BÀI BẢO VỆ QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGÂN HÀNG TMCP CÔNG THUƠNG VIỆT NAM TẠI PHIÊN TÒA PHÚC THẨM VỤ ÁN HUỲNH THỊ HUYỀN NHƯ

          

   

             BÀI BẢO VỆ QUYỀN, LỢI  ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGÂN HÀNG TMCP CÔNG THUƠNG VIỆT NAM  TẠI PHIÊN TỎA PHÚC THẨM VỤ ÁN HUỲNH THỊ HUYỀN NHƯ

 

 

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát và Quý Luật sư đồng nghiệp,

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (gọi tắt là Vietinbank) gồm có 5 luật sư. Chúng tôi thống nhất phân công phát biểu theo thứ tự như sau:

1/-Tôi, luật sư Nguyễn Văn Trung thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM phát biểu ý kiến chung về vụ án, phần liên quan đến yêu cầu kháng cáo của Công ty CPTM và Đầu tư Hưng Yên và Ngân hàng TMCP Nam Việt.

2/-Luật sư Trương Thị Hòa thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM phát biểu phần liên quan đến yêu cầu kháng cáo của Công ty CP Bảo hiểm Tòan Cầu.

3/-Luật sư Lê Hồng Nguyên thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM phát biểu phần liên quan đến yêu cầu kháng cáo của Công ty CP Đầu tư An Lộc.

4/-Luật sư Trương Xuân Tám thuộc Đoàn Luật sư Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu phần liên quan đến yêu cầu kháng cáo của Công ty CP Chứng khóan Phương Đông.

5/-Luật sư Nguyễn Thị Bắc thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phát biểu phần liên quan đến yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng TMCP Á Châu và Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Berjaya (SBBS).

Chúng tôi phân công như vậy là để tránh phát biểu trùng lắp và không làm mất thời gian quý báu của Quý Tòa. Tuy nhiên, vì tất cả 5 Luật sư chúng tôi đều bảo vệ quyền lợi chung cho Vietinbank, nên luật sư phát biểu sau có thể bổ sung ý kiến luật sư phát biểu trước nếu thấy cần thiết. Theo sự phân công nêu trên, tôi xin phát biểu quan điểm của mình.

 

I/-VỀ MẶT TỐ TỤNG:

 

1/- Đối với kháng cáo yêu cầu Vietinbank bồi thường vì Huyền Như phạm tội tham ô tài sản của Vietinbank:

Có Nguyên đơn dân sự kháng cáo cho rằng tiền đã vào tài khoản mở tại Vietinbank thì là tài sản của Vietinbank, Vietinbank giao cho Huyền Như  có trách nhiệm quản lý. Vì vậy, họ yêu cầu xử phạt Huyền Như về tội tham ô tài sản và Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như. Trong phần kết luận, vị đại diện VKSNDTC giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đồng tình với yêu cầu này. Chúng tôi thật sự hết sức ngạc nhiên và lo lắng trước kết luận này của vị đại diện VKSNDTC! Bởi lẽ:

Điều 52 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định: Nguyên đơn dân sự là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; Nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại. Vì vậy, các tổ chức bị thiệt hại do hành vi phạm tội của Huỳnh thị Huyền Như đã được Tòa án xác định tư cách Nguyên đơn dân sự là chính xác. Các Nguyên đơn dân sự này không có quyền kháng cáo về tội danh và hình phạt đối với Huỳnh Thị Huyền Như.

         Bộ Luật Tố tụng Hình sự, tại Điều 196 về giới hạn của việc xét xử, quy định: “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện Kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoăc nhẹ hơn tội mà Viện Kiểm sát đã truy tố”.  Điều 240 về hiệu lực của bản án, quyết định sơ thẩm  của Tòa án không có kháng cáo, kháng nghị, quy định: “Bản án, quyết định và những phần của bản án , quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị”. Điều 241 về Phạm vi xét xử phúc thẩm, quy định: “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị”. Căn cứ các quy định vừa nêu, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh và Viện Kiểm sát xét xử phúc thẩm tối cao tại TP. Hồ Chí Minh không có quyền xem xét tội danh “Tham ô” đối với Huỳnh thị Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm.  

Mặt khác, Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân quy định: Viện trưởng VKSND cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND cấp trên. Viện trưởng VKSND các cấp chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND Tối cao. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Viện trưởng phân công, Kiểm sát viên phải tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Viện trưởng VKSND cấp mình, sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND Tối cao. Cáo trạng số 16/KSĐT-VKSNDTC-V1 ngày 16-10-2013 được ký thừa ủy quyền Viện trưởng VKSNDTC. Tại phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên thừa ủy quyền của Viện trưởng VKSNDTC đã giữ nguyên nội dung Cáo trạng. Thế mà tại phiên tòa phúc thẩm này, vị Kiểm sát viên đại diện  VKSNDTC lại kết luận và đề nghị Hội đồng xét xử hủy một phần bản án sơ thẩm đã xét xử Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 5 Nguyên đơn dân sự, để điều tra lại về tội danh tham ô đối với số tiền chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng và xác định lại tư cách tham gia tố tụng của 5 Nguyên đơn dân sự này, đồng thời tuyên buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 5 nguyên đơn dân sự ngay trong vụ án này, trái với Cáo trạng của Viện trưởng VKSNDTC, không đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự đã viện dẫn nêu trên! Kết luận và đề nghị tréo ngoe này làm sao chúng tôi có thể không ngạc nhiên và lo lắng!?

2/-Về việc áp dụng pháp luật:

Đây là vụ án hình sự, vì vậy phải áp dụng các quy định của Bộ Luật Hình sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự để giải quyết.

Điều 10 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ..,”.

Khoản 2 Điều 66 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: “Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án”.

Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm vụ án, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã xem xét, đánh giá và xác định sự thật của vụ án một cách hết sức khách quan, toàn diện và đầy đủ, đó là: Do có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu, Huỳnh Thị Huyền Như đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo các tổ chức, cá nhân mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản tại Vietinbank. Giao dịch giữa Huyền Như với các tổ chức, cá nhân trước khi họ chuyển tiền vào Vietinbank đều là các giao dịch bất hợp pháp, thậm chí là tội phạm đã bị xử lý hình sự bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, không thể cắt khúc vụ án ra, chỉ xem xét hành vi của cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như sau khi tiền của các tổ chức, cá nhân đã được chuyển vào tài khoản của họ tại Vietinbank, cố tình loại bỏ nguyên nhân, động cơ, mục đích và các hành vi vi phạm pháp luật mà họ đã thực hiện theo thỏa thuận, thậm chí móc ngoặc với Huyền Như trước khi mở tài khoản và chuyển tiền, để cho rằng Huyền Như đã tham ô tài sản của Vietinbank do Huyền Như quản lý, hoặc Như đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Vietinbank quản lý, như một số ý kiến, quan điểm phiến diện, một chiều chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân đã bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản!

Cũng có quan điểm cho rằng, căn cứ Điều 618 Bộ Luật Dân sự quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao”, để yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ với lý do Huỳnh Thị Huyền Như là cán bộ của Vietinbank! Họ quên rằng đây là một vụ án hình sự. Hơn thế nữa, việc Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối, huy động vốn vượt trần lãi suất quy định, chi ngoài hợp đồng, giả mạo con dấu, tài liệu của Vietinbank và nhiều cơ quan, tổ chức khác là hành vi phạm tội hình sự, hoàn toàn không phải thực hiện nhiệm vụ được Vietinbank giao. Do đó, lập luận này hoàn toàn không có căn cứ, trái pháp luật và mâu thuẩn ngay với quy định tại Điều 618 Bộ Luật Dân sự do chính họ viện dẫn!

Cũng có ý kiến cho rằng Hợp đồng giữa người gửi tiền với Vietinbank là “Hợp đồng vay tài sản” hoặc “Hợp đồng gửi giữ tài sản”. Từ đó, họ suy ra rằng Vietinbank phải có nghĩa vụ trả nợ vay hoặc trả lại tài sản gửi giữ theo quy định của Bộ Luật Dân sự! Lập luận theo kiểu so sánh, suy diễn này hoàn toàn không phù hợp với quy định của pháp luật! Thậm chí có ý kiến còn so sánh với trường hợp gửi giữ xe cộ! Mọi sự so sánh đều khập khiểng! Nếu lấy ví dụ gửi xe thì cho phép tôi ví dụ trong trường hợp nhân viên bãi xe thông đồng với chủ xe bằng cách không lấy tiền giữ xe và chủ xe giao thẻ xe của mình cho nhân viên bãi giữ xe mượn sử dụng (giống như cho mượn tài khoản), dẫn đến hậu quả là nhân viên giữ xe chiếm đọat xe, thì xin hỏi chủ bãi giữ xe hay chủ xe phải tự chịu trách nhiệm? Nếu xem đây là các giao dịch dân sự thuần túy và chỉ cần căn cứ Bộ Luật Dân sự để giải quyết, thì có lẽ Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã không phải cất công soạn thảo Luật các Tổ chức tín dụng,  các Nghị định, Thông tư và các Quy định áp dụng riêng cho ngành ngân hàng!

Vì vậy, căn cứ Điều 42 Bộ Luật Hình sự quy định “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”, Tòa sơ thẩm buộc Huỳnh thị Huyền Như bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại là hoàn toàn áp dụng đúng quy định của pháp luật và bản chất của vụ án.

 

II/-VỀ NỘI DUNG VỤ ÁN:

 

Xuyên suốt quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa cho thấy nổi lên 2 vấn đề mà chủ tọa phiên Tòa, vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố và các nguyên đơn dân sự có kháng cáo đặc biệt quan tâm:

-Tài khoản mở tại Vietinbank là hợp pháp,

-Tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank rồi là thuộc quyền quản lý của Vietinbank, nên Vietinbank phải chịu trách nhiệm.

Tại kết luận đối với 5 Nguyên đơn dân sự, vị đại diện VKSNDTC cũng đã chỉ căn cứ 2 dấu hiệu hoàn toàn hình thức này để cho rằng Huyền Như đã phạm tội tham ô tài sản để buộc Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Một nguyên lý đã được Chủ tọa phiên tòa khẳng định “sự thật chỉ có một”. Vậy đâu là sự thật?

Đây là vụ án hình sự. Vì vậy, như trên đã phân tích, trách nhiệm của chúng tôi là chứng minh làm rõ mục đích, động cơ, hành vi của các nguyên đơn dân sự, người bị hại và Huyền Như trước khi mở tài khoản tiền gửi tại Vietinbank, việc chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank có hợp pháp không? Nguồn tiền do đâu mà có? Họ sử dụng tài khoản để làm gì, có đúng mục đích không? Nếu tất cả các giao dịch thỏa thuận giữa các nguyên đơn dân sự, bị hại với Huyền Như trước khi mở tài khoản và chuyển tiền là không hợp pháp, là nhằm mục đích để các nguyên đơn dân sự, bị hại thu lãi suất cao vượt trần quy định, để được hưởng chi phí hoa hồng; mục đích của Huyền Như là nhằm lừa đảo để chiếm đoạt tiền ngay từ đầu khi giao dịch mà việc mở tài khỏan, chuyển tiền vào tài khoản chỉ là hậu quả nhằm hợp thức hóa giao dịch bất hợp pháp trước đó, thì rõ ràng không thể quy trách nhiệm cho Vietinbank.

Trên tinh thần đó, tôi xin phát biểu quan điểm liên quan đến yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt và của Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Hưng Yên, như sau:

 

1/-Đối với Ngân hàng Nam Việt:

Chúng tôi xin phân tích kháng cáo của NH Nam Việt (gọi tắt là Navibank) và 4 nhân viên NH Nam Việt dưới 2 góc độ: hình thức giao dịch dân sự và bản chất hình sự của vụ án.

          1/-NH Nam Việt và 4 nhân viên của Ngân hàng này căn cứ hình thức giao dịch là 4 Hợp đồng tiền gửi của 4 nhân viên Navibank tại Vietinbank-CN TP. HCM chưa tất toán để yêu cầu Vietinbank bồi thường NH Nam Việt. Nếu cắt khúc giao dịch, và chỉ xét quan hệ Hợp đồng tiền gửi của 4 Nhân viên Navibank với Vietinbank-CN TP. HCM, thì tại phiên tòa chủ tọa HĐXX đã có ý kiến: Navibank không có giao dịch gì với Vietinbank thì căn cứ vào đâu để yêu cầu Vietinbank bồi thường?! Hơn thế nữa, nếu chỉ xét về mặt hình thức giao dịch và cắt khúc từ giai đọan mở tài khoản và chuyển tiền vào Vietinbank trở về sau, thì tiền của 4 nhân viên NH Nam Việt gửi tại Vietinbank-CN TP. HCM đâu còn thuộc quyền sở hữu của NH Nam Việt mà đòi?! Tôi xin chứng minh:

-Tại Công văn số 24/2012/HĐQT ngày 12-10-2012 gửi Cơ quan CSĐT Bộ CA (Bút lục 056871-056873), ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Chủ tịch HĐQT NH Nam Việt đã xác nhận: “Vào đầu tháng 6/2011, do chi tiêu tăng trưởng tính dụng của Navibank gần vượt mức 20%, NH Nhà nước cho phép, trong  khi các Hợp đồng tiền gửi của 4 cá nhân chưa đến hạn, trong ngày 17-6-2011 và ngày 20-6-2011 Navibank đồng ý cho các cá nhân trên được chuyển nhựơng các Hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank cho Cty TNHH TMDV Nông sản Bắc Hà, 4 cá nhân đã dùng 210 tỷ bán Hợp đồng tiền gửi để tất toán toàn bộ các khoản vay. Thời điểm bán Hợp đồng tiền gửi này xảy ra trước thời điềm vụ án 3 tháng. Đến nay mọi thiệt hại nếu có về cơ bản đã được khắc phục. Cụ thể, tất cả các khoản vay Navibank có tài sản thế chấp là các Hợp đồng tiền gửi của Vietinbank đều đã được tất toán cả gốc và lãi. Các hợp đồng tiền gửi tại Vietinabank hiện thuộc sở hữu của Cty Nông sản Bắc Hà.”

- Kèm theo Công văn nói trên là 4 bộ hồ sơ chuyển nhượng Hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank giữa 4 nhân viên Navibank với Cty Bắc Hà, gồm:

          + Hợp đồng chuyển nhượng Hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank CN Nhà Bè ngày 17-6-2011.

          + Phụ lục Hợp đồng chuyển nhượng ngày 26-7-2011, điều chỉnh lại Hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank CN Nhà Bè thành Hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank CN TP. HCM.

          + Biên bản giao nhận tiền đủ giữa nhân viên Navibank và Cty Bắc Hà cùng ngày ký Hợp đồng chuyển nhượng.

          + Phiếu nộp tiền mặt vào Navibank của 4 nhân viên Navibank cùng ngày ký Hợp đồng chuyển nhượng.

          + Phiếu thu tất toán nợ vay bằng tiền mặt của nhân viên Navibank cùng ngày ký Hợp đồng chuyển nhượng.

Rõ ràng nếu chỉ căn cứ hình thức giao dịch bằng giấy tờ và cắt khúc từ lúc mở tài khoản và gửi tiền vào Vietinbank thì 4 nhân viên Navibank cũng không có quyền gì đòi Vietinbank vì đã chuyển nhượng cho Cty Bắc Hà!

Xét về bản chất xuyên suốt vụ việc, chúng tôi xin được phép trình bày như sau:

- Án sơ thẩm buộc Huỳnh Thị Huyền Như bồi thường cho Ngân hàng TMCP Nam Việt 200tỷ đồng. NH TMCP Nam Việt và 4 nhân viên Ngân hàng TMCP Nam Việt kháng cáo cùng một nội dung: Không chấp nhận Hùynh thị Huyền Như bồi thường, vì không giao dịch với Hùynh thị Huyền Như; quan hệ hợp đồng gởi tiền với Vietinbank là hợp pháp, yêu cầu Vietinbank phải bồi thường cho NH TMCP Nam Việt 200 tỷ đồng và lãi phát sinh cho đến ngày thanh toán.

Ở đây không thể chỉ đơn giản căn cứ vào việc tài khoản đã được mở tại Vietinbank CN. TP. HCM, tiền của 4 nhân viên (thực chất là của NH Nam Việt) đã chuyển vào tài khoản để buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm thanh toán. Với tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy nổi cộm lên các vần đề sau đây:

-Hành vi của Ngân hàng TMCP Nam Việt cho nhân viên của mình vay tiền nhằm mục đích gửi tiết kiệm tại Vietinbank để lấy lãi vượt trần quy định có vi phạm pháp luật không?

-Hành vi của Ngân hàng Nam Việt và các nhân viên của mình trong việc mở tài khoản, sử dụng tài khoản, nhận tiền lãi do Huyền Như  chi trả có vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà Nước không?

          a/-Về các sai phạm của Navibank trước khi mở tài khoản và chuyển tiền vào Vietinbank:

Tại Công văn số 44/2012/HĐQT ngày 12-10-2012 gửi cơ quan CSĐT Bộ Công An (C46), “Về việc báo cáo các khỏan cho vay thế chấp bằng Hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank có liên quan đến vụ án Hùynh thị Huyền Như”. (Bút lục 056871-056873), ông Ngô Vĩnh Thọ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nam Việt đã xác nhận:

“Hội đồng quản lý tài sản nợ và tài sản có (gọi tắt là Hội đồng ALCO) đã thống nhất sử dụng một phần nguồn tiền nhàn rỗi của Navibank, để cho các nhân viên của Navibank vay với mục đích gửi tại Vietinbank. Tài sản thế chấp cho khoản vay chính là các Hợp đồng tiền gửi của nhân viên đó tại Vietinbank. Lãi suất cho vay sẽ được tính bằng lãi suất tiền gửi đã thương lượng với Vietinbank. Khoản tiền chênh lệch cao hơn lãi suất tiền gửi ghi trên hợp đồng mà Vietinbank thanh toán sẽ được Phòng kinh doanh tiền tệ nhận và giao lại toàn bộ cho bộ phận ngân quỹ thuộc Phòng dịch vụ khách hàng quản lý!

Việc giải ngân sẽ được thực hiện bằng cách chuyển thẳng bằng chuyển khoản từ tài khoản tại Navibank sang tài khoản của các cá nhân vừa mở tại Vietinbank. Sau đó các cá nhân này mới làm lệnh yêu cầu trích tài khoản  tiền gửi thanh toán của mình sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn và ký kết Hợp đồng tiền gửi với Vietinbank theo những nội dung và lãi suất đã thỏa thuận”.

Tại Biên bản ghi lời khai ngày 27-10-2012 (Bút lục 056875-78), Ông Lê Quang Trí, Tổng Giám đốc Navibank xác nhận: “Hội đồng tín dụng Navibank đã họp thống nhất sẽ cho các nhân viên của Phòng Kinh doanh tiền tệ vay tiền để gửi vào Vietinbank Nhà Bè và TP. HCM như đề xuất của Phòng kinh doanh tiền tệ. Việc cho vay sẽ được bảo đảm bằng số tiền gửi tại Vietinbank, giao cho Trần Thanh Bình và Đoàn Đăng Luật thực hiện”.

Tại Biên bản ghi lời khai ngày 04-10-2012 (Bút lục 056896) Đòan Đăng Luật, Trưởng Phòng nguồn vốn Navibank, xác nhận: “Sau cuộc họp Hội đồng ALCO giao cho tôi (Luật) thực hiện việc thương lượng lãi suất gửi, số tiền gửi, kỳ hạn gửi và cách thức gửi tiền, giao cho anh Trần Thanh Bình lập hồ sơ vay trình Hội đồng tín dụng và tiến hành giải ngân”.

Tại Biên bản ghi lời khai ngày 08-10-2012 (Bút lục số 056889), Trần Thanh Bình, Trưởng Phòng Quan hệ khách hàng Navibank, xác nhận: “Sau khi Hội đồng ALCO thống nhất về chủ trương gửi tiền và cách thức gửi tiền vào Vietinbank thông qua các nhân viên Navibank, thì có giao cho tôi (Bình) nhận thông tin từ anh Luật để chuyển thông tin xuống chi nhánh lập hồ sơ vay, làm tờ trình và Phòng Quan hệ khách hàng có trách nhiệm trình HĐTD quyết định.”

Khi được hỏi vì sao Ngân hàng Nam Viêt không cho Vietinbank vay qua thị trường liên ngân hàng theo quy định? Tại Biên bản làm vịêc ngày 24-4-2012 (Bút lục 35072) ông Nguyễn Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc Navibank xác nhận: “Vì mục tiêu lợi nhuận, Navibank đã lựa chọn hình thức cho nhân viên vay tiền để đi gửi Vietinbank huởng lãi suất cao hơn lãi suất huy động liên ngân hàng, cụ thể là 14%/năm trên Hợp đồng và từ 2,5% đến 8%/năm lãi suất chênh lệch ngòai hợp đồng.”

Rõ ràng hành vi của Ngân hàng Nam Việt thông qua nhân viên mình để lấy tiền đi gởi tiết kiệm tại Vietinbank lấy lãi suất cao vượt trần là trái pháp luật. Cụ thể là:

-Tại công văn số 350/NHNN-TTGSNH.m ngày 17-5-2012 trả lời Cơ quan CSĐT-BCA (Bút lục 08466), Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đã xác định vi phạm đối với Navibank: “Navibank cho các nhân viên vay tiền để gửi tại các chi nhánh của Vietinbank để lấy lãi suất 22%/năm, đã vi phạm  về điều kiện vay vốn quy định tại khoản 4 Điều 7 quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nuớc: “có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả, hoặc dự án, phương án phục vụ đời sống khả thi và phù gợp với quy định của pháp luật”. Thực tế, trong giấy đề nghị vay kiêm HĐTD và Khế ước nhận nợ ghi mục đích vay tiêu dùng, nhưng tài sản cầm cố lại chính là Hợp đồng tiền gửi với CN Vietinbank ký cùng ngày của chính số tiền vay.

          -Về hình thức giấy tờ là Navibank cho nhân viên vay tiền để gửi Vietinbank lấy lãi cao và chênh lệch ngoài Hợp đồng, nhưng thực chất các nhân viên này chỉ đứng tên dùm Navibank, họ hoàn toàn không tham gia giao dịch, không phải trả lãi tiền vay cũng không nhận được lãi tiền gửi. Hành vi này vi phạm quy chế vay vốn giữa các tổ chức tín dụng, ban hành kèm theo quyết định số 1310/2001/QĐ-NHNN ngày 15-10-2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà Nuớc, vi phạm Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 03-3-2011 của Ngân hàng Nhà Nước quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam, vi phạm điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 và Quyết định 742/2000/QĐ-NHNN ngày 17-02-2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước. Việc làm này không khác gì Ngân hàng ACB đã bị xét xử trong vụ Nguyễn Đức Kiên và án đã có hiệu lực pháp luật.

 

          b/-Hành vi sai phạm của Navibank và nhân viên trong việc mở tài khoản, sử dụng tài khỏan tại Vietinbank và nhận tiền của Huyền Như:

-Tại Biên bản làm việc ngày 11-4-2012 tại cơ quan CSĐT (Bút lục 028882), ông Nguyễn Giang Nam (Phó Tổng Giam đốc) và ông Đòan Đăng Luật (Trưởng Phòng nguồn vốn) đại diện Navibank đã xác nhận: “Mười bốn nhân viên Navibank chỉ ký tên làm thủ tục mở tài khoản tại Vietinbank CN Nhà Bè và CN TP. HCM, ký tên vào các Hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng tiền gửi; đến hạn hợp đồng tiền gửi thì ký lệnh chi có sẳn nội dung do Trần Thị Tố Quyên đưa để chuyển tiền gốc, lãi các Hợp đồng tiền gửi đến hạn từ tài khoản thanh toán của 14 nhân viên mở tại chi nhánh Nhà Bè và TP. HCM về tài khoản của 14 nhân viên mở tại Navibank. Nhưng số lệnh chi chuyển tiền gốc, lãi các Hợp đồng tiền gửi đến hạn về tài khỏan của 14 nhân viên Navibank mở tại Navibank không phải do nhân viên Navibank ký mục chủ tài khỏan để thực hiện. Lý do vì sao các lệnh chi mà Trần Thị Tố Quyên đưa nhân viên Navibank ký tên không được sử dụng để giao dịch thí các nhân viên Navibank không rõ” (nhưng Navibank thì quá rõ!).

-Tại Biên bản ghi lời khai ngày 04-10-2012 (Bút lục 056896) và tường trình ngày 04-10-2012 (Bút lục 056900), Đoàn Đăng Luật xác nhận; “Trong quá trình cho 14 nhân viên Navibank vay tiền rồi đi gửi tại Vietinbank, tôi (Luật) là người đầu mối liên hệ với Vietinbank CN Nhà bè và CN TP. HCM trong việc mở tài khoản cho 14 nhân viên này tại Vietinbank CN Nhà bè và CN TP. HCM, nhận lãi chênh lệch ngoài hợp đồng và giao lại cho Phòng Ngân quỹ như đã khai trước đây. Tất cả khoản tiền chênh lệch được nhân viên Vietinbank mang đến trụ sở Navibank giao cho tôi. Ngay khi nhận số tiền tôi giao tất cả lại cho Phòng Ngân quỹ cất giữ và quản lý. Trong quá trình nhận cũng như giao lại tôi không có ký bất cứ chứng từ nào và cũng không trực tiếp kiểm đếm”.

-Tại Biên bản ghi lời khai ngày 18-4-2012 (Bút lục 028936), Hùynh Vĩnh Phát, Kế tóan trưởng Navibank, đã khai nhận: Anh Luật đề xuất mượn tài khỏan của tôi để nhận tiền lãi trả trước của các Hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank và đã được Hội đồng quản lý tài sản nợ (ALCO) tổ chức họp đồng ý việc này. Tiền lãi trả trước vào ngày ký Hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank CN Nhà Bè và CN TP. HCM khi vào tài khoản của tại Navibank thì tôi rút tiền mặt ra bảo quản ở két sắt riêng của tôi. Đến hạn hợp đồng tiền gửi, tôi đưa tiền mặt cho nhân viên đứng tên trên hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank CN Nhà Bè và CN TP. HCM nộp vào tài khoản tại Navibank để trả lãi cho khoản vay đến hạn của các nhân viên này tại Navibank. Tổng số tiền lãi trả trước cho các Hợp đồng tiền gửi tôi đã nhận tại tài khoản Navibank là 15.113.888.888đồng. Tôi đã rút ra trả nợ vay Navibank còn lại 399.866.666đồng, vì có một số hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank CN Nhà Bè và CN TP. HCM tất toán trước hạn nên lãi vay thấp hơn tiền lãi đã nhận trước từ các hợp đồng tiền gửi. Số tiền này đến nay chưa được Navibank xử lý”. Khi được điều tra viên hỏi: Vì sao tiền lãi trả trước của các Hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank phải chuyển vào tài khoản của anh tại Navibank? Anh có biết nguồn tiền trả lãi trước do ai chuyển trả không? Hùynh Vĩnh Phát đã trả lời: “Vì khoản tiền lãi chuyển ngay khi ký hợp đồng nên tôi nhận và quản lý, không để vào tài khoản của các nhân viên Navibank thì khó quản lý được, tránh tình trạng trong khi chờ trả nợ vay tại Navibank thì nhân viên sử dụng số tiền này. Nay, tôi xem lại sao kê tại Navibank tôi mới biết tiền này là tiền do cá nhân chuyển trả, không phải do Vietinbank chuyển, trong đó có khoản tiền 4.391.666.667đồng ngày 16-5-2011 do Trần Thị Tố Quyên chuyển. Nhưng tôi không biết Tố Quyên là ai, cũng không biết vì sao người này chuyển tiền vào tài khoản của tôi.”

-Tại các bút lục từ số 028884 đến 028897, tất cả 14 nhân viên Navibank đều có 14 bản cam đoan xác nhận 4 nội dung:

          +Tôi chỉ ký tên làm thủ tục mở tài khoản tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và CN TP. HCM; ký tên các Hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng tiền gửi đi kèm. Ngoài ra tôi không có ký bất kỳ giấy tờ nào khác do phía Vietinbank-CN Nhà Bè và CN TP. HCM đưa.

          +Tiền vay của Navibank sau khi chuyển vào tài khoản của tôi tại Vietinbank-CN Nhà Bè và CN TP. HCM để thực hiện Hợp đồng tiền gửi thì tôi không có thực hiện bất kỳ giao dịch nào liên quan đến số tiền này.

          +Tôi không biết nguồn tiền chuyển trả cho các Hợp đồng tiền gửi lấy từ đâu.

          +Tôi chỉ đứng tên giúp Navibank và không được lợi ích gì. Thực tế tôi không có tiền để gửi tại Vietinbank CN Nhà Bè và CN TP. HCM.

Tại Hợp đồng gửi tiền được ký bởi 4 nhân viên Navibank với Vietinbank CN TP. HCM (BL 057108), tại khoản 6 Điều 1 quy định rõ:

-Vào ngày hiệu lực, Bên A (nhân viên Navibank) đồng ý cho Bên B (Vietinbank, thực chất là Huyền Như) tự động trích tiền nêu trên từ tài khoản của Bên A tại Vietinbank CN TP. HCM sang tài khoản tiền gửi kỳ hạn trả lãi sau.

-Nếu Bên A có nhu cầu rút vốn, Bên B sẽ chuyển tiền gốc và lãi phát sinh vào tài khoản tiền gửi thanh toán của Bên A tại Vietinbank-CN TP. HCM.

Rõ ràng, theo yêu cầu của Navibank và Huyền Như, các nhân viên Navibank chỉ ký tên, đứng tên mở tài khoản tại Vietinbank, ký hợp đồng tiền gửi giúp cho Navibank. Cho Navibank và Như mượn tài khỏan để giao dịch. Navibank và các nhân viên của họ đã có lỗi và phải chịu trách nhiệm vì đã vi phạm khoản 3 (Chủ tài khoản chịu trách nhiệm về những sai sót hay hành vi lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình), khỏan 6 (Chủ tài khoản không được cho thuê, cho mượng tài khoản, hoặc sử dụng tài khoản của mình cho các giao dịch thanh toán đối với những khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp) Điều 10 “Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng”, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21-11-2002 của Ngân hàng Nhà Nước.

Navibank đã thu lợi từ giao dịch bất hợp pháp nêu trên số tiền 24.569.130.555đồng. Trong đó:

          -Tiền chênh lệch chi ngoài Hợp đồng do Đoàn Đăng Luật nhận tiền mặt của Huyền Như giao:                   9.455.241.667 đồng

          -Tiền lãi 14% theo Hợp đồng chuyển vào tài khoản của Hùynh Vĩnh Phát:                                                15.113.888.888 đồng

 Toàn bộ số tiền này là thu lợi bất chính từ việc nhờ các nhân viên của Navibank đứng tên ký hợp đồng gởi tiền vào Vietinbank. Thực chất số tiền này là tiền là tiền của Huyền Như  do phạm tội mà có. Đáng lý ra phải thu hồi sung công quỹ hoặc dùng để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của Huyền Như mới đúng. -Tai Biên bản làm việc ngày 24-4-2012 với cơ quan CSĐT-BCA (Bút lục số 35072), ông Nguyễn Giang Nam-Phó Tổng Giám đốc Navibank thừa nhận: “Navibank được biết số tiền chênh lệch lãi ngoài Hợp đồng của khoản tiền gửi nói trên mà Navibank đã nhận do Huyền Như phạm tội mà có; do đó khi nào cơ quan chức năng yêu cầu, Navibank sẽ tự nguyện nộp lại.”

Vì vậy, kính đề nghị Hội đồng xét xử quyết định: không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Navibank và 4 nhân viên của Navibank.

 

          2/-Đối với Công ty CP TMĐT Hưng Yên:

-Từ ngày 10-9-2010, Nguyễn Thị Vi Anh (Trưởng Phòng Giao dịch tiền tệ Ngân hàng TM.CP Hàng Hải, gọi tắt là MSB) đã có tờ trình Tổng Giám đốc MSB (Bút lục 055025), “Về thực hiện giao dịch ủy thác đầu tư qua Cty Hưng Yên, phương thức thực hiện ủy thác đầu tư có tài sản bảo đảm bằng Hợp đồng tiền gửi giữa Cty Hưng Yên và TCTD khác và được phong tỏa bởi chính TCTD nhận tiền đó”. Được Tổng Giám đốc MSB chấp thuận, tháng 5/2011 Nguyễn Thị Nga, cán bộ Ngân hàng TMCP Hàng Hải đã bàn bạc, thỏa thuận với Huyền Như (lúc này xưng tên là Quyên, n/v Vietinbank CN Nhà Bè) về số tiền gửi, lãi suất từ 18%->22%. Sau khi đạt được thỏa thuận, từ ngày 16-5-2011 đến ngày 23-6-2011 Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) đã ký 8 Hợp đồng ủy thác đầu tư với Công ty Hưng Yên với tổng số tiền 537tỷ đồng. Nội dung chính 8 Hợp đồng ủy thác đầu tư như sau:

+Lãi suất yêu cầu từ 14%->16%

+Trong thời gian 01 tháng mà Công ty Hưng Yên chưa tìm được tài sản như yêu cầu của MSB thì Công ty Hưng Yên có quyền sử dụng vốn đầu tư nhàn rỗi vào các Hợp đồng gởi tiền có kỳ hạn duy trì cho bên MSB một mức lợi nhuận tương ứng với số vốn đầu tư sử dụng thực tế và thời hạn sử dụng thực tế là 14% năm.

+Công ty Hưng Yên sẽ phải trả cho MSB 01 khoản phí ủy thác đầu tư bằng 0,1%/năm tính trên giá trị của số vốn đầu tư (đã bao gồm VAT).

+Công ty Hưng Yên họat động với tư cách là đại diện được ủy quyền của MSB và được quyền thực hiện các giao dịch đầu tư theo sự thống nhất cụ thể với MSB trong phạm vi số vốn mà MSB giao cho Công ty Hưng Yên quản lý và đầu tư theo quy định của Hợp đồng này.

+Hợp đồng này được bảo đảm bằng hợp đồng tiền gởi giữa Công ty CP TM & ĐT Hưng Yên với Vietinbank theo Hợp đồng tiền gửi ký cùng ngày Hợp đồng này.

-Cùng thời điểm MSB ký 8 Hợp đồng ủy thác với Công ty Hưng Yên, Công ty Hưng Yên đồng thời ký 8 Hợp đồng tiền gởi (do Như làm giả) tương ứng với Vietinbank CN Nhà Bè cùng ngày, cùng số tiền tổng cộng 537 tỷ đồng, lãi suất Hợp đồng 14% năm, lãi ngoài 4-8%. 8 Hợp đồng tiền gởi giả này chính là tài sản bảo đảm cho 8 Hợp đồng ủy thác của MSB và Hưng Yên.

-Cùng ngày 16-5-2011, Cty Hưng Yên mở cùng lúc 2 tài khoản tại Vietinbank: 1 tài khoản thanh toán tại CN Nhà Bè và 1 tài khoản tiền gởi có kỳ hạn tại CN Thành phố Hồ Chí Minh.

-Tòan bộ quá trình giao dịch, mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán tiền lãi trong Hợp đồng, ngoài Hợp đồng đều do các cán bộ MSB trực tiếp thực hiện cùng với Huyền Như. Cty Hưng Yên, Vietinbank CN Nhà Bè và CN TP. HCM hòan toàn không tham gia. Các lời khai xác nhận của chính các đương sự đã chứng minh:

              +Tại Biên bản ghi lời khai ngày 26-10-2011 (Bút lục 01118), Huyền Như khai nhận: “Đối với nhóm Cty Hưng Yên, Phúc Vinh, Thịnh Phát thì Hợp đồng tôi ký giả chữ ký Hà Tuấn Anh và Võ Anh Tuấn, đóng dấu gỉả, Fax hoặc Scan cho khách hàng để làm căn cứ chuyển tiền, hợp đồng bản chính tôi chuyển sau đến Ngân hàng Hàng Hải cho chị Nga hoặc anh Kiên để chuyển cho các Cty. Các thỏa thuận cụ thể về số tiền, kỳ hạn lãi suất của nhóm 3 Cty này tôi đều làm việc thỏa thuận trực tiếp với Ngân hàng Hàng Hải (chị Vi Anh, chị Nga). Tiền lãi 14% theo Hợp đồng trả cuối kỳ, còn lãi suất chênh lệch ngòai đều trả trước vào tài khoản của các Cty mở tại MSB tại thởi điểm phát sinh giao dịch. Việc ký với các Cty này đều do phía MSB (chị Vi Anh và chị Nga) chỉ định. Lúc đầu tôi làm với Hưng Yên nhưng sau khi ký 02 Hợp đồng (ngày 16 và 17/11/2011) kế toán Cty Hưng Yên có gọi điện đến Vietinbank CN Nhà Bè thì được CN Nhà Bè xác nhận là không có Hợp đồng với Cty Hưng Yên (CN Nhà Bè có gửi văn bản xác nhận là không ký Hợp đồng với Cty Hưng Yên). Chị Nga MSB gọi cho tôi (Như) thì tôi nói rằng CN Nhà Bè đang bị thanh tra nên sợ bị phát hiện ra việc ký Hợp đồng với Cty sân sau nên không nhận là có ký Hợp đồng với Cty Hưng Yên. Vì thế, sau đó tôi và chị Nga thống nhất chuyển sang làm với Thịnh Phát và Phúc Vinh. Nhưng sợ làm với Thịnh Phát và Phúc Vinh nhiều quá nên sau lại sang làm với Hưng Yên”.

              +Tại Biên bản ghi lời khai ngày 26-9-2011 (Bút lục 1054), Huyền Như khai nhận: “6 Hợp đồng tiền gửi của Cty Hưng Yên với CN Nhà Bè do tôi ký giả chữ ký và đóng dấu giả. Tòan bộ quá trình ký kết và thỏa thuận Hợp đồng nhận tiền gửi của Cty Hưng Yên tôi thỏa thuận với chị Nga qua chát, Yahoo.”

              +Tại Biên bản ghi lời khai ngày 21-10-2011 (Bút lục 1102), Huyền Như khai nhận: “Sau khi thỏa thuận lãi suất chênh lệch ngoài (lúc đầu là 7%/năm), tôi có đề nghị phía chị Nga mở tài khỏan tiền gửi thanh toán tại cả 2 chi nhánh Nhà Bè và Tp. HCM. Lãi suất 14%/năm theo quy định thì tôi phải chuyển trước vào tài khỏan Cty Hưng Yên tại MSB thì Cty Hưng Yên mới chuyển tiền vào tài khỏan tại Vietinbank theo yêu cầu của tôi. Về Hợp đồng, tôi soạn thảo, ký tên giả, đóng dấu giả rồi Fax cho chị Nga trước, còn Hợp đồng gốc chuyển ra sau..”

              + Tại Biên bản xác minh của Cơ quan CSĐT-BCA ngày 17-10-2011 (Bút lục 054672), ông Tạ Duy Hùng, Tổng Giám đốc Cty Hưng Yên xác nhận: “Mọi giao dịch, quan hệ, thương thảo điều khoản hợp đồng do cộng tác viên (thực chất là cán bộ MSB) thực hiện thông qua điện thọai và Fax, ký hợp đồng qua Fax rồi giao lại cộng tác viên Fax vào Vietinbank CN Nhà Bè. Việc trao đổi thống nhất mở tài khoản của Cty Hưng Yên tại Vietinbank CN Nhà Bè cũng do cộng tác viên thực hiện trước. Đến nay Cty Hưng Yên chưa nhận được hồ sơ mở tài khoản.”

              +Tại Biên bản ghi lời khai ngày 09-7-2012 (Bút lục 054919), ông Tạ Duy Hùng khai nhận: “Theo điều khoản Hợp đồng tiền gửi giữa Cty Hưng Yên với Vietinbank CN Nhà Bè, Cty Hưng Yên phải mở tài khỏan tại Vietinbank CN Nhà Bè, theo đó Cty chúng tôi đã thực hiện điền các thông tin, ký và đóng dấu trên giấy đề nghị, tháng 5/2011 Nguyễn Thị Nga mở tài khoản và Fax lại cho CN Nhà Bè. Việc ký hồ sơ mở tài khoản chuyển cho Vietinbank CN Nhà Bè chỉ là để hoàn tất thủ tục vì tài khoản Vietinbank CN Nhà Bè đã cung cấp trước cho Cty Hưng Yên và Cty Hưng Yên cũng đã chuyển tiền gửi vào tài khoản đó. Đến tháng 6/2011, các cộng tác viên có thông báo lại cho tôi về việc thực hiện các Hợp đồng tiền gửi và được gửi vào Vietinbank Nhà Bè thông qua tài khoản mới của Cty Hưng Yên mở tại Vietinbank CN TP. HCM và tôi cũng đã ký các Hợp đồng tiền gửi với Vietinbank Nhà Bè và ký 01 bộ hồ sơ mở tài khoản tại Vietinbank CN. TP HCM.”

     +Tại Biên bản ghi lời khai ngày 28-3-2012 (Bút lục 001814), Võ Anh Tuấn khai nhận: “Cá nhân tôi không ký hợp đồng nào với Cty Hưng Yên. Vào thời điểm tháng 3-4/2011 khi có thông tin Vietinbank CN Nhà Bè có ký Hợp đồng tiền gửi với Cty Hưng Yên, qua kiểm tra lại thì Vietinbank CN Nhà Bè không có bất kỳ khoản tiền nào của Cty này, Phía Vietinbank Nhà Bè đã gọi cho bên Cty Hưng Yên (anh Hà Tuấn Anh, Giám đốc và chị Uyên, Trưởng Phòng Giao dịch) để trao đổi và khẳng định tại Vietinbank Nhà Bè không có bất kỳ khoản tiền gửi nào từ Cty Hưng Yên. Phía Ngân hàng có đề nghị Cty kiểm tra và Fax các hồ sơ tài liệu liên quan để Ngân hàng kiểm tra lại, nhưng sau đó không thấy Cty Hưng Yên Fax hồ sơ và cũng không liên lạc lại. Tôi không biết ai là Tạ Duy Hùng ở Cty Hưng Yên, tôi không gặp gỡ thỏa thuận, không ký kết bất kỳ Hợp đồng nào với ông Tạ Duy Hùng.”

 

-Mặc dù Cty Hưng Yên đã ký 8 Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với CN Nhà Bè do Như làm giả, nhưng Cty Hưng Yên lại không chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn tại CN Nhà Bè  mà lại chuyển tiền vào tài khoản thanh toán mở tại CN TP. HCM theo yêu cầu của Huyền Như.

-Mặc dù Hợp đồng tiền gởi có kỳ hạn ký với CN Nhà Bè quy định lãi suất 14%/năm trả lãi cuối kỳ, nhưng ngay sau khi ký 8 Hợp đồng, tài khoản của Cty Hưng Yên tại MSB đã nhận được số tiền lãi vượt trần 6.369.373.667đ do các cá nhân nộp theo yêu cầu của Như. Do có thỏa thuận trước với Như, nên Cty Hưng Yên vui vẻ nhận số tiền này mà không thắc mắc vì sao mình nhận được số tiền từ trên trời rơi xuống! Đến kỳ hạn thanh toán các Hợp đồng tiền gởi giả, Như chỉ đạo các cá nhân nộp số tiền 5.461.166.668đ vào chính tài khoản thanh toán của Công ty Hưng Yên tại Vietinbank CN TP. HCM, rồi lập lệnh chi giả chuyển tiển từ tài khoản thanh toán của Công ty Hưng Yên tại Vietinbank chuyển về tài khoản của Cty Hưng Yên mở tại MSB! Cty Hưng Yên nhận được 5.461.166.668đ của cá nhân “vô cớ” nộp vào tài khoản của Cty Hưng Yên tại Vietinbank CN TP. HCM cũng vui vẽ nhận, không thắc mắc gì. Rồi số tiền này được chuyển từ tài khoản Cty Hưng Yên tại Vietinbank CN TP. HCM về tài khoản Cty Hưng Yên tại MSB bằng các lệnh chi giả của Huyền Như, Cty Hưng Yên cũng vui vẽ nhận mà không hề thắc mắc tại sao có chuyện lạ đời xảy ra!

Theo tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, sự xác nhận của các bị cáo, nguyên đơn dân sự và người có liên quan trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, thì nguyên nhân tại sao lại có “việc lạ đời” xảy ra mà Cty Hưng Yên vui vẽ chấp nhận cũng đã rõ:

          -Tiền gởi vào Vietinbank CN TP. HCM không phải của Cty Hưng Yên, mà là của MSB; Cty Hưng Yên chỉ là đơn vị được ủy thác làm đại diện hưởng phí ủy thác. Việc làm này không khác gì ACB ủy thác cho các cá nhân gửi tiền vào Vietinbank. Tại Công văn số 27/PC1.m ngày 03-5-2012 (BL 008464), Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có ý kiến: “Việc MSB ủy thác vốn cho 3 Công ty không phải là tổ chức tín dụng để thực hiện đầu tư là vi phạm các quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng 2010 và Quyết định số 742/2002/QĐ-NHNN ngày 17-02-2002 của Thống đốc Ngân hàng  Nhà nước.

-Tại Công văn số 350/NHNN-TTGSNH.m ngày 17-5-2012 do Chánh Thanh tra Giám sát NHNN thừa lệnh Thống đốc ký (Bút lục 08466) đã xác định: “Việc MSB thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư (qua 3 Công ty) khi chưa có hướng dẫn của NHNN là vi phạm quy định tại điều 106 Luật các TCTD năm 2010, quy định “Ngân hàng TM được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của NHNN”. MSB đã thực hiện nghiệp vụ ủy thác khi chưa có hướng dẫn của NHNN về nghiệp vụ này là vi phạm qui định tại Điều 106 Luật các TCTD năm 2010”.

-Tại “Biên bản phê duyệt tín dụng MSB” số 682/BB-HĐTD ngày 26-4-2011 (Bút lục 055006), Hội đồng tín dụng MSB đã thống nhất quyết nghị: đồng ý cấp hạn mức giao dịch cho Vietnbank 5.000tỷ đồng, thời hạn duy trì hạn mức 12 tháng, thời gian mỗi giao dịch tối đa không quá 6 tháng, thực hiện ký Hợp đồng theo từng giao dịch, các giao dịch phù hợp với các qui định của NHNN và MSB từng thời kỳ.

Đáng lý ra để thực hiện nghị quyết này, MSB phải ký Hợp đồng trực tiếp với Vietinbank thông qua giao dịch liên ngân hàng theo quy định tại “Quy chế vay vốn giữa các tổ chức tín dụng”, ban hành kèm theo Quyết định số 1310/2001/QĐ-NHNN ngày 15-10-2001 của Ngân hàng Nhà Nước.

Thế nhưng, tại lời khai của Đặng Trần Kiến ngày 28-6-2012 (Bút lục 054902), Bùi Thu Hải ngày 28/6/2012 (BL 054897- 99) và lời khai Nguyễn thị Vi Anh ngày 28-01-2012 (BL 054880) đều xác nhận: Số tiền gửi của 3 Công ty gửi tại các CN Vietinbank được MSB trừ vào hạn mức 5.000tỷ đồng MSB đã cấp cho Vietinbank. Rõ ràng, việc làm này của MSB đã vi phạm Quyết định 1310/2001/QĐ-NHNN ngày 15-10-2001 của NH NN.

-Trước khi mở tài khoản, ký Hợp đồng tiền gởi giả và chuyển tiền sai mục đích, Nguyễn Thị Nga, cán bộ MSB, đã thỏa thuận với Huyền Như về lãi suất cao và vượt trần, vi phạm Thông tư 02/TT-NHNN ngày 03-3-2011 của Ngân hàng Nhà Nước quy định về mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam.

Tất cả các thỏa thuận và hành vi trái pháp luật này đã xảy ra trước khi mở tài khoản và chuyển tiền vào Vietinbank. Bằng các thỏa thuận trái pháp luật, một bên nhằm hưởng lợi bất chính từ lãi suất cao và vượt trần, một bên lợi dụng việc này đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đọat tài sản. Việc mở tài khỏan và chuyển tiền chỉ là hậu quả của thỏa thuận và hành vi trái pháp luật nêu trên. Chính vì vậy, sau khi mở tài khoản và chuyển tiền theo yêu cầu của Huyền Như, MSB và Cty Hưng Yên bỏ mặc hoặc phó thác cho Huyền Như thao túng, miễn sao nhận được tiền lãi suất cao hơn lãi suất liên ngân hàng, lãi suất vượt trần chi ngòai và phí ủy thác. Đây cũng chính là  lỗi của Công ty Hưng Yên với tư cách chủ tài khoản theo quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 10 Quy chế về mở và sử dụng tài khoản, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21-11-2002 của Ngân hàng Nhà nước.

Từ các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên, theo Bảng kê “Hợp đồng ủy thác MSB-Công ty Hưng Yên gửi tiền Công thương Nhà Bè” do Cty Hưng Yên lập gửi Cơ quan CSĐT-BCA có đóng dấu treo Cty Hưng Yên (Bút lục 054678- 054679), đã ghi rõ:

          -Lợi tức 14% đã trả:                                        11.338.055.556 đồng

          -Hoa lợi khác (chênh lêch ngòai Hợp đồng):   6.369.372.2018 đồng

                                                                 Cộng  : 17.707.427.774 đồng

Tòan bộ số tiền này là thu lợi bất chính mà MSB thu được thông qua úy thác cho Cty Hưng Yên cho vay bất hợp pháp. Mặt khác, thực chất số tiền này là tiền của Huyền Như có được do phạm tội mà có (không phải tiền của Vietinbank). Đáng lẽ ra phải thu hồi sung công quỹ hoặc trả lại cho các bị hạn, Nguyên đơn dân sự để khắc phục hậu quả mới đúng.

Sau khi xảy ra vụ án, MSB và 3 Công ty Thịnh Phát, Phúc Vinh và Hưng Yên đã phải vội vã khắc phục hậu quả bằng việc 3 Công ty vay tiền của Bà Trần thị Nguyệt Hằng nộp vào MSB để tất toàn Hợp đồng ủy thác đầu tư. Tại Bản kết luận điều tra số 12/C46-P10 ngày 03-12-2012 (trang 95), Cơ quan CSĐT-Bộ Công an đã kết luận: “Đến ngày 21-9-2011, trước khi khởi tố vụ án, 3 Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên phát hiện Huỳnh thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 Công ty này đã vay của bà Trần thị Nguyệt Hường-Chủ tịch Tập đoàn Phát trỉển để trả lại cho Ngân hàng Hàng Hải toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt nêu trên. Hành vi của Tổng Giám đốc và các cán bộ , nhân viên Ngân hàng Hàng Hải có dấu hiệu của tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, trước khi Cơ quan điều tra vụ án hình sự, Ngân hàng Hàng Hải đã thu hồi toàn bộ số tiền đã ủy thác cho các Công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên, hậu quả vật chất đã được khắc phục nên xét thấy chưa cần thiết phải xử lý hình sự đối với các cá nhân nêu trên”.

Đó cũng là lý do vì sao 2 Công ty Thịnh Phát và Phúc Vinh đã tự nguyện rút yêu cầu kháng cáo, mặc dù 3 Công ty cùng hội cùng thuyền như nhau, nội dung đơn kháng cáo  cũng giống y chang nhau, chỉ khác nhau ở Tờ khai mở tài khoản của Cty Hưng Yên, do chử ký của ông Tạ Duy Hùng dễ ký giả nên Huyền Như đã không làm giả duy nhất tờ khai này của Cty Hưng Yên mà thôi!

 

Do đó, án sơ thẩm buộc Huyền Như bồi thường cho 3 Công ty Thịnh Phát, Phúc Vinh và Hưng Yên là hoàn toàn đúng pháp luật, phù hợp tình tiết khách quan của vụ án. 2 Công ty Thịnh Phát, Phúc Vinh rút yêu cầu kháng cáo, chấp nhận án sơ thẩm là đã nhận thức được bản chất vụ việc và việc làm vi phạm pháp luật của mình. Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của Công ty CP TMĐT Hưng Yên.

 

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Vụ án Huỳnh thị Huyền Như xảy ra đã tác động rất lớn đến dư luận xã hội, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng. Sau khi TAND TP. HCM xét xử sơ thẩm vụ án này, nhất là sau khi Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng nhìn chung đã phản ánh được diễn biến quá trình xét xử công khai, khách quan, làm rõ bản chất của vụ án. Phán quyết của Tòa án đã được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, cũng còn có một số ý kiến, quan điểm không phản ánh đầy đủ bản chất vụ án, thể hiện thông tin phiến diện, một chiều, suy diễn chủ quan, che đậy bản chất thật sự của vụ án.

Qua kết quả xét xử vụ án Nguyễn thị Huyền Như và Nguyễn Đức Kiên đã cho thấy rõ: Chỉ những ai vì vụ lợi đã trực tiếp giao dịch, thỏa thuận bất hợp pháp với Huyền Như, bất chấp quy định pháp luật mới bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.  Việc các Ngân hàng, Doanh nghiệp được thành lập nếu chỉ để lấy tiền huy động của dân từ ngân hàng này đem gửi ngân hàng khác trái pháp luật nhắm lấy lãi chênh lệch, tất yếu sẽ  gây lũng đoạn nền tài chính, tiền tệ quốc gia, đẩy lãi suất lên cao giả tạo, làm mất lòng tin của khách hàng. Thực tế cho thấy tất cả hàng triệu khách hàng giao dịch hợp pháp với Vietinbank, tuân thũ đúng các quy định của Nhà nước và ngành ngân hàng đều được bảo vệ quyền lợi và yên tâm giao dịch. Mặc dù xảy ra 2 vụ án vừa qua, lòng tin của khách hàng trong và ngoài nước đối với Vietinbank không hề giãm sút, uy tín của Vietinbank ngày càng nâng cao, thể hiện ở số lượng khách hàng giao dịch từ năm 2011 đến hết năm 2013 tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ tăng gấp đôi, và tăng 40% tại Chi nhánh TP. HCM. Trong nhiều năm liền, Vietinbank đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có những giải thưởng uy tín cao như: Top 500 ngân hàng giá trị nhất thế giới do Tạp chí Banker bình chọn năm 2013. Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất năm 2013 của Tạp chí Viet Nam Report và Viet Nam Net. Top 200 Công ty lớn và quyền lực nhất thế giới 2013 do Tạp chí Forbes bình chọn.

 

Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Cty Hưng Yên đã phát biểu rằng: quyết định của Hội đồng xét xử chấp nhận kết luận và đề nghị của vị đại diện Viện Kiểm sát sẽ làm nức lòng toàn thể nhân viên Cty Hưng Yên và là món quà vô giá mà Hội đồng xét xử tặng cho Công ty Hưng Yên! Về phần mình, chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng phán quyết công minh của Hội đồng xét xử chẳng những sẽ cảnh báo, răn đe những ai vì vụ lợi mà bất chấp quy định của pháp luật, mà còn góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và cải tổ nền tài chính, tiền tệ nước nhà.

 

 Trân trọng cảm ơn Hội đồng xét xử.

Người bảo vệ quyền lợi Vietinbank

Luật sư NGUYỄN VĂN TRUNG

 

"Trong phiên tòa phúc thẩm vụ án Huỳnh thị Huyền Như và đồng phạm...", luật sư Nguyễn Văn Trung (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) đã có bài phát biểu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Vietinbank và bài đối đáp trong phần tranh luận tại phiên tòa. Chúng tôi xin đăng nguyên văn nội dung hai bài phát biểu nói trên để Quý đồng nghiệp, đặc biệt là các tập sự hành nghề luật sư tham khảo."

 

"Trong phiên tòa phúc thẩm vụ án Huỳnh thị Huyền Như và đồng phạm...", luật sư Nguyễn Văn Trung (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) đã có bài phát biểu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Vietinbank và bài đối đáp trong phần tranh luận tại phiên tòa. Chúng tôi xin đăng nguyên văn nội dung hai bài phát biểu nói trên để Quý đồng nghiệp, đặc biệt là các tập sự hành nghề luật sư tham khảo."

Tin tức khác


   Trang sau >>