)

Ngân hàng Phát triển Việt Nam là tổ chức tín dụng duy nhất thực hiện hoạt động tín dụng xuất khẩu của Nhà nước với những quy định nới lỏng về thủ tục, nhưng chặt chẽ về đối tượng cho vay do hoạt động TDXK của Nhà nước có những đặc điểm sau:

+ Hoạt động tín dụng xuất khẩu của Nhà nước không vì mục tiêu lợi nhuận mà là nhằm hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu để có điều  kiện đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

+ Nguồn vốn cho vay TDXK thuộc nguồn vốn tín dụng Nhà nước do Chính phủ bố trí giao kế hoạch. Hàng năm căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế -  xã hội, Nhà nước bố trí một mức vốn nhất định đề dành cho hoạt động TDXK;

+ Cơ chế cho vay vốn ưu đãi hơn hình thức cho vay thông thường như  ưu  đãi về lãi suất, bảo hiểm tiền vay, … Lãi suất cho vay là lãi suất ưu đãi thường thấp hơn lãi xuất cho vay của các NHTM, với mục đích hỗ trợ cho doanh nghiệp có điều kiện giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu.

+ Vì cho vay với lãi suất ưu đãi nên hàng năm được Ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất giữa lãi suất cho vay đầu ra và đầu vào.

+ Về bảo đảm tiền vay, khi vay vốn tại NHTM doanh nghiệp phải thế chấp tài sản và giá trị thế chấp thường cao hơn giá trị khoản vay. TDXK có tính chất hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước nên đòi hỏi về bảo đảm tiền vay cũng có tính hỗ trợ không khắt khe như  yêu cầu bảo đảm tiền vay tại các NHTM.

+ Đối tượng được vay vốn TDXK của Nhà nước hạn chế so với đối tượng cho vay của các NHTM. Đối tượng vay vốn TDXK của Nhà nước phải có hợp đồng xuất khẩu đối với nhà xuất khẩu và thuộc danh mục mặt hàng được Nhà nước quy định khuyến khích xuất khẩu.

          Tại công văn số 1462/NHPT-TDXK ngày 09/4/2011 của TGĐ NHPT Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về TDXK, tại điểm 1.3 khoản 1 có ghi: “Đối với khách hàng đang có quan hệ TDXK với NHPT, sau khi duyệt giới hạn tín dụng, Chi nhánh thực hiện như sau:

- Trường hợp dư nợ hiện tại nhỏ hơn giới hạn tín dụng của khách hàng: Chi nhánh thực hiện biện pháp cần thiết để tăng dư nợ đối với nhóm khách hàng có năng lực thực hiện xuất khẩu tốt, tình hình tài chính tốt và uy tín tín dụng.

- Trường hợp dư nợ hiện tại bằng giới hạn tín dụng của khách hàng: Lựa chọn các phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, duy trì quan hệ với khách hàng.”

Khoản 2 của văn bản này quy định: “Trong giai đoạn hiện nay, NHPT tập trung vốn cho vay đối với các mặt hàng: thủy sản, cà phê, hạt điều đã qua chế biến…”.

Những nội dung trên cho thấy áp lực cho vay để tăng dư nợ là rất lớn với mục tiêu đẩy mạnh hàng xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng thủy sản. Hợp đồng 05/2011/ HĐXKHM-NHPT-PC ngày 22/4/2011 giữa NHPT chi nhánh Sóc Trăng và Cty Phương Nam được ký kết trong bối cảnh đó.

Đối với hợp đồng số 05/2011/HĐXKHM-NHPTPC ngày 22/4/2011 còn dư nợ, theo cáo trạng kết luận là không có khả năng thu hồi vốn vay. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án và cáo trạng chưa xác định tổng giá trị tài sản hiện có của Công ty Phương Nam. Việc định giá mới chỉ dừng lại ở các tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay, chưa định giá toàn bộ tài sản của công ty Phương Nam cũng như giá trị thương hiệu mà Công ty Phương Nam đã có.

Tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh từ thời điểm năm 1999 cho đến trước khi hợp đồng tín dụng xuất khẩu hạn mức số 05/2011 được ký kết và thực hiện thì cả VDB Sóc Trăng và Cty Phương Nam đều hoàn thành và hợp đồng được tất toán. Đây là cơ sở để xác định Cty Phương Nam là khách hàng truyền thống và có uy tín của VDB Sóc Trăng, ở thời điểm ký kết hợp đồng TDXK hạn mức số 05/2011... Cty không có nợ xấu ở VDV Sóc Trăng. Chính vì vậy mà từ năm 1999 cho đến khi Hợp đồng tín dụng 05/2011 được ký kết và giải ngân, VDB Sóc Trăng vẫn tin tưởng Cty Phương Nam là doanh nghiệp có trách nhiệm đối với các khoản vay.

Việc chủ doanh nghiệp là Lâm Ngọc Khuân và Lâm Ngọc Hân bỏ đi nước ngoài trốn nợ làm cho các chủ nợ không có điều kiện để cân đối giữa các các khoản nợ với tài sản thực có của doanh nghiệp ngoài tài sản thế chấp bảo đảm đảm tiền vay. Khác với các với chủ nợ là các NHTM mà tài sản thế chấp của khách hàng phải có giá trị lớn hơn số tiền khách hàng vay. Nhưng đối với NHPT, vì chính sách cho vay mang tính đặc thù, ưu đãi đối với nhà xuất khẩu, tài sản thế chấp, bảo đảm tiền vay ngoài tài sản thế chấp bằng 15% giá trị hợp đồng TDXK hạn mức, các tài sản có giá trị lớn thì thường là hàng hóa hình thành từ vốn vay, trong khi giá cả hàng hóa lại không ổn định.

Hiện nay, với thương hiệu Công ty Cổ Phần Chế Biến Thực phẩm Phương Nam, các chủ mới của Công ty vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy, những chủ mới phải là những doanh nhân hiểu biết về giá trị tài sản (động sản & bất động sản), giá trị về thương hiệu, năng lực sản xuất kinh doanh và lao động lành nghề của Công ty Phương Nam thì mới dám bơm tiền vào để doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đứng trước khoản nợ vay vốn của các NHTM quá lớn, mà việc vay là do khai khống tài sản thế chấp, khai cả tài sản đã thế chấp cho VDB Sóc Trăng làm tài sản thế chấp cho các NHTM, Lâm Ngọc Khuân và Lâm Ngọc Hân đã hoảng loạn, không biết xử lý như thế nào nên đã đi ra nước ngoài trốn nợ là hệ lụy chủ yếu đưa các cán bộ của VDB Sóc Trăng vào vòng quay tố tụng. Việc bỏ trốn của chủ doanh nghiệp đã làm cho việc cân đối tài sản của doanh nghiệp với vốn vay TDXK của VDB Sóc Trăng không thể thực hiện được để thu hồi vốn vay. Trong khi các NHTM được phép tái cơ cấu doanh nghiệp con nợ thì theo quy định, NHPT không được phép.

Việc Lâm Ngọc Khuân và Lâm Ngọc Hân và những người liên quan có hành vi gian dối để vay tiền từ các ngân NHTM xảy ra sau khi HĐ 05/2011 được ký kết. Vì vậy, dù cho tài sản thế chấp của cty Phương Nam được định giá có thấp hơn trên 100 tỷ đồng so với hạn mức vay 380 tỷ đồng thì số tiền cty Phương Nam nợ VDB Sóc Trăng nếu được thu hồi ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án thì thiệt hại sẽ giảm thiểu rất nhiều chứ không phải như cách tính thiệt hại như cáo trạng đã nêu.

2.    Quy trình ký kết hợp đồng TDXK hạn mức số 05/2011/HĐXKHM - NHPTPC ngày 22/4/2011 và vai trò, trách nhiệm của bị cáo Nguyễn Văn Xem trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng này.

+ Về quy trình duyệt Tờ trình duyệt vay và ký hợp đồng tín dụng xuất khẩu

Công văn số 86/NHPT.STR-HCNS ngày 11/02/2011 của Giám đốc Chi nhánh NHPT Sóc Trăng gửi NHPT VN v/v phân công nhiệm vụ trong Ban gián đốc: “1/ Phó giám đốc Nguyễn Văn Xem: Giúp việc cho Giám đốc và trực tiếp phụ trách chỉ đạo các lĩnh vực công tác sau: + Công tác cho vay vốn TD.ĐTPT của Nhà nước; + Công tác tín dụng xuất khẩu..... + Một số công việc cụ thể theo sự ủy quyền của Giám đốc Chi nhánh” [BL5083]

          Theo nội dung trên, bị cáo Nguyễn Văn Xem là người trực tiếp phụ trách quy trình ký kết và thực hiện các hợp đồng TDXK như đã được phân công. Trên thực tế, bị cáo Nguyễn Văn Xem đã ký nhiều hợp đồng TDXK với Công ty Phương Nam, tham gia góp ý vào dự thảo tờ trình cho vay và dự thảo hợp đồng TDXK giữa VDB Sóc Trăng và Công ty Phương Nam. Các quy trình dự thảo và thẩm duyệt được VDB Sóc Trăng thực hiện trên mạng thông qua phần mềm Lotus Notes. Cụ thể: mỗi một cán bộ trong ngân hàng Phát triển (trừ bảo vệ, lái xe, tạp vụ) đều được cấp một user và password (mật khẩu) riêng để đăng nhập vào hệ thống mạng nội bộ Lotus Notes. Khi đăng nhập vào hệ thống cán bộ có thể gửi và nhận các văn bản, tài liệu đi và đến từ các cán bộ khác. Theo đó, việc trình ký cũng được cán bộ tiến hành bằng cách gửi văn bản cho cấp trên, cấp trên chỉ cần đăng nhập vào hệ thống sẽ nhận được văn bản đó. Sau khi đã thống nhất, cấp trên tiến hành gửi văn bản lại cho cán bộ để cán bộ chỉnh sửa theo ý kiến cấp trên (nếu có) hoặc in ra trình giám đốc ký phát hành, kết thúc qui trình trình ký.

          Lotus Notes là hệ thống có tính an toàn và bảo mật rất cao. Các tài liệu trong Lotus Notes tùy theo nhu cầu mà có thể được mã hóa từ toàn bộ cho đến từng trường. Lotus Notes hạn chế đến mức tối đa sự truy nhập trái phép vào hệ thống thông tin do Lotus Notes lưu giữ. Quyền truy nhập cũng chia ra làm nhiều mức khác nhau: người quản lý, người thiết kế, người sửa đổi, người đọc, và người không có quyền hạn gì. Điều này cho thấy, mọi hoạt động tác nghiệp tại VDB Sóc Trăng trên Lotus Notes đều được lưu giữ và bảo mật. Do đó, lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Xem về việc không tham gia duyệt dự thảo Tờ trình duyệt vay 380 tỷ đồng trước khi hợp đồng TDXK hạn mức số 05/2011/HĐXKHM - NHPTPC ngày 22/4/2011 được ký kết là chính xác, được chứng minh cụ thể trên lịch làm việc và hoạt động trên phần mềm Lotus Notes. Bị cáo Vũ Văn Quang xác nhận: “tôi (Quang) là người chuyển file cho anh Xem trên máy vi tính, nhưng anh Xem nghỉ phép, nên chị Ngân chuyển file cho anh Nhã, và anh Nhã chuyển file cho anh Thắng giám đốc chi nhánh để xin ý kiến, vì thời gian thẩm định ngắn (chỉ có 7 ngày làm việc) nên không chờ ý kiến của anh Xem được và anh Thắng đã đồng ý với tờ trình duyệt vay, và tờ trình duyệt vay đã được anh Thắng Giám đốc CN VDB Sóc Trăng ký ngày 09/03/2011, số 144/NHPT-STR-TD và gửi Ngân hàng phát triển Việt Nam cùng ngày để tái thẩm định.” [BL. 4736]

Quang khai tiếp: “Sau khi tôi (Quang) chuyển cho anh Xem tờ trình duyệt vay (đối với hồ sơ vay Công ty PhươngNam) ngày 03/03.2011. Đồng thời, anh Nhã cũng chuyển văn bản này cho anh Thắng, giám đốc để chỉnh sửa vì lúc này anh Xem đang nghỉ phép. Vì vậy anh Thắng đã chỉnh sửa và ký phát hành vào ngày 09/3/2011. Đến ngày 10/3/2011, anh Xem vào làm việc chỉnh sửa tờ trình duyệt vay và gửi lại cho anh Nhã, lúc này tờ trình duyệt vay đã được phát hành” [BL. 4700].

Tại bút lục 4528, bị cáo Nguyễn Thế Thắng khai: “do lúc này phó giám đốc phụ trách tín dụng là anh Nguyễn Văn Xem đang nghỉ phép, thời gian thẩm định gấp nên tôi (Thắng) vẫn ký duyệt tờ trình và sau đó ký gửi cho VDB Việt Nam tái thẩm định.”. Tại phiên tòa, bi cáo Nguyễn Thế Thắng cũng tái khẳng định là bị cáo Nguyễn Văn Xem không tham gia quy trình duyệt tờ trình duyệt vay và dự thảo hợp đồng số 05/2011.

Ngày 10/03/2011, sau khi nghỉ phép, bị cáo Nguyễn Văn Xem vào cơ quan làm việc, đọc “Tờ trình duyệt vay” trên mạng Lotus Notes, nghĩ là văn bản này Giám đốc chưa ký nên bị cáo Xem có ghi ý kiến đề nghị phòng Tín dụng rà soát và điều chỉnh các nội dung: Xác định tỉ giá cho sát với tỉ giá của ngân hàng hiện nay; xác định lãi vay vốn lưu động và vốn trung hạn chưa khớp với hạn mức vốn vay và dư nợ vốn vay trung hạn; cần giải trình số vốn vay ngắn hạn của các NHTM theo phương án SXKD năm 2011 387 tỷ đồng rất thấp so với dư nợ của các NHTM tại thời điểm 31/12/2010.

Nội dung trên cho thấy bị cáo Nguyễn Văn Xem thể hiện trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo hoạt động TDXK. Tuy nhiên, Tờ trình này đã được phát hành trước khi bị cáo Nguyễn Văn Xem cho ý kiến trên file văn bản này.

Như vậy, có căn cứ khẳng định tờ trình duyệt vay 380 tỷ đồng trước khi gởi NHPT Việt Nam không có sự tham gia của Nguyễn Văn Xem. Do đó Nguyễn Văn Xem không chịu trách nhiệm đối với nội dung tờ trình duyệt vay này.

Tại trang 8 bản Cáo trạng 04/VKSTC-V1B từ  dòng thứ 7 tính từ dưới lên ghi: “Ngày 22/4/2011, Từ Quỳnh Ngân soạn thảo Hợp đồng tín dụng xuất khẩu theo hạn mức số 05/2011/HDTDXKHM – NHPTPC, trình cho Trần Văn Nhã, Nguyễn Văn Xem xét duyệt. Cùng ngày Nguyễn Thế Thắng đã ký Hợp đồng cho vay tín dụng xuất khẩu theo hạn mức số 05/2011/HDTDXKHM-NHPTPC ....”.

Nội dung trên nói Nguyễn Văn Xem xét duyệt Hợp đồng số 05/2011 là không đúng, vì Phòng Tín dụng không trình dự thảo hợp đồng cho Nguyễn Văn Xem kiểm tra. Nội dung tác nghiệp thể hiện trên mạng Lotus Note trong ngày 22/4/2011 và những ngày trước đó không có hoạt động nào của Nguyễn Văn xem.

          Bị cáo Vũ Văn Quang khai: “hợp đồng này theo đúng quy định phải chuyển cho tôi theo file để tôi rà soát, nhưng kiểm tra trên mạng Lotus Notes thì chị Ngân không có chuyển cho tôi mà chị Ngân chuyển trực tiếp cho anh Nhã trưởng phòng tín dụng, sau đó anh Nhã chuyển file tiếp cho các phòng liên quan và ban giám đốc và đến ngày 22/4/2011 hợp đồng TDXK theo hạn mức số 05/2011 được giám đốc Thắng ký, anh Nhã ký nháy từng trang của hợp đồng, anh Vân phó giám đốc kiêm trưởng phòng kiểm tra ký nháy ở chữ giám đốc sau đó chị Ngân chuyển qua Cty Phương Nam do Lâm Ngọc Hân – giám đốc ký.” [BL. 4736].

Các nội dung trên cho thấy: Hợp đồng TDXK theo hạn mức số 05/2011/HĐXKHM-NHPTPC ngày 22/4/2011 do cán bộ tín dụng Từ Quỳnh Ngân soạn thảo, Trần Văn Nhã – Trưởng phòng tín dụng và Nguyễn Văn Vân – Phó giám đốc kiêm Trưởng phòng kiểm tra Chi nhánh NHPT Sóc Trăng duyệt và ký nháy chuyển cho giám đốc Nguyễn Thế Thắng ký phát hành.

          Như vậy, có đủ căn cứ để khẳng định hai quy trình quan trọng trong việc thực hiện nghiệp vụ cho vay TDXK là duyệt “tờ trình duyệt vay” và duyệt dự thảo hợp đồng tín dụng xuất khẩu theo hạn mức số 05/2011/HĐXKHM-NHPTPC ngày 22/4/2011 giữa Chi nhánh NHPT Sóc Trăng và Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Phương Nam, bị cáo Nguyễn Văn Xem không tham gia. Do đó Nguyễn Văn Xem không chịu trách nhiệm về hai quy trình này.

          Tại trang 11 bản Cáo trạng số số 04/VKSTC-V1B ngày 11/6/2015 của VKSND Tối cao (từ dòng 17 xuống) ghi: “chịu trách nhiệm thẩm định, kiểm tra, đề xuất xét duyệt cho vay là Từ Quỳnh Ngân, Vũ Văn Quang, Trần Văn Nhã, Nguyễn Văn Xem và Nguyễn Thế Thắng”. Nếu đề cập đến quy trình để ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng TDXK nói chúng thì đúng, nhưng áp vào quy trình ký hợp đồng 05/2011 thì không đúng, vì bị cáo Nguyễn Văn Xem không tham gia duyệt tờ trình duyệt vay và dự thảo HD TDXK 05/2011.

          Tại trang 12, cáo trạng ghi: “các bị can Thắng, Xem, Nhã, Quang, Ngân đã có những sai phạm như: dùng hợp đồng thế chấp tài sản số 03/2010/HĐTCTS-NHPT ngày 03/3/2010 và Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 03-01/2011/HĐTCTS-NHPT ngày 16/6/2011 làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của Hợp đồng tín dụng xuất khẩu hạn mức 05/2011/HĐXKIHM-PC ngày 22/4/2011, nhưng không kiểm tra, định giá xác định lại giá trị cụ thể các tài sản đảm bảo tại thời điểm ký kết hợp đồng là vi phạm điểm 4 mục IX (Tr. 11) chương 6 về đảm bảo tiền vay trong Sổ tay nghiệp vụ tín dụng xuất khẩu và điểm 2 mục III, phần B công văn số 4274/NHPT-PC ngày 22/12/2007 của VDB Việt Nam”. Về các hợp đồng thế chấp tài sản nêu trên, bị cáo Xem đã khẳng định là do không tham gia vào việc thẩm định, duyệt dự thảo tờ trình duyệt cho vay và dự thảo hợp đồng TDXK số 05/2011/HĐXKIHM-PC nên không biết việc kiểm tra, định giá tài sản thế chấp của Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 03-01/2011/HĐTCTS-NHPT ngày 16/6/2011. Việc quy kết bị cáo Xem cùng hành vi với các bị cáo khác trong việc kiểm tra, định giá hàng hóa là một quy buộc khiên cưỡng, không đúng thực tế. Ngay cả các bị cáo khác bị quy buộc là vi phạm điểm 4 mục IX (Tr. 11) chương 6 về đảm bảo tiền vay trong Sổ tay nghiệp vụ tín dụng xuất khẩu cũng chưa thỏa đáng. Vì cũng trong cuốn Sổ tay nghiệp vụ TDXK, tại điểm 2.1c, mục V, Phần B (trang 72) có ghi: “trường hợp hàng hóa là loại khó kiểm đếm thực tế (có khối lượng lớn, không có bao gói, lưu giữ dưới dạng rời...) cán bộ tín dụng có thể dựa trên các giấy tờ như: thẻ kho hoặc các giấy tờ khác có liên quan để chứng minh số lượng, mẫu mã, chủng loại hàng hóa”. Đó là quy định cần phải được xem xét như những tình tiết, chứng cứ gỡ tội cho các bị cáo.

          + Về việc giải ngân cho hợp đồng tín dụng xuất khẩu theo hạn mức số 05/2011/HĐXKHM-NHPTPC ngày 22/4/2011.

          Quyết định số 11/QĐ-NHPT.STR ngày 15/5/2008 của Giám đốc Chi nhánh NHPT Sóc Trăng ủy quyền cho Phó giám đốc Chi nhánh Nguyễn Văn Xem ký Bảng kê rút vốn kiêm khế ước nhận nợ vay TDXK.

          Việc giải ngân theo Hợp đồng số 05/2011/HĐTDXKHM-PC ngày 22/4/2011 được thực hiện theo quy trình: khi nhận được Bảng kê rút vốn kiêm khế ước nhận nợ vay của khách hàng đề nghị rút vốn theo Hợp đồng TDXK hạn mức đã ký kết, Phòng Tín dụng làm tờ trình gửi Ban gián đốc đề xuất xét duyệt cho vay căn cứ vào số tiền cho vay trong hợp đồng TDXK hạn mức, số dư nợ của khách hàng tính đến ngày nhận nợ và các phiếu mua tôm nguyên liệu (bản chính) của khách hàng. Trên cơ sở đề xuất trong tờ trình của Phòng tín dụng (do cán bộ tín dụng và trưởng hoặc phó phòng tín dụng ký), Phó giám đốc hoặc Giám đốc Chi nhánh ký duyệt cho vay.

          Phần phía dưới của Bảng kê rút vốn kiêm khế ước nhận nợ vay TDXK là “Phần chấp nhận của Chi nhánh NHPT Sóc Trăng” cũng do cán bộ tín dụng, Trưởng hoặc Phó phòng tín dụng ký và Giám đốc hoặc Phó giám đốc ký.

          + Kết luận của cáo trạng về hành vi của Ngyễn Văn Xem rất khiên cưỡng.

Tại bản cáo trạng cũ số 12/VKSTC-V1B Nguyễn Văn Xem bị cáo buộc “ký duyệt giải ngân 34 lần với số tiền là 135 tỷ đồng trong đó ký giải ngân trực tiếp vào tài khoản Công ty Phương Nam 132.315.406.700đ không chuyển tiền vào tài khoản của người thụ hưởng, không kiểm tra đối chiếu Sổ phụ ngân hàng nên không kiểm soát được việc sử dụng vốn vay, đã vi phạm Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm tiền vay, Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; Vi phạm điểm 4 mục IX chương 6 về bảo đảm tiền vay trong Sổ tay nghiệp vụ tín dụng xuất khẩu và khoản 2 mục III, phần B công văn số 4274/NHPT-PC ngày 22/12/2007 của VDB Việt Nam, khoản 2 mục B Công văn số 2826/NHPT-TDXK ngày 15/7/2010 của VDB Việt Nam; gây hậu quả cho VDB Sóc Trăng không thu hồi được số tiền 314.187.934.151đ. Hành vi của Nguyễn Văn Xem đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại khoản 3 Điều 179 BLHS”

Tại phần kết luận của bản cáo trạng số 04/VKSTC-V1B kết luận về hành vi của Nguyễn Văn Xem (trang 42) như sau:

“Đối với bị can Nguyễn Văn Xem, Phó giám đốc VDB Sóc Trăng trực tiếp phụ trách chỉ đạo công tác tín dụng xuất khẩu, giúp giám đốc kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của hồ sơ cho vay do phòng tín dụng trình và ký nháy trình giám đốc ký ban hành. Trực tiếp tham gia thẩm định tài sản thế chấp là hàng tồn kho luân chuyển, không kiểm tra thực tế, chỉ dựa vào báo cáo của công ty Phương Nam để lập báo cáo thẩm định; biết việc dùng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 03-01/2011/HĐTCTS-NHPT ngày 16//6/2011 làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của Hợp đồng tín dụng xuất khẩu hạn mức 05/2011/HĐXKHM-NHPT-PC ngày 22/4/2011, nhưng không kiểm tra, định giá, xác định giá trị cụ thể lại các tài sản bảo đảm tại thời điểm ký hộp đồng; ký duyệt giải ngân 34 lần với số tiền là 135 tỷ đồng trong đó ký giải ngân trực tiếp vào tài koarn Công ty Phương Nam 132.315.406.700đ không kiểm tra đối chiếu sổ phụ ngân hàng nên không kiểm soát được việc sử dụng vốn vay, giải ngân vào tài khoarn tiền gửi của Công ty Phương Nam tại các ngân hàng khác làm mất khả năng kiểm tra sau giải ngân.”

Như vậy, kết luận của cáo trạng số 04/VKSTC-V1B đã có một vài thay đổi về nội dung và áp dụng pháp luật đối với bị cáo Nguyễn Văn Xem và các bị cáo khác. Nhưng kết luận bị cáo Nguyễn Văn Xem “ký nháy” trong hợp đồng 05/2011 là hoàn toàn không đúng! Các chứng cứ vật chất cũng như lời khai của các bị cáo đã cho thấy sự thật là bị cáo Xem không “ký nháy” trong quy trình ký hợp đồng TDXK 05/2011.

Tại trang 43, cáo trạng vẫn quy kết: “Hành vi của Nguyễn Thế Thắng, Nguyễn Văn Xem, Trần Văn Nhã, Vũ Văn Quang, Từ Quỳnh Ngân đã vi phạm Điều 7.4, 7.6 Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước, vi pham điểm 4 mục IX chương 6 về đảm bảo tiền vay trong Sổ tay nghiệp vụ tín dụng xuất khẩu và khoản 2 mục III, phần B công văn 4274/NHPT-PC ngày 22/12/2007 của VDB Việt Nam; gây hậu quả cho VDB Sóc trăng không thu hồi được số tiền là 314.187.934.151đ.”

Về mặt hình thức thì việc viện dẫn các điều khoản của VBQPPL trong cáo trạng thể hiện sự cẩu thả. Cụ thể cáo trạng ghi: “vi phạm Điều 7.4, 7.6 Nghị định số 151/2006/NĐ-CP..”. lẽ ra phải ghi là “khoản 4 Điều, khoản 6 Điều 7”. Về nội dung thì viện dẫn sai điều khoản áp dụng. Điều 7 Mục 1 chương 2 của Nghị định 151/2006/NĐ-CP là quy định điều kiện cho vay tín dụng đầu tư, còn quy định cho vay tín dụng xuất khẩu được quy định tại Điều 22 Mục 1 chương 3 của Nghị định này.

Hợp đồng số 05/2011/HĐXKHM-NHPT-PC ngày 22/4/2011 được thực hiện đến tháng 3/2012. Nhưng Nghị định số 151/2006/NĐ-CP hết hiệu lực ngày 20/10/2011 và được thay thế bằng Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2011. Cũng cần nói thêm, Nghị định số 75/2011/NĐ-CP quy định về điều kiện cho vay chặt chẽ hơn, tại khoản 6 Điều 17 NĐ này quy định: “Nhà xuất khẩu phải thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo tài chính hàng năm phải được kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán độc lập.”

Riêng về việc giải ngân, bị cáo Xem là người được ủy quyền thực hiện việc giải ngân cho hợp đồng TDXK hạn mức số 05/2011/HĐTDXKHM-PC ngày 22/4/2011 mà bị cáo hoàn toàn không tham gia thẩm định từ tờ trình duyệt vay cũng như dự thảo Hợp đồng này. Việc bị cáo Nguyễn Văn Xem ký duyệt tờ trình và ký giải ngân là căn cứ vào sự ủy quyền của Giám đốc Chi nhánh NHPT Sóc Trăng (Quyết định số 11/QĐ-NHPT.STR ngày 15/5/2008). Các căn cứ để giải ngân là hợp đồng TDXK hạn mức số 05/2011/HĐTDXKHM-PC và các Hợp đồng thế chấp tài sản, các phiếu mua nguyên liệu của Cty Phương Nam. Để quy buộc bị cáo Nguyễn Văn Xem thì cáo trạng viện dẫn Công văn số 2826/NHPT-TDXK ngày 15/7/2010  của TGĐ NHPT. Đây là công văn hướng dẫn cụ thể một số nội dung TDXK, nhằm giúp cho cán bộ tín dụng thực hiện một cách chặt chẽ quy trình kiểm tra, giám sát vốn TDXK. Tuy nhiên đó không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản có tính quy phạm là Quyết định số 39/QĐ-HĐQL ngày 31/8/2007 của Hội đồng quản lý NHPT. Điều 23 của Quyết định này quy định nguyên tắc giải ngân. Cụ thể:

“1. Việc giải ngân được thực hiện trên cơ sở đề nghị của Khách hàng theo đúng thoả thuận trong hợp đồng tín dụng đã ký.

2. NHPT giải ngân vào tài khoản của đơn vị cung ứng hàng hoá, dịch vụ cho Khách hàng và tài khoản của Khách hàng. Việc giải ngân vào tài khoản của Khách hàng thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Cho vay sau giao hàng;

b) Thanh toán các khoản chi phí mà đơn vị hoặc cá nhân cung ứng hàng hoá, dịch vụ cho Khách hàng không có tài khoản tại các ngân hàng;

c) Thanh toán chi phí nhân công, tạm ứng ký quỹ mở L/C, thanh toán tiền nhập khẩu nguyên vật liệu;

d) Hoàn trả vốn Khách hàng đã ứng trước trong giai đoạn thu mua để thu mua nguyên vật liệu đối với các nguyên vật liệu phải thu mua dự trữ;

e) Các trường hợp khác theo quy định của Tổng Giám đốc NHPT.”

          Nhận thức của NHPT về việc giải ngân cho Khách hàng được thể hiện cụ thể trong Công văn số 92/NHPT-TDXK ngày 27/8/2013. Đó là:

“1. Về giải ngân tạm ứng thu mua tôm trong dân chuyển về tài khoản của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam:

Theo quy định tại Điều 23 Quyết định số 39/QĐ-HĐQL ngày 31/8/2007 của Hội đồng quản lý NHPT về ban hành quy chế quản lý vốn TDXK, việc giải ngân vào tài khoản của khách hàng thực hiện trong các trường hợp sau đây:

+ Cho vay sau giao hàng;

+ Thanh toán các khoản chi phí mà đơn vị hoặc cá nhân cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng không có tài khoản tại ngân hàng;

+ Hoàn trả vốn khách hàng đã ứng trước trong giai đoạn thu mua để thu mua nguyên vật liệu đối với các nguyên vật liệu phải thu mua dự trữ;

+ Các trường hợp khác theo quy định của TGĐ NHPT”

          NHPT nhấn mạnh: “Đặc thù kinh doanh của các công ty thủy sản xuất khẩu là mua nguyên liệu của hộ dân nuôi thủy sản hoặc của người dân đánh bắt thủy sản, nhiều người dân không có tài khoản tại ngân hàng tương mại, địa bàn thu mua rộng, phân tán, việc mua diễn ra vào nhiều thời gian khác nhau trong ngày, thời gian thu mua nguyên liệu thường kéo dài. Đặc biệt tập quán thanh toán của người dân là thanh toán ngay khi giao hàng. Đây cũng là khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện tại Chi nhánh khi giải ngân vốn vay để thu mua nguyên liệu.

          Xuất phát từ những nội dung trên, NHPT nhận thấy: Chi nhánh Sóc Trăng giải ngân thu mua tôm trong dân chuyển về tài khoản của Công ty cổ phấn chế biến thực phẩm Phương Nam (đối với người cung cấp nguyên liệu không có tài khoản tại ngân hàng), đồng thời thực hiện kiểm soát sau giải ngân về cơ bản là phù hợp với thực tế hoạt động của ngành thủy sản hiện nay và không trái với quy định tác nghiệp của NHPT tại Quy chế quản lý vốn TDXK.

2. Về việc thẩm định tài sản hình thành từ vốn vay không thực hiện kiểm đếm, định giá: Chi nhánh bổ sung các nội dung sau:

- Tại điểm 2.1b, mục V, phần B quy trình cho vay nhà xuất khẩu Sổ tay tín dụng có quy định: “trường hợp hàng hóa là loại khó kiểm đếm thực tế (có khối lượng lớn, không không có bao gói, lưu giữ dưới dạng rời...), cán bộ tín dụng có thể dựa trên các giấy tờ như: thẻ kho hoặc giấy tờ khác có liên quan để chứng minh số lượng, mẫu mã chủng oại hàng hóa”.

- Do Chi nhánh khó kiểm đếm, định giá tài sản hình thành từ vốn vay thủy sản nên đối với NHPT, tài sản hình thành từ vốn vay thủy sản chỉ là tài sản mang tính chất bổ sung (để NHPT có lợi khi thu nợ), không tính vào giá trị tỷ lệ tài sản bảo đảm tiền vay để cho vay”

Quan điểm trên đây là phù hợp với các quy định trong Quyết định số 39/QĐ-HĐQL ngày 31/8/2007 của Hội đồng quản lý NHPT về nguyên tắc giải ngân cho các Hợp đồng TDXK hạn mức.

3.    Nhận xét và đề nghị

3.1.        Nhận xét:

Cáo trạng số 04/VKSTC-V1B tại trang 7 ghi: “trước cơ quan điều tra các bị can nguyễn Thế thắng, Giám đốc; Nguyễn Văn Xem, Phó giám đốc; Vũ Văn Quang, Phó phòng tín dụng; Từ Quỳnh Ngân, cán bộ tín dụng chuyên quản khoản vay của Công ty Phương Nam đã thành khẩn khai báo, đều khai nhân tội phù hợp với các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong hồ sơ vụ án (BL 4479 – 4480, 4538 – 4539, 4551 – 4552 , ...)”.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn Xem, cáo trạng ghi số bút lục 4551 – 4552 chính là “Biên bản ghi lời khai” của bị cáo Nguyễn Văn Xem vào lúc  8h 30ph ngày 01/11/2012, lúc này bị cáo Xem chưa bị khởi tố bị can. Do đó chưa thể coi lời khai này là chứng cứ, vì nó không có giá trị chứng minh như biên bản hỏi cung bị can. Hơn nữa, nội dung của “biên bản ghi lời khai này” không thể hiện “đã thành khẩn khai báo, đều khai nhân tội” mà chỉ là những lời khai về quy trình xét duyệt hợp đồng cho vay tín dụng xuất khẩu nói chung phải tuân thủ những bước như thế nào thì sao gọi là “thành khẩn khai báo”(?!) trong khi các quy trình đó là tuân theo các quy định của NHPT và nó diễn ra thường nhật trong hoạt động của NHPT. Hơn nữa, như tôi đã phân tích và chứng minh Hợp đồng số 05/2011/HĐTDXKHM bị cáo Nguyễn Văn Xem không tham gia xét duyệt thì sao gọi là “nhận tội” được (ngay cả khi VKS chứng minh được hợp đồng đó có vi phạm)?

Như đã phân tích phần trên, việc khách hàng là Cty Phương Nam chưa thanh toán được các khoản vay TDXK, chủ doanh nghiệp bỏ đi nước ngoài để trốn nợ dẫn đến những hệ lụy cho các cán bộ ngân hàng nói chung và ngân hàng phát triển Việt Nam nói riêng. Nhưng hiện nay Cty Phương Nam với thương hiệu cũ đang tiếp tục sản xuất kinh doanh. Do đó cần làm rõ tổng số tài sản của Cty Phương Nam và giá trị thật của các tài sản đó, bao gồm: bất động sản, động sản, giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất; tài sản vô hình gồm: đội ngũ lao động lành nghề trong sản xuất, kinh doanh tôm xuất khẩu, giá trị thương hiệu, khách hàng và thị trường truyền thống của Cty phương Nam trong hơn 20 năm qua để từ đó cân đối lại tài sản, đảm bảo cho Cty Phương Nam trả nợ VDB Sóc Trăng với tư cách là một pháp nhân chứ không phải là cá nhân Lâm Ngọc Khuân và Lâm Ngọc Hân. Điều này rất quan trọng đối với số phận lý của các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên của Chi nhánh NHPT Sóc Trăng nói chung và bị cáo Nguyễn Văn Xem nói riêng.

Các phân tích có dẫn chứng ở phần trên cho thấy việc quy buộc bị cáo Nguyễn Văn Xem vi phạm Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước là hoàn toàn không có cơ sở. Bị cáo không tham gia duyệt, ký Tờ trình duyệt vay và duyệt ký Hợp đồng TDXK số 05/2011/HĐTDXKHM-NHPTPC ngày 22/4/2011 thì đương nhiên không vi phạm Nghị định nêu trên.

Bị cáo Nguyễn Văn Xem giải ngân 135 tỷ đồng trong đó ký giải ngân trực tiếp vào tài khoản Công ty Phương Nam 132.315.406.700đ không chuyển tiền vào tài khoản của người thụ hưởng. Cáo buộc này chỉ mang tính chấy quy buộc một chiều, không quy chiếu hành vi của Nguyễn Văn Xem với các quy định khác, mà những quy định đó phản ánh thực tế khách quan, phù hợp với nhu cầu về vốn của nhà xuất khẩu mhư đã viện dân ở trên. Quy buộc như vậy là không tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội trong luật hình sự.

Tại bản cáo trạng cũ số 12/VKSTC-V1B quy buộc bị cáo Xem gây hậu quả cho VDB Sóc Trăng không thu hồi được số 314 tỷ. Trong KIẾN NGHỊ trước khi Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tôi đã phân tích sự cáo buộc khiên cưỡng vô lý này, nhưng cáo trạng số 04/VKSTC-V1B vẫn gom bị cáo Nguyễn Văn Xem cùng các bị cáo khác “gây hậu quả cho VDB Sóc Trăng không thu hồi được số tiền là 314.187.934.151đ” trong khi các chứng cứ chứng minh Nguyễn Văn Xem không tham gia xét duyệt hợp đồng số 05/2011 là rất cụ thể, rất xác thực. Điều này chứng tỏ cáo trang của VKSND Tối cao đã không khách quan trong việc xác định và đánh giá chứng cứ, quy buộc suy diễn và cảm tính.

Nếu Cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được bị cáo Nguyễn Văn Xem vi phạm các quy định về giải ngân thì bị cáo cũng chỉ chịu trách nhiệm ở phần giải ngân vào tài khoản của Công ty Phương Nam là 132.315.406.700đ00. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, việc giải ngân là bị cáo Xem thực hiện theo sự ủy quyền, có việc thực hiện đúng, và cũng có một phần thực hiện chưa đúng theo hướng dẫn tại Công văn số 2826/NHPT-TDXK ngày 15/7/2010 của NHPT, quy buộc bị cáo Xem vi phạm 4274/NHPT-PC ngày 22/12/2007 của NHPT về việc hướng dẫn thực hiện quy chế thực hiện bảo đảm tiền vay cũng không đúng. Nguyễn Văn Xem, nếu có vi phạm thì chỉ vi phạm ở giai đoạn giải ngân. Tuy nhiên, quy chiếu hành vi tác nghiệp của Nguyễn Văn Xem với Quy chế quản lý vốn TDXK của Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ-HĐQL ngày 31/8/2007 của Hội đồng quản lý NHPT trong đó Điều 23 của Quy chế quy định nguyên tắc giải ngân thì bị cáo Xem không vi phạm quy chế này.

Cũng cần nói thêm, việc giải ngân do nguyên PGĐ VDB Sóc Trăng Nguyễn Văn Xem ký trên cơ sở Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 05/2011/HĐXKHM-NHPTPC ngày 22/4/2011. Hợp đồng này chỉ được VDB Sóc Trăng ký sau khi đã co phê duyệt của NHPT Việt Nam. Việc giải ngân Nguyễn Văn Xem ký nhưng nguồn tiền là do Hội sở Ngân hàng Phát triển Việt Nam trực tiếp xuất ra, không phải xuất ra trực tiếp từ Chi nhánh NHPT Sóc Trăng. Do đó NHPT VN biết được việc giải ngân chuyển tiền vào tài khoản của Cty Phương Nam. Nếu việc chuyển tiền này là sai thì tại sao hội sở NHPT VN không ngừng việc xuất chuyển tiền? Do đó. việc giải ngân này phù hợp với quan điểm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Công văn số 92/NHPT-TDXK ngày 27/8/2013.

          Từ những phân tích nêu trên, kính đề nghị HĐXX:

-       Loại trừ trách nhiệm của bị cáo Nguyễn Văn Xem trong việc duyệt, ký tờ trình duyệt vay và tham gia dự thảo Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 05/2011/HĐXKHM-NHPTPC ngày 22/4/2011, cho dù quy trình xét duyệt, ký kết hợp đồng này đúng hay sai.

-       Xác định hành vi của Nguyễn Văn Xem không cấu thành tội danh “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại Điều 179 BLHS.

Căn cứ Điều 179 BLHS thì một trong các yếu tố cấu thành tội danh “tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” là:

·      Cho vay không có bảo đảm trái với quy định của pháp luật. Thể hiện ở hành vi này là việc cho vay không áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ do pháp luật quy định (như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh ...), tuy nhiên trong một số trường hợp pháp luật cho phép được vay mà không cần có bảo đảm thì trường hợp cho vay đó không cấu thành tội này;

·      Cho vay quá giới hạn quy định. Được hiểu là việc cho vay vượt quá mức cho phép đối với mỗi loại vay;

·      Có hành vi khác vi phạm các quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng. Được thể hiện như áp dụng mức lãi xuất không đúng quy định, mức cho vay cao hơn tài sản cầm cố, thế chấp không đúng quy định…

Quy chiếu hành vi của Nguyễn Văn Xem với những hành vi được coi là yếu tố cấu thành tội danh “tội vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng” thì bị cáo Nguyễn Văn Xem không phạm tội danh này. Chính những viện dẫn các văn bản quy định về cho vay TDXK hạn mức trong cáo trạng để quy buộc bị cáo cũng đã nói lên điều đó.

Khoản 2 Mục III phần B công văn số 4274/NHPT-PC ngày 22/6/2006 của NHPT VN có nội dung: “b) Tài sản bảo đảm phải được xác định giá trị tại thời điểm: khi ký kết hợp đồng bảo đảm, ký kết văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm để làm cơ sở xác định mức cho vay; khi tài sản hình thành từ vốn vay đã được đầu tư xong; khi xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; định kỳ 12 tháng/lần định giá lại tài sản bảo đảm.”

Khoản 1 Công văn số 2826/NHPT-TDXK ngày 15/7/2010 của VDB Việt Nam quy định: “Chi nhánh phải nghiêm túc thực hiện giải ngân vào tài khoản của người thụ hưởng (đơn vị, cá nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ cho khách hàng); giải ngân tạm ứng, thu hồi chứng từ tạm ứng theo quy định của NHPT”. “Trước khi giải ngân, Chi nhánh phải kiểm tra việc hoàn chứng từ các lần giải ngân trước của Khách hàng theo quy định của NHPT, nếu Khách hàng không hoàn đủ chứng từ không có lý do hợp lý, Chi nhánh phải giảm, dừng giải ngân

Đối chiếu với các quy định trên, khi thực hiện việc duyệt ký giải ngân cho hợp đồng TDXK HM 05/2011, bị cáo Nguyễn Văn Xem đã quá tin vào đề xuất của cấp dưới và uy tín doanh nghiệp đứng đầu tỉnh Sóc Trăng và nằm trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất nước, là khách hàng lâu năm của VDB Sóc Trăng nên đã có lúc thực hiện không đầy đủ các biện pháp để đảm bảo an toàn vốn vay khi duyệt giải ngân. Hành vi này dấu hiệu của tội “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” (khung hình phạt tù cao nhất từ 7 đến 15 năm) chứ không phải tội danh “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (khung hình phạt tù cao nhất từ 10 đến 20 năm) như cáo trạng truy tố.

Trong quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Văn Xem luôn hợp tác, khai báo chi tiết các quy trình cho vay. Điều này thể hiện rõ trong các bản cung, các bản tường trình của bị cáo. Do diễn giải mạch lạch các quy định về ngân hàng nói chung và ngân hàng Phát triển nói riêng nên CQĐT dễ dàng tiếp cận các thông tin chuyên ngành, giúp cho việc điều tra được thuận lợi.

Về nhân thân:

Bị cáo Nguyễn Văn Xem trưởng thành từ một thanh niên nông thôn. Lập ga đình từ khi còn học phổ thông, vừa di học, lại vừa lo nuôi con, chăm sóc gia đinh, bị cáo đã vượt qua khó khăn để phấn đấu học và tốt nghiệp đại học.

Sau khi ra trường, Nguyễn Văn Xem ở lại làm cán bộ của trường đại học Cần Thơ. Bị cáo Nguyễn Văn Xem đã có nhiều năm gắn bó với ngành ngân hàng

Từ năm 1986 – 1989: trưởng phòng đại diện ngân hàng nhà nước huyện Long Mỹ

1991 – 1992: cán bộ tín dụng chi nhánh ngân hàng đầu tư và phát triển chi nhánh tỉnh Sóc Trăn

Từ năm 1994 - 1999: phó phòng rồi trưởng phòng tín dụng Cụ đầu tư phát triển tỉnh Sóc trăng

Từ năm 2000 – 10/2005: trưởng phòng tín dụng - bảo lãnh – hỗ trợ lãi suất chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển tỉnh Sóc trăng

Từ 11/2005 – 6/2006 đến ngày bị bắt: phó GĐ chi nhánh NHPT Sóc trăng

Ở bất kỳ cương vị nào, bị cáo Nguyễn Văn Xem cũng đều là một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, tận tâm với nhiệm vụ được giao. Điều này được chứng minh bởi các giấy khen, bằng khen mà bị cáo nhận dược từ địa phương cho đến trung ương.

Từ những phân tích có dẫn chứng nêu trên, với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Xem, tôi kính trình Hội đồng xét xử xem xét những đề nghị sau:

Thứ nhất, chiếu theo Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự, kính đề nghị HĐXX xét xử bị cáo Nguyễn Văn Xem về tội danh “tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” theo điều 144 Bộ luật hình sự (có khung hình phạt tù cao nhất từ 7 năm đến 15 năm) thay vì tôi danh “tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại Điều 179 BLHS (co khung hình phạt tù cao nhất từ 10 đến 20 năm);

Thứ hai, chiếu theo điểm s Khoản 1 và Khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự, kính đế nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và quyết định áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định.

Trân trọng cảm ơn Hội đồng xét xử!

 

 

Người bào chữa

 

Luật sư Trịnh Minh Tân

Bản án sơ thẩm số 30/2015/HSST ngày 30-8-2015 của TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt ông Nguyễn Văn Xem 6 năm tù (khản 3 Điều 179 BLHS)

Tin tức khác


   Trang sau >>