GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN: CẦN PHÁT HUY THÊM SỰ THAM GIA CỦA LUẬT SƯ
Luật sư Nguyễn Bảo Trâm
(Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh)
Đó là một trong những vấn đề được quan tâm, góp ý tại Hội thảo góp ý dự án Luật Hòa giải, đối thoại do Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 02/3/2020.
. Phương thức giải quyết tranh chấp mới
Theo dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì: Việc xây dựng Luật này là phương thức giải quyết tranh chấp mới, nhằm giúp giảm tải số lượng công việc hiện nay của các Tòa án phải xem xét, giải quyết; góp phần giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính (viết tắt là trước khi Tòa án thụ lý vụ việc) mà đương sự lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại của Luật này thì áp dụng Luật này (chứ không bắt buộc đương sự phải qua cơ chế này rồi Tòa án mới thụ lý vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) - NV). Trường hợp hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Luật này không thành thì Tòa án sẽ áp dụng các quy định của luật tố tụng để giải quyết vụ việc. Trường hợp đương sự không lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại theo Luật này thì áp dụng quy định tương ứng của BLTTDS, LTTHC để giải quyết vụ việc.
Cũng theo dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì: Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại để xác nhận sự kiện các bên tự nguyện hòa giải, đối thoại và chữ ký của các bên trong biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại làm cơ sở để Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nhanh chóng, chặt chẽ, đúng quy định. Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ thực hiện việc xem xét đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, phân công Hòa giải viên, tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải và ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành; còn việc trực tiếp tiến hành hòa giải, đối thoại vụ việc là do Hòa giải viên thực hiện.
. Mới xem luật sư là nguồn bổ nhiệm Hòa giải viên thì chưa đủ
Theo dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (viết tắt là dự thảo Luật) thì một trong các nguồn để Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể xem xét bổ nhiệm Hòa giải viên là Luật sư có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, nếu có đủ các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d của khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật (Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo Bộ luật dân sự, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại; Tự nguyện thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại).
Theo tôi, với nội dung trên của dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì tuy Nhà nước có phát huy sự tham gia của Luật sư vào phương thức giải quyết tranh chấp mới, ở góc độ xem Luật sư một trong những nguồn có thể bổ nhiệm Hòa giải viên nhưng chưa đủ, chưa khai thác hết vai trò, phạm vi hoạt động, khả năng của đội ngũ luật sư cả về pháp lý và thực tiễn.
. Cần quy định thêm Luật sư tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Về pháp lý, theo quy định của BLTTDS, LTTHC, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, Luật sư được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Theo Điều 22, Điều 30 Luật luật sư năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2012 (viết tắt là Luật Luật sư) thì phạm vi hành nghề luật sư gồm: Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ việc theo quy định của pháp luật; Thực hiện tư vấn pháp luật; Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật; Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật luật sư (giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật).
Do đó, theo tôi, việc đưa vào dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định bên tham gia Hòa giải, đối thoại theo Luật này (viết tắt là đương sự) có quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình (trong đó có luật sư) và người bảo vệ đó có quyền tham gia hòa giải, đối thoại theo Luật này không trái với Luật Luật sư.
Về thực tế đến nay cho thấy: Tất cả các tỉnh, thành phố ở nước ta đều có Đoàn Luật sư, thuộc sự quản lý của Liên đoàn Luật sư Việt Nam với đội ngũ trên 13.000 Luật sư. Còn tính riêng ở Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, có gần 6000 Luật sư, ở Đoàn Luật sư Hà Nội, có trên 3.800 Luật sư. Nhu cầu về luật sư ở nước ta ngày càng nhiều, số vụ việc có luật sư tham gia ngày càng tăng và hiệu quả cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư ngày càng được nâng cao.
Thiết nghĩ, dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cần phát huy thêm sự tham gia của đội ngũ Luật sư vào phương thức giải quyết tranh chấp mới (hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo dự thảo Luật này) bằng việc quy định thêm Luật sư tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, thủ tục tham gia, quyền, nghĩa vụ... Với vai trò, chức năng xã hội của Luật sư, với nguyên tắc hoạt động hành nghề, quyền, nghĩa vụ của Luật sư theo pháp luật về luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam…, theo tôi, đội ngũ Luật sư sẽ góp phần vào việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo phương thức giải quyết tranh chấp mới như nêu trên đạt hiệu quả.
Tại buổi hội thảo ngày 02/3/2020, Luật gia, Luật sư Trần Thị Hồng Việt - đại diện Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Trương Thị Hòa cũng có quan điểm là dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cần quy định thêm Luật sư tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Theo Luật sư Hòa, cần bổ sung vào Điều 8 của dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quyền của của các bên tham gia hòa giải, đối thoại được mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tham gia hòa giải, đối thoại; bổ sung vào Điều 25 dự thảo Luật về thành phần phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Về phía đại diện Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận - Phó Chánh án, Thẩm phán Nguyễn Mai Trâm cũng đề nghị dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định Luật sư tham gia với tư cách là người có quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trao đổi thêm với tôi, Phó Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - Thẩm phán Trần Thị Thương bày tỏ quan điểm ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư tham gia không chỉ trong hoạt động hòa giải, đối thoại mà còn trong các hoạt động tố tụng khác.
Kết thúc buổi hội thảo trên, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Đoàn ghi nhận và sẽ báo cáo về việc nhiều ý kiến mong có sự tham gia của Luật sư với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những ý kiến đóng góp về những vấn đề khác của dự thảo Luật này.