ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: "CHIẾN DỊCH LUẬT SƯ TÌNH NGUYỆN NĂM 2022” TẠI CẦN THƠ VÀO CHIỀU NGÀY 10/9/2022
“Luật sư chuyên nghiệp phải tránh xa cám dỗ tiền tài, danh vọng, sắc dục!”
Đó là lời chia sẻ của Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đối với sinh viên Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ tại buổi giao lưu giữa Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và sinh viên trường này, trong chương trình “Chiến dịch luật sư tình nguyện năm 2022” tại Cần Thơ vào chiều ngày 10/9/2022.
“Chiến dịch luật sư tình nguyện năm 2022”là chuỗi hoạt động nhân kỷ niệm "Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10 tháng 10" do Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tổ chức với sự tham gia của 4 Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Kiên Giang. “Luật sư tình nguyện” là hoạt động truyền thống của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.
Tạo sân chơi học thuật lành mạnh cho sinh viên; tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố tài năng
Nằm trong chuỗi hoạt động “Chiến dịch luật sư tình nguyện năm 2022” tại TP. Cần Thơ, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ và Đoàn Luật sư TP. Cần Thơtổ chức vòng chung kết Cuộc thi Olympic Luật học lần thứ VI năm 2022. Có 3 đội gồm 15 sinh viên xuất sắc nhất đại diện cho 3 bộ môn Luật Thương mại, Luật Tư pháp và Luật Hành chính (mỗi đội có 5 sinh viên) thi đấu trực tiếp. Đây là những sinh viên ngành Luật chính quy xuất sắc nhất được chọn từ vòng sơ tuyển.
Về phía Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Văn Trung Chủ nhiệm Đoàn cùng một số thành viên Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng kỷ luật và gần 50 luật sư thành viên tham gia “Chiến dich luật sư tình nguyện’ có mặt tại cuộc thi. Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), Luật sư Nguyễn Văn Hòa (nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) được Đoàn giới thiệu làm giám khảo chấm thi cùng Luật sư Trần Minh Trị (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ) và đại diện Khoa Luật Trường Đại học Cần Thơ. Ngoài việc tài trợ chính cho cuộc thi, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh còn trao 7 suất học bổng cho sinh viên thuộc các bộ môn Luật Tư pháp, Luật Thương mại, Luật Hành chính thuộc Khoa Luật của Trường Đại học Cần Thơ có thành tích tốt trong học tập; mỗi suất học bổng trị giá 5.000.000 đồng.
Về phía Trường Đại học Cần Thơ có Giáo sư – Tiến sĩ (GS-TS) Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, PGS-TS. Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật học cùng các thầy cô giáo và khoảng 1000 sinh viên của Khoa Luật. Phát biểu khai mạc cuộc thi, GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ đã cảm ơn Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã tài trợ chính cho cuộc thi, trao học bổng cho sinh viên khoa Luật của Trường đạt thành tích tốt trong học tập. GS-TS Hà Thanh Toàn nhấn mạnh: Việc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tài trợ, cử luật sư có uy tín tham gia chấm thi, giao lưu với sinh viên khoa Luật của Trường là cơ hội tốt để sinh viên học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của luật sư.
PGS- TS. Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Cần Thơ cho biết cuộc thi đã thu hút nhiều sinh viên của trường tham gia. Sau nhiều ngày tranh tài, Ban Giám khảo cuộc thi đã chọn ra 3 đội xuất sắc nhất để tham gia vòng chung kết ngày 10/9/2022.Ở vòng chung kết, các thí sinh dự thi 3 phần: phần khởi động với 10 câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết xoay quanh các kiến thức nền tảng của các lĩnh vực luật học; ở phần tăng tốc các đội sẽ giải quyết các tình huống giả định không được biết trước, sau đó sẽ trình bày lập luận giải pháp trước Ban Giám khảo (gồm đại diện Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ, đại diện Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh và Đoàn Luật sư TP Cần Thơ); trong phần thi về đích các đội sẽ được cung cấp một tình huống thực tiễn để thảo luận nhóm, sau đó trình bày hướng xử lý căn cứ vào góc nhìn pháp lý và kiến thức luật học.
Sau khoảng 2 giờ tranh tài, đội Luật Thương mại đoạt giải Nhất; đội Luật Tư pháp đoạt giải Nhì và giải Ba thuộc về đội Luật Hành chính. Ban tổ chức còn trao giải thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi cho một sinh viên Khoa Luật Tư pháp.
Cuộc thi Olympic Luật học nhằm tạo sân chơi học thuật lành mạnh, mang tính chuyên nghiệp cho sinh viên; tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố tài năng trong lĩnh vực luật học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; tạo cơ hội, môi trường giao lưu, gắn kết giữa Khoa Luật Trường Đại học Cần Thơ với Đoàn Luật Sư TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ…
“Làm luật sư phải đặt chữ Tâm lên hàng đầu!”
Trong phần giao lưu với sinh viên Khoa Luật, Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh đến chữ “Tâm” trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư khi giải đáp các câu hỏi của sinh viên. Buổi giao lưu còn có sự tham gia của Luật sư Hà Hải (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) và Luật sư Trần Anh Đức (Ủy viên Ban Chủ nhiệm).
Tại buổi giao lưu, nhiều câu hỏi của sinh viên trường Đại học Cần Thơ đã đặt ra cho các luật sư Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh Các bạn sinh viên rất quan tâm đến việc làm thế nào để trở thành luật sư chuyên nghiêp, một luật sư giỏi cần những tố chất, kỹ năng gì, làm cách nào để có thể nghiên cứu tài liệu của những vụ án lớn với số lượng hàng trăm ngàn trang bút lục; học lực trung bình có thể trở thành luật sư được không …
Giải đáp những thắc mắc của các bạn sinh viên, Luật sư Nguyễn Văn Trung lưu ý các bạn đang là sinh viên muốn trở thành luật sư chuyên nghiệp, luật sư giỏi thí trước hết các bạn phải trở thành luật sư. Đang là sinh viên luật, sau khi tốt nghiệp, các bạn phải qua lớp đào tạo nghề luật sư 12 tháng và phải tập sự thêm 12 tháng tại một tổ chừc hành nghề luật sư. Theo luật sư Trung, muốn trở thành luật sư giỏi, chuyên nghiệp phải đáp ứng được 3 yêu cầu: Trước hết phải có sức khỏe (một tinh thần minh mẫn trong một thân thể khỏe mạnh), đang là sinh viên tuổi trẻ các bạn phải tránh xa thuốc lá, rượu bia và chăm lo rèn luyện thân thể. Thứ đến, phải có ý chí quyết tâm trở thành luật sư chuyên nghiệp, nghĩa là phải tập trung nổ lực nghiên cứu, học tập ngay từ bây giờ; thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; rèn luyện kỷ năng hành nghề, nhất là kỷ năng giao tiếp với khách hang. Bằng kiến thức, kinh nghiệm hành nghề, sự tận tâm và thái độ ứng xử tốt, chắc chắn khách hàng sẽ đặt niềm tin vào luật sư. Thứ ba là đạo đức nghề nghiệp “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Luật sư Trung lưu ý nghề luật sư đối diện với nhiều thách thức, cám dỗ, Vì vậy, đòi hỏi một luật sư chuyên nghiệp không chỉ giỏi về chuyên môn mà cần phải có bản lĩnh, phải thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp, nói không với tiêu cực, không chạy theo “danh vọng, tiền tài và sắc dục”.
Ở góc độ chia sẻ kỹ năng nghề nghiệp, Luật sư Hà Hải cho biết, ngoài những kiến thức về chuyên môn thì việc trang bị kỹ năng mềm là hết sức cần thiết. Xu hướng hiện nay là luật sư không thể làm việc độc lập, tự mình “tác chiến” mà cần có sự hỗ trợ từ đồng nghiệp. Có nhiều vụ án với số lượng hồ sơ hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn trang tài liệu thì một mình không thể nào đọc, nghiên cứu để xây dựng phương án bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình tốt nhất mà cần có sự hỗ trợ, phối hợp từ các đồng nghiệp. Đối với ngoại ngữ và công nghệ thông tin là hết sức quan trọng. Sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ thông tin trong kỹ nguyên số như hiện nay và trong tương lai gần, nếu luật sư không khai thác, tận dụng lợi thế này thì sẽ trở nên lạc hậu và bị đào thải.
Luật sư Trần Anh Đức cũng chia sẻ kinh nghiệm của luật sư trong lĩnh vực tư vấn cho khách hàng là doanh nghiệp. Theo Luật sư Trần Anh Đức, để khách hàng tin tưởng, luật sư phải có kỹ năng khai thác thông tin, phải biết “đọc vị” nhu cầu khách hàng cần gì ở luật sư. Ngoài ra, luật sư phải nắm chắc quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực mà mình tư vấn cho khách hàng. Trong việc tính thù lao luật sư, cần phải minh bạch, công khai với khách. Trước câu hỏi của một sinh viên: “Nếu khách hàng tỏ ra hiểu biết hơn luật sư hoặc yêu cầu luật sư làm công việc trái pháp luật thì luật sư ứng xử như thế nào?”. Luật sư Trần Anh Đức trả lời: “Đối với những yêu cầu của khách hàng không phù hợp với quy định pháp luật hoặc khách hàng thiếu sự tôn trọng dành cho luật sư thì luật sư cần giải thích cho khách hiểu rõ. Nếu sau khi giải thích mà khách hang vẫn không lắng nghe thì luật sư có quyền từ chối cung cấp dịch vụ pháp lý. Luật sư làm việc tận tâm với khách nhưng cũng cần có sự dũng cảm khi dám nói lời từ chối cung cấp dịch vụ, nếu khách hàng thiếu tôn trọng”,
Sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các luật sư đến từ Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã giúp cho sinh viên Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ hiểu thêm về nghề luật sư, giúp các bạn có thêm kiến thức, thông tin để định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Ủy viên Ban Chủ nhiệm
HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG TẠI BUỔI GIAO LƯU