VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DƯỚI LUẬT: NHỮNG KHIẾM KHUYẾT THƯỜNG GẶP

Văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật: Những khiếm khuyết thường gặp

Luật sư Quách Tú Mẫn

Thời gian qua có nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới luật vừa ban hành đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của người dân vì chứa đựng nhiều nội dung trái pháp luật.

Bài viết này trình bày những điểm trái pháp luật thường gặp trong các văn bản quy phạm pháp luật nói trên và đề xuất những biện pháp khắc phục.

I. Những nội dung trái pháp luật thường gặp:

- Trái với luật được quy định chi tiết thi hành.

Một số không nhỏ Nghị định và Thông tư được ban hành nhằm Quy định chi tiết thi hành” văn bản quy phạm có hiệu lực pháp lý cao hơn nhưng lại sửa luôn nội dung quy định các văn bản này.

Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 chỉ quy định một điều kiện để được miễn thuế là nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất khi chuyển nhượng. Tuy nhiên Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính và Nghị định 65/2013 đã đặt thêm một loạt điều kiện mới để được miễn thuế khi chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất như:

- Phải có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tối thiểu 183 ngày. (điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 65/2013).

- Phải chuyển nhượng toàn bộ nhà ở, quyền sử dụng đất ở. (điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định 65/2013).

- Quy định chuyển nhượng nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai duy nhất không được miễn thuế khi chuyển nhượng. (điểm b.3 khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013 của bộ Tài chính).

Tất cả các quy định trên của Nghị định 65/2013 và Thông tư 111/2013 đều trái với Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 được “quy định chi tiết thi hành”.

- Trái với văn bản quy phạm pháp luật có giá trị hiệu lực cao hơn.

Người ta cũng thường gặp ở Nghị định, Thông tư những nội dung trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật khác lãnh vực nhưng có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Bộ Luật Dân sự 2005 quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người nhận đại diện uỷ quyền chỉ là xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người uỷ quyền. Thế nhưng Nghị định 65/2013 lại quy định ngược với Bộ Luật Dân sự, cho rằng người nhận uỷ quyền chuyển nhượng bất động sản đương nhiên có lợi ích như người chủ sở hữu và phải chịu thêm một lần thuế thu nhập cá nhân (điểm d khoản 5 Điều 3 Nghị định 65/2013).

- Vi hiến

Có quy định không chỉ trái pháp luật mà còn vi phạm đến những quyền hiến định của người dân.

Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định người có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản thực hiện khai thuế theo từng lần phát sinh. Luật Nhà ở 2005 quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là sau khi công chứng giao dịch. Như vậy đối với chuyển nhượng mua bán nhà ở, người bán là đối tượng khai thuế và người mua là người có quyền sở hữu nhà sau khi công chứng hợp đồng mua bán nhà. Tuy nhiên, Thông tư 111/2013 lại quy định người mua chỉ được cơ quan quản lý bất động sản làm thủ tục chuyển quyền sở hữu bất động sản khi người bán đã hoàn thành nghĩa vụ khai và nộp thuế (điểm b khoản 3 Điều 26 Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính).

Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính quy định như trên nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thuế người bán nhưng lại vi phạm trực tiếp quyền sở hữu hiến định của người mua nhà ở.

II. Kiến nghị khắc phục

- Ghi rõ khoản, điều được quy định chi tiết thi hành

Căn cứ vào quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng tất cả các quy định của văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật, Pháp lệnh phải ghi rõ khoản, điều được quy định chi tiết thi hành.

Người ta ghi nhận được rằng trong các Nghị định, Thông tư có những nội dung không được sự đồng thuận của dư luận thường không viện dẫn khoản, điều của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Việc viện dẫn khoản, điều của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn sẽ không chỉ hạn chế nội dung trái pháp luật còn tạo điều kiện cho việc pháp điển hoá hệ thống quy phạm pháp luật trở nên dễ dàng hơn.

- Kiện toàn Ban soạn thảo.

Nhiều ý kiến xác đáng cho rằng Ban soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần được mở rộng cho các thành viên ban ngành khác, các thành viên tổ chức đoàn thể hoạt động độc lập không thuộc cơ quan hành chính Nhà nước tham gia để có ý kiến đa chiều, hạn chế nội dung chủ quan duy ý chí.

Ngoài việc thường xuyên đào tạo cán bộ chuyên trách soạn thảo văn bản pháp lý, các bộ ngành cần mạnh dạn loại bỏ các cá nhân thiếu năng lực, thường xuyên sai phạm trong việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Các bộ ngành cũng cần nghiêm túc tiếp nhận ý kiến cá nhân, dư luận quần chúng đối với nội dung các văn bản quy phạm pháp luật và kịp thời phản hồi.

- Minh bạch thông tin

Cũng có ý kiến cho rằng việc lấy ý kiến đối với việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật là công khai minh bạch nhưng việc tiếp thu ý kiến thì lại không được công bố.

Qua các cuộc hội thảo góp ý văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi cũng ghi nhận, nhiều ý kiến rất hay đã được mọi người tán thưởng, ban thư ký hội thảo ghi chép kỹ lưỡng nhưng sau đó không rõ lý do, những nội dung này lại không được vào văn bản quy phạm pháp luật chính thức ban hành.

Ở các nước ý kiến của các thành viên ban soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật được công bố công khai để người dân theo dõi, đánh giá nhưng cũng để các chuyên gia, sinh viên luật học tập và bình luận các lập luận và học thuyết pháp lý trong các ý kiến đó.

Vì sự phát triển ổn định nền kinh tế đất nước, để bảo đảm tính hệ thống của pháp luật và không ngừng nâng cao trình độ học thuật pháp lý nước nhà, cần khắc phục những khiếm khuyết cố hữu của văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật nói trên, mạnh dạn và nhanh chóng loại bỏ những văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật, duy ý chí bảo vệ quyền lợi cục bộ địa phương, ban ngành, vi phạm quyền cơ bản, hiến định của người dân.

 

Tin tức khác


   Trang sau >>

Tin - bài mới cập nhật













   SỐ LƯỢT TRUY CẬP

9,428,170