NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 TỪ GÓC NHÌN CỦA LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp hoàn thiện Bộ Luật hình sự năm 1999 từ góc nhìn của luật sư bào chữa
Luật sư Trần Công Ly Tao
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM
Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 được Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999 (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2000) sau một thời gian thi hành đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý. Một số tội danh không còn phù hợp với tình hình thực tế xã hội và phát sinh nhiều hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm cao cho xã hội nhưng lại chưa được quy định là tội phạm. Do đó, BLHS đã được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế cũng như những thiếu sót trên. Sau một thời gian thi hành, nhìn chung công tác thi hành BLHS đã được thực hiện nghiêm túc và phát huy hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, quá trình thi hành BLHS cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Hạn chế cả về mặt kỹ thuật lập pháp lẫn tình hình thực tế khách quan như: nhiều nội dung trong BLHS được quy định chung chung không cụ thể, rõ ràng dẫn tới việc áp dụng thiếu thống nhất chưa tạo sự đồng thuận. Mặt khác, có nhiều hành vi nguy hiểm cần được xử lý hình sự nhưng chưa được tội phạm hóa. Do đó, tổng kết việc thi hành BLHS là hết sức cần thiết nhằm tập hợp những khó khăn, vướng mắc để từ đó tìm ra các biện pháp tháo gỡ, khắc phục giúp hoàn thiện BLHS.
Sau đây tôi xin trình bày một số điểm khó khăn, vướng mắc và giải pháp hoàn thiện BLHS năm 1999:
1- Phần chung của BLHS:
Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Khoản 3 Điều 23 BLHS về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định như sau: “…Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.” Theo tôi, trường hợp này dùng từ “tự thú” là chưa chính xác mà phải là từ “đầu thú”. Vì “tự thú” là việc một người phạm tội chưa bị phát hiện thì đã tự mình ra nhận tội và khai ra các hành động phạm pháp của mình; còn “đầu thú” là trường hợp đã có người biết mình phạm tội, sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã bỏ trốn nhưng đã đến cơ quan có thẩm quyền trình diện khai rõ hành vi phạm tội của mình và đồng phạm (nếu có). Do đó; nếu người phạm tội đã có lệnh truy nã thì không thể gọi là “tự thú” vì lúc này, hành vi phạm tội và người thực hiện hành vi đó đã bị phát hiện và xác nhận bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Mặt khác, trường hợp nào thì ra lệnh truy nã? Thời hạn ban hành lệnh truy nã?
Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
- BLHS không đưa ra khái niệm như thế nào là tình tiết giảm nhẹ mà chỉ liệt kê các tình tiết giảm nhẹ cụ thể tại Khoản 1 Điều 46 và các tình tiết giảm nhẹ khác theo hướng dẫn tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Ngoài ra, trong quá trình xét xử từng vụ án cụ thể, Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ (khoản 2 Điều 46). Điều đó dẫn đến việc thực thi pháp luật trên thực tế gặp phải những vướng mắc, khó áp dụng chính xác, thống nhất, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, tràn lan. Thiết nghĩ, trong lần sửa đổi, bổ sung tới các nhà làm luật nên cụ thể hóa định nghĩa như thế nào là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc đưa ra nội hàm của khái niệm tình tiết giảm nhẹ. Căn cứ vào đó ta có thể xác định một cách chính xác một tình tiết có phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?
Về việc quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của bộ luật:
- Theo quy định tại Điều 47 thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 46 thì tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung… Nếu có từ hai tình tiết giảm nhẹ mà tình tiết đó ở cả khoản 2 Điều 46 BLHS thì có được xem xét giảm nhẹ hình phạt? Vậy giả sử, khi bị cáo có từ hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 trở lên nhưng lại có thêm một hoặc nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 thì có được xử dưới khung hay không? Để tránh việc áp dụng thiếu thống nhất cơ quan chức năng nên sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể hoặc sửa đổi quy định tại Điều 47 theo hướng: khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của luật này và không có tình tiết tăng nặng tại Điều 48 thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung…
2- Phần các tội phạm:
- Quy định về “hung khí nguy hiểm” được đề cập tại Điểm a Khoản 1 Điều 104 BLHS. Theo hướng dẫn tại Điểm 3.1 mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng tình tiết “hung khí nguy hiểm” là những trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003. Tuy nhiên, Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP lại chỉ nêu về các dạng hung khí nguy hiểm và liệt kê một vài ví dụ chứ không hề nêu một cách khái quát về tính chất, đặc thù để nhận biết một vật có phải là hung khí nguy hiểm không? Điều này dẫn đến việc trên thực tế nhiều tòa áp dụng không thống nhất thường gây nhiều tranh cãi ví dụ như: có tòa cho rằng cây bút bi là hung khí nguy hiểm nhưng có tòa lại không đồng ý…
Các tội phạm liên quan đến tình dục:
- Quy định về chủ thể của tội hiếp dâm: Theo quy định tại Điều 111 BLHS thì “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng…”. Luật sử dụng từ “người nào” theo đó chủ thể của tội hiếp dâm có thể là bất cứ người nào (đủ năng lực hành vi và năng lực trách nhiệm hình sự) không phân biệt nam hay nữ. Tuy nhiên; thực tiễn xét xử, cũng như lý luận chỉ coi nam giới là chủ thể đặc biệt của tội hiếp dâm. Thực tiển, có nhiều vụ việc nạn nhân nam giới bị nữ giới “xâm hại” nhưng lại không xử tội hiếp dâm. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 4 Điều 112 thì “mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em…” vì vậy chủ thể của tội hiếp dâm phải bao gồm cả nữ giới.
- Theo quy định của BLHS hiện hành thì trường hợp nữ từ đủ 16 tuổi quan hệ với nam giới theo kiểu “tình cho không biếu không” thì người nam giới không bị xử lý hình sự. Ngược lại, nếu nam giới đi mua dâm nữ giới từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì lại bị truy tố về tội mua dâm người chưa thành niên theo quy định tại Điều 256 BLHS. Cùng một hành vi, cùng một độ tuổi nhưng một bên không tốn tiền cũng không bị xử lý hình sự, một bên thì tốn tiền lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo kiểu “tiền mất tật mang” rõ ràng là quá bất hợp lý.
- Trong điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, mức sống của người dân ngày càng được cải thiện tốt hơn thì việc thỏa mãn nhu cầu của con người (trong đó có nhu cầu sinh lý) ngày càng được chú trọng. Nên chăng, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận “vấn đề nhạy cảm này” theo chiều hướng tích cực hơn vì suy cho cùng thì có cầu mới có cung. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là chúng ta nên thả lỏng hoạt động nhạy cảm này mà các cơ quan chức năng, các bộ ngành liên quan (Bộ y tế, Bộ lao động thương binh - xã hội…) có thể tham khảo kinh nghiệm quản lý vấn đề “hành nghề mại dâm” ở các nước phát triển để có thể vận dụng một cách phù hợp với tình hình của nước ta.
Các tội xâm phạm sở hữu:
- Đối với một số tội danh có quy định về định lượng tài sản để truy cứu trách nhiệm hình sự như: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 137); tội trộm cắp tài sản (Điều 138), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139), tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140)… Việc quy ra tiền để xác định định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự có thật sự hợp lý khi tiền tệ của nước ta thường không ổn định (đồng tiền nước ta bị trượt giá liên tục)? Mặt khác, việc định lượng bằng tiền để truy cứu trách nhiệm hình sự thường không dựa vào chuẩn mực khoa học, khách quan vì cứ khi “tiền mất giá” thì ta lại phải sửa đổi luật. Vì vậy, các nhà làm luật nên sớm nghiên cứu áp dụng việc định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự dựa trên một cơ sở khoa học cụ thể và ổn định hơn.
- Bên cạnh đó còn có một số điểm bất hợp lý như: Tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS) nếu giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng (thuộc trường hợp không gây hậu quả nghiêm trọng, chưa bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản) thì không bị xử lý hình sự. Trong khi đó, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì từ 4 triệu trở lên (không thuộc các trường hợp đặc biệt) mới bị xử lý hính sự. Tuy nhiên, đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250 BLHS) lại không có quy định về định lượng tài sản, nên người nào tiêu thụ tài sản trộm cắp dù chỉ vài trăm ngàn đồng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Quy định về việc "dùng thủ đoạn nguy hiểm" tại điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS: Theo Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn áp dụng chương XIV "Các tội phạm xâm phạm sở hữu" thì "dùng thủ đoạn nguy hiểm" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại hoặc của người khác như dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản; cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy... Theo quy định trên thì cứ đối tượng sử dụng xe mô tô, xe máy để phạm tội thì đều bị áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm d khoản 2 điều 136 BLHS, như vậy có thật sự hợp lý? Vì không phải tất cả các trường hợp dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện hành vi cướp giật tài sản đều gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại. Trong một số trường hợp, đây chỉ là công cụ, phương tiện phạm tội để trợ giúp cho người phạm tội thực hiện việc phạm tội của mình một cách nhanh chóng hơn và nhằm tẩu thoát tránh sự truy đuổi? Vã lại, đã là thủ đoạn phải là hành vi mưu mô, xảo nguyệt trong khi sử dụng xe môtô xe máy chỉ là phương tiện giao thông thông dụng!
- Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, thì thuật ngữ “tài sản ảo” (ví dụ như tài khoản của các trò chơi trực tuyến_ Game online) được sử dụng ngày càng rộng rãi, phổ biến. Trên thực tế, các giao dịch liên quan đến “tài sản ảo” được thực hiện khá thông dụng. Mặc dù pháp luật hiện hành không chính thức thừa nhận và bảo hộ loại tài sản này là đối tượng của giao dịch dân sự nhưng giá trị của các loại “tài sản ảo” này rất lớn có thể trị giá hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Song song đó cũng đã xuất hiện các hành vi như: đánh cắp, lừa gạt để chiếm đoạt “tài sản ảo” của người khác gây thiệt hại cho chủ sở hữu “tài sản ảo”. Luật dân sự hiện hành lại không coi đây là một loại tài sản và BLHS cũng không có các quy định liên quan đến loại “tài sản” này. Do đó, không thể xử lý các hành vi như: Trộm cắp “tài sản ảo”, lừa đảo chiếm đoạt “tài sản ảo”… Thiết nghĩ, việc thừa nhận “tài sản ảo” cũng là khách thể của các tội xâm phạm sở hữu là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới công nghệ cao!.
Một số bất cập vướng mắc khác:
- Quy định về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 BLHS) bộc lộ vướng mắc: liên quan đến việc người lái xe chuyên dùng vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ hoặc tài sản của người khác. Theo Luật giao thông đường bộ 2008 thì phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (Khoản 17 Điều 3). Theo đó, xe chuyên dùng không phải là phương tiện giao thông đường bộ. Vậy nếu người điều khiển xe máy chuyên dùng vi phạm và gây thiệt hại tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng sức khoẻ hoặc tài sản của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gì hay được “miễn trừ” không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
- Trong BLHS việc sử dụng các khái niệm định tính làm căn cứ định tội hoặc để xác định mức độ nghiêm trọng của tội phạm như: phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là khá phổ biến trong các điều luật. Tuy nhiên, chỉ có một số điều được hướng dẫn thi hành quy định cụ thể, nhiều điều luật vẫn chưa được hướng dẫn, khiến cho quá trình giải quyết vụ án hình sự gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như quy định tại khoản 4 Điều 104 BLHS “Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân” vậy như thế nào là trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác? Việc quy định chung chung, không rõ ràng rất dể dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng một cách tùy tiện theo cảm tính chủ quan.
Trên đây là một số vướng mắc, bất cập của BLHS hiện hành; các cơ quan chức năng thẩm quyền và các nhà làm luật cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định trên nhằm hoàn thiện BLHS, góp phần đẩy lùi tội phạm, tránh xảy ra việc bỏ sót tội phạm, làm oan người vô tội.