BÀI BÀO CHỮA CHO PHẠM CÔNG DANH TẠI PHIÊN TÒA PHÚC THẨM

 


LGT: Quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Trung cùng với 4 luật sư đồng nghiệp bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh có yêu cầu kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM.
Trang Web Đoàn Luật sư xin giới thiệu lại toàn văn bài phát biểu bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Phạm Công Danh để các đồng nghiệp nhất là các đồng nghiệp trẻ và các tập sự hành nghề luật sư tham khảo”.

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Kính thưa hai vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM,

Thưa Quý luật sư đồng nghiệp,

Tôi, Luật sư Nguyễn Văn Trung thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, cùng với 4 luật sư đồng nghiệp bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh có yêu cầu kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM. Tiếp theo phần bào chữa của Luật sư Trần Minh Hải, tôi xin trình bày quan điểm bào chữa của tôi như sau:

Trước hết, tôi vô cùng xúc động và cảm kích hai vị đại diện VKSND cấp cao tại TP. HCM trong suốt quá trình xét hỏi và đã đưa ra Bản kết luận tại phiên tòa hôm nay hết sức công phu, chặt chẽ, nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ mà mục đích cuối cùng là xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội!

 I/-Về căn cứ áp dụng pháp luật:

Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016, về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, tại Điều 1 khoản 4 điểm a quy định: “kể từ ngày 01-7-2016 thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; tiếp tục áp dụng khỏan 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13”.

Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt…, lọai trừ trách nhiệm hình sự… và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.

Điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13, về việc thi hành Bộ luật hình sự 2015, quy định: “Các điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt…. và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0g00 ngày 01-7-2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xỏa án tích”.

Căn cứ các quy định nêu trên, chúng tôi đề nghị Quý Tòa áp dụng đối với tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trong”. Tội danh mà án sơ thẩm quy kết cho bị cáo Phạm Công Danh, vì nghững lý do sau đây:

Bộ luật hình sự 1985 (đã được sửa đổi bổ sung năm 1989, 1991, 1992 và 1997) chỉ quy định 1 tội danh chung cho các hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng” tại Điều 174, không có tôi danh “vi phạm quy định về cho vay trong họat động của các tổ chức tín dụng”. Hành vi vi phạm này thu hút vào tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trong ” và bị xử lý theo Điều 174.

Đến Bộ luật hình sự 1999, nhằm cá thể hóa một bước tội phạm và và hình phạt, phục vụ yêu cầu phòng chống tội phạm kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực tín dụng thời điểm đó, tội phạm cố ý làm trái vẫn duy trì tại Điều 165, nhưng hành vi vi phạm quy định về cho vay trong họat động của các tổ chức tín dụng được tách ra xử lý bằng 1 tội danh riêng theo Điều 179.

Đến Bộ luật hình sự 2015, đã xóa bỏ tội phạm “cố ý làm trái quy định….” Thay vào đó đã cá thể hóa tội phạm và hình phạt một cách toàn diện bằng bổ sung các tội danh có các yếu tố cấu thành cụ thể cho từng tội phạm. Đối với tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong họat động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179-Bộ luật hình sự 1999, được thay thế bằng tội “vi phạm quy định trong họat động của các tổ chức tín dụng” tại Điều 206 Bộ luật hình sự 2015.

Vì vậy, căn cứ điểm 2 Điều 107 và Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc Hội.

 II/-Về tên gọi “Nhóm Trần Ngọc Bích”, “Nhóm Dr Thanh”:

Tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa cho biết Trần Ngọc Bích có đơn đề nghị không dùng từ “Nhóm Trần Ngọc Bích” “Nhóm Dr Thanh” và ông Trần Quí Thanh “không hài lòng” gọi nhóm “Trần Quí Thanh” nên đề nghị không gọi “Nhóm Trần Quí Thanh’ hoặc “Nhóm Trần Ngọc Bích”!

Chúng tôi nhận thấy, trong vụ án này, Bản kết luận điều tra đã xác định rõ có 3 nhóm: “Nhóm Phú Mỹ”, “Nhóm tập đoàn Thiên Thanh” và “Nhóm Dr Thanh”. Cáo trạng thay “Nhóm Dr Thanh” bằng “Nhóm Trần Ngọc Bích”. Trong đơn kháng cáo và đơn kêu cứu ngày 28-7-2016, Bà Trần Ngọc Bích đã sử dụng từ “nhóm chúng tôi”, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 04-01-2017 các luật sư của ông Trần Quí Thanh và bà Trần Ngọc Bích cũng sử dụng từ “Nhóm bà Trần Ngọc Bích”. Tại trang 5 “Đơn kêu cứu” đề ngày 28-7-2016, bà Trần Ngọc Bích xác nhận: “Toàn bộ số tiền đang bị kê biên là tài sản tích lũy của chúng tôi qua hơn 20 năm kinh doanh hợp pháp. Chúng tôi đã tạo ra những thương hiệu sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam cạnh tranh thành công với các thương hiệu lớn của thế giới”. Bà Bích sinh năm 1984, tài sản tích lũy hơn 20 năm, thương hiệu “Dr Thanh-Tân Hiệp Phát” chắc chắn không phải do bà Bích tạo nên.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng gọi “Nhóm Dr Thanh”, hay sử dụng đúng ngôn ngữ tiếng Việt là “Nhóm Trần Quí Thanh” như kết luận điều tra là chính xác, nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, tòan diện và đầy đủ.

 III/-Về hành vi và hậu quả thiệt hại:

1/-Về phạm vi trách nhiệm của Phạm Công Danh:

Bản án sơ thẩm (cuối trang 134 đầu trang 135) cũng đã nhận xét: “Ngày 20-02-2013 tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Ngân hàng Đại Tín đăng ký thay đổi lần thứ 25 thể hiện bị cáo Danh là Chủ tịch HĐQT-đại diện pháp luật ngân hàng Đại Tín. Mặt khác, các hành vi cáo trạng VKSND tối cao truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước vê quản lý kính tê gây hậu quả nghiêm trọng” đều xảy ra sau ngày 20-02-2013”. Đến ngày 28-12-2012 việc phê duyệt cho 2 Công ty Thịnh Quốc và Đại Hoàng Phương vay vẫn do HĐQT và Hội đồng tin dụng cũ của Ngân hàng Đại Tín quyết định.

Tính đến cuối tháng 12/2012, theo báo cáo tài chính của VNCB (đã kiểm toán), kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 11.348,2tỷ, vốn chủ sở hữu âm 8.293,5tỷ đồng. Trách nhiệm này là thuộc HĐQT cũ của Ngân hàng Đại Tín. Rõ ràng tại thời điểm cuối năm 2012, trước khi bị cáo Danh đảm nhận chức vụ Chủ tịch NHĐT, thì VNCB chẳng những đã mất hết vốn điều lệ mà giá trị cổ phần của VNCB đã bị âm gần 20.000đ/cổ phần. Trong tình hình như vậy, đáng lý ra phải mua 0 đồng/cổ phần. Vậy mà Phạm Công Danh và tập đòan Thiên Thanh lại dám đứng ra mua lại Ngân hàng Đại Tín với giá 4.619,61tỷ đồng, đồng thời ra sức huy động toàn bộ vốn liếng, tài sản cá nhân, gia đình và của Tập đòan Thiên Thanh, phải vay nóng trả lãi ngòai cắt cổ đổ vào Ngân hàng Đại Tín gần 10.000tỷ đồng, nhằm đảm bảo thanh khoản, duy trì họat động của 112 đơn vị, bao gồm Hội sở, 1 Sở giao dịch, 21 chi nhánh, 76 Phòng giao dịch, 12 Quỹ tiết kiệm và 01 điểm giao dịch, ổn định đời sống của 1.418 cán bộ nhân viên trong cả nước. Để rồi chỉ hơn 2 năm sau, ngày 05-3-2015 Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc VNCB với giá 0đồng/cổ phần, đổi tên là CB, được kế thừa tòan quyền đòi nợ của VNCB, quản lý tòan bộ tài sản đang thế chấp tại VNCB để thu hồi nợ. Gần 2 năm sau ngày mua lại 0đồng/cổ phần, mới đây Ngân hàng Nhà nước vừa công bố mục tiêu trong năm 2017 là tập trung xử lý 5 ngân hàng yếu kém trong đó có CB! Phải chi Ngân hàng Nhà nước ra tay mua lại 0đồng/cồ phần ngay từ cuối năm 2012, sau khi có kết luận thanh tra và Báo cáo tài chính 2012, thì đến nay CB có lẽ đã họat động ổn định, vụ án Phạm Công Danh đã không xảy ra và những người đứng trước vành móng ngựa hôm nay nếu có, cũng không phải là các bị cáo này!

Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) là thuộc quyền sở hữu của Tập Đòan Thiên Thanh và một số cá nhận do Phạm Công Danh làm đại diện. Họat động của VNCB đặt dưới sự giám sát chặc chẽ của Tổ Giám sát Ngân hàng Nhà nước. Tài sản của VNCB và các tài sản VNCB nhận thế chấp để đảm bảo nợ vay vẫn còn nguyên vẹn đó. Vậy thì căn cứ vào đâu để kết luận Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB 9.000 tỷ đồng? Mà nếu VNCB bị thiệt hại thì rõ ràng Tập Đoàn Thiên Thanh, cá nhân Phạm Công Danh và 12 công ty có tài sản thê chấp tại VNCB mới chính là người phải gánh chịu hậu quả và bị thiệt hại trước hết!

2/-Về hành vi “vi phạm các quy định cho vay”:

Về các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội “vi phạm các quy định cho vay” luật sư đồng nghiệp của chúng tôi đã trình bày chi tiết, đầy đủ. Tôi chỉ trình bày phần định giá tài sản thế chấp và hậu quả khắc phục thiệt hại.

        a/-Về định giá tài sản thế chấp:

        Bản án sơ thẩm (tại trang 147 và 148) nhận định:

        -Về chứng thư thẩm định giá của Công ty DATC Bộ Tài Chính xác định giá trị của các lô đất là 10.414,686tỷ đồng, mức giá mà chứng thư đưa ra là hoàn toàn dựa trên các thông số giả định khi hoàn thành dự án. Tuy nhiên, về thực tế thì dự án này chưa được thông qua, chưa được triển khai nên các thông số giả định mà chứng thư đưa ra là chưa bảo đảm do đó chưa đủ cơ sở để xem xét là chính xác.

        -Về kết luận định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự TP Đà Nẳng, mức giá mà kết luận định giá chỉ dựa trên bảng giá đất do UBND TP Đà Nẳng ban hành mà không kết hợp với các thông số khác là chưa khách quan, không theo sát giá thị trường. Do đó, Hội đồng xét xử không thể áp dụng kết luận định giá này để xác định hậu quả của vụ án.

        -Về chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần thông tin và thẩm định giá Miền Nam (SIVC) xác định giá trị 2.604.070.562.200đồng, phương pháp thẩm định là phương pháp so sánh, mức giá mà chứng thư đưa ra có tham khảo đầy đủ các thông số với mức giá thị trường cao hơn mức giá theo kết luận định giá của Hội đồng thẩm định giá trong tố tụng hình sự TP Đà Nẵng.

Từ những phân tích trên để đảm bảo nguyên tắc có lợi nhất cho các bị cáo Hội đồng xét xử chấp nhận sử dụng chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần thông tin và thẩm định giá Miền Nam làm cơ sở xác định hậu quả của vụ án như truy tồ của VKSNDTC là có căn cứ”. Án sơ thẩm kết luận: “Phạm Công Danh đã thông qua các công ty do bị cáo thành lập đi vay tiền của Ngân hàng VNCB để sử dụng trái phép (rút trái pháp luật) khỏan tiền 4.700tỷ đồng của Ngân hàng VNCB nhưng do có tài sản đảm bảo cho các khỏan vay này nên được xem xét đổi trừ và bị cáo chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền là 2.095tỷ đồng”. Chúng tôi xin có ý kiến như sau:

Theo quy định tại các Điều 336, 338 và 355 Bộ Luật Dân sự; Điều 56 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; khỏan 1 Điều 25 Quy chế cho vay 1627 của Ngân hàng Nhà nước: Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà bên có nghĩa vụ trả nợ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thỏa thuận thì TSTC được xử lý theo phương thức do các bên thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ. Tiền bán TSTC được ưu tiên thanh toán cho bên nhận thế chấp, nếu còn thừa thì phải trả lại cho bên thế chấp, nếu còn thiếu thì bên thế chấp phải trả tiếp phần còn thiếu.

Tài sản thế chấp cho các khoản vay theo quy định tại các khỏan vay là “Quyền sử dụng đất Dự án khu phức hợp dịch vụ thương mại cao tầng tại khu vực Sân vận động Chi Lăng, Hải Châu II, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẳng”, đã được cấp giấy CNQSD đất và đăng ký giao dịch bảo đảm hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Thời điểm cho vay, theo chứng thư thẩm định giá ngày 24-12-2012 của Cty CP tư vấn, dịch vụ về tài sản, bất động sản DATC-Bộ Tài chính thì tổng giá trị quyền sử dụng đất là 10.414.687.000.000đồng.

Điều 115 Luật Đất đai quy định:

-Tư vấn xác định giá đất được thực hiện khi thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến giá trị đất cụ thể mà các bên có yêu cầu (điểm c khoản 1 Điều 115).

-Việc xác định giá đất của tư vấn xác định giá đất phải độc lập, khách quan, trung thực và tuân theo nguyên tắc, phương pháp định giá đất quy định tại Điều 112 của Luật này (khoản 3 Điều 115).

Điều 112 Luật Đất đai khỏan 1 quy định: Việc định giá đất đai bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

        a)Theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá.

        b)Thời hạn sử dụng đất

        c)Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của lọai đất có cùng mục đích sử dụng.

Đối với các lô đất thế chấp, UBND TP Đà Nẳng đã có Quyết định số 6638/QĐ-UB ngày 06-9-2010 phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại khu vực Sân vận động Chi Lăng.

Ngày 09-9-2010 UBND. TP. Đà Nẳng đã có Quyết định số 6836/QĐ-UBND thu hồi khu đất để thực hiện chủ trương xây dựng khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng. Ngày 12-10-2010, Chủ tịch UBND. TP Đà Nẳng đã có văn bản số 6381/UBND-QLĐTH đồng ý cho phép Tập Đòan Thiên Thanh được đầu tư vào dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại khu vực Sân vận động Chi Lăng theo ranh giới sử dụng đất được UBND. Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6638/QĐ-UBND ngày 06-9-2010. Ngày 20-01-2011, UBND TP. Đà Nẳng có Quyết định số 704/QĐ-UBND phê duyệt sơ đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại khu vực Sân vận động Chi Lăng cho Cty TNHH Tập đòan Thiên Thanh. Mặc dù cùng ngày 13/9/2010, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành 4 Quyết định (từ số 6966 đến số 6669/QĐ-UBND), về việc phê duyệt tỷ lệ quy hoạch chi tiết 1/500 các Khu tái định cư để thực hiện việc tái định cư cho các hộ giải tỏa giải phóng mặt bằng thuộc Khu vực dự án, nhưng thực tế chi phí đền bù giải tỏa di dời do Tập đoàn Thiên Thanh chi trả. Ngày 25/01/2011, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn số 482/UBND-ĐBGT nói rõ:

1.            Đồng ý chủ trương giữ lại nguyên trạng một số công trình hiện hữu trên khu vực đất dự án sau khi chi trả tiền đền bù để Cty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng triển khai các khu vực chức năng như: Văn phòng làm việc của các Ban quản lý dự án, , Văn phòng giao dịch, kho nguyên vật liệu thi công, cụ thể:

a) Các khu nhà giáp 4 mặt tiền đường Hùng Vương- Ngô Gia Tự- Triệu Nữ Vương- Lê Duẫn (nằm trong khoảng lùi của công trình chính).

b) Một số công trình bên trong Sân vận động Chi Lăng (sẽ phá dỡ bỏ những hạng mục không cần thiết).

2. Yêu cầu Cty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh làm việc trực tiếp với UBND quận Hải Châu, Ban Giải tỏa đền bù các dự án ĐT-XD số 1, Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng  và các đơn vị liên quan:

a) Thống nhất xác định cụ thể các khu vực cần giữ lại để có kế hoạch bàn giao mặt bằng hợp lý.

b) Xác định giá trị hỗ trợ lại cho các chủ sử dụng thay vì tháo dỡ, tận thu tài sản; đồng thời có kế hoạch phân trách nhiệm cụ thể giữa chủ đầu tư và Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án, báo cáo UBND Thành phố quyết định để có cơ sở triển khai thực hiện.

           Trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư thì việc đền bù giải tỏa nhà phố cư dân, giải phóng mặt bằng là khâu căng thẳng nhất, tốn kém nhất! Đây lại là khu vực đắc địa Trung tâm thành phố với 4 mặt tiền trục đường chính. Vì vậy chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đối với gần 100 hộ dân  4 mặt phố mà Tập đoàn Thiên Thanh đã phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng, nhưng không thể hạch toán sổ sách.

  Ngày 28-01-2011, UBND TP. Đà Nẳng đã cấp 10 Giấy CNQSD đất cho 10 Cty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, Giấy CNQSD đất ghi rõ mục đích sử dụng đất là “Đầu tư dự án khu phức hợp dịch vụ cao tầng (theo đơn giá đất ở)” với thời hạn “sử dụng lâu dài”.

Ngày 07-6-2012, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẳng có văn bản số 4060/UBND-KTTA xác nhận Cty TNHH Tập đòan Thiên Thanh đã hòan thành các nghĩa vụ tài chính, nhằm tạo điều kiện cho Cty TNHH Tập đòan Thiên Thanh triển khai thực hiện đầu tư phát triển dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại khu vực Sân vận động Chi Lăng.

Chứng thư thẩm định giá ngày 24-12-2012 của DATC Bộ tài chính ghi rõ:

-Tài sản thẩm định giá: Giá trị quyền sử dụng đất Dự án khu phức hợp Dịch vụ cao tầng tại khu vực Sân vận động Chi Lăng, Hải Châu II, quận Hải Châu, TP. Đà Nẳng.

-Mục đích thẩm định giá: Làm cơ sở tham khảo cho mục đích thế chấp vay vốn ngân hàng góp vốn liên doanh.

-Cơ sở thẩm định giá: Giá thị trường

-Kết quả thẩm định giá: Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do Cty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh cung cấp; qua khảo sát thực tế hiện trạng của bất động sản, tham khảo đơn giá xây dựng, giá bán căn hộ chung cư trên thị trường. Sử dụng các phương pháp thẩm định giá trong tính toán; Cty cổ phần tư vấn-Dịch vụ về tài sản-Bất động sản DATC thông báo kết quả thẩm định giá như sau: Tổng giá trị quyền sử dụng đất của Dự án khu phức hợp Dịch vụ cao tầng tại khu vực sân vận động Chi Lăng, Hải Châu II, quận Hải Châu, TP. Đà Nẳng là: 10.414.687.000.000đồng.

-Kết quả thẩm định giá chỉ xác nhận khi người sử dụng đất các lô đất đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính đất đai theo quy định của Nhà Nước và thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án.

-Kết quả thẩm định giá được sử dụng làm cơ sở tham khảo cho mục đích thế chấp vay vốn ngân hàng hoặc góp vốn liên doanh. Không sử dụng kết quả thẩm định giá cho mục đích khác.

Công ty DATC-Bộ Tài Chính là 1 tổ chức có chức năng và uy tín trong tư vấn thẩm định giá. Nội dung chứng thư thẩm định giá hoàn toàn phù hợp quy định tại Điều 112 Luật Đất đai về mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, giá đất thị trường và mục đích thẩm định giá. VNCB căn cứ kết quả thẩm định giá này cho vay là đúng pháp luật.

Sau khi vụ án xảy ra, Phạm Công Danh bị bắt tạm giam. Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà Nuớc, ngày 04-9-2014 Cty CP Thông tin thẩm định giá Miền Nam (SIVC) có chứng thư thẩm định giá cùng khu đất trên, với nội dung sau:

-Tài sản thẩm định giá: Quyền sử dụng đất

-Mục đích thẩm địnhgiá: làm cơ sở xác định giá trị tài sản theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà Nước.

-Thời điểm định giá: tháng 9-2014 (sau khi vụ án xảy ra và tài sản đã bị kê biên theo lệnh kê biên số 06/C46 (P10) ngày 21-8-2014).

-Phương pháp thẩm định giá: phương pháp so sánh

-Kết quả thẩm định giá: 2.604.070.565.200đồng

-Kết quả thẩm định giá chỉ phục vụ cho mục đích duy nhất là làm cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nứơc, SIVC không chịu trách nhiệm khi khách hàng sử dụng kết quả thẩm định giá này cho bất kỳ mục đích nào khác.

-Mức giá nêu trên chỉ được xác nhận tại thời điểm định giá, với các chính sách quản lý của Nhà Nước hiện tại có liên quan. Trong trường hợp chính sách của Nhà nước thay đổi có thể làm cho các mức giá trên thay đổi (nghĩa là định giá theo chính sách quản lý đất đai của Nhà Nước, không theo giá thị trường)

-Những hạn chế của kết quả thẩm định giá:

        +Khách hàng yêu cầu thẩm định giá không phải là chủ sở hữu tài sản, không cung cấp giấy ủy quyền của chủ sơ hữu đồng ý cho VNCB thẩm định giá với mục đích làm cơ sở xác định giá trị tài sản theo yêu cầu của NHNN.

        +Tại thời điểm thẩm định giá, trong khu vực tài sản thẩm định giá có những tài sản được đưa ra giao dịch trên thị trường nhưng không hòan tòan tương đồng với tài sản thẩm định giá nên khó có sự lựa chọn tốt nhất để so sánh với tài sản thẩm định gốc.

Cty SIVC định giá theo phương pháp so sánh, nhưng xác nhận trong khu vực tài sản thẩm định giá không có tài sản tương đồng với tài sản thẩm định giá (dự án…) nên khó so sánh thì làm sao định giá được? Cty SIVC định giá theo yêu cầu của NHNN và chỉ thẩm định giá trị quyền sử dụng đất ở theo chính sách Nhà nuớc, không thẩm định giá trị QSD đất thuộc Dự án đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với Nhà Nước và đã thực hiện giải phóng mặt bằng trên tòan bộ dự án theo giá thị trường. Vì vậy, giá trị QSD đất do SIVC thẩm định không phù hợp Điều 112 Luật Đất đai, không thể hiện được giá thị trường của đất Dự án. Như vậy, để đảm bảo nguyên tắc có lợi nhất cho các bị cáo như án sơ thẩm xác định, thì tại sao không chấp nhận chứng thư thẩm định của DATC Bộ Tài Chính, hay chí ít là chấp nhận giá trung bình cộng của DATC và SIVC là 6.509.378.782.600đồng, hoặc lấy trung bình cộng của 3 tổ chức thẩm định giá thì cũng là 4.759.881.550.000đồng! Thế còn giá trị thực theo thị trường của tài sản ở đâu? Chỉ có thể xác định thông qua tổ chức đấu giá phát mãi theo quy định của pháp luật. Nếu phát mãi thu hồi nợ mà còn dư tiền so với số nợ được bảo đảm thì rõ ràng Phạm Công Danh và 10 Công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh không phạm tội, phải khôi phục quyền lợi và trả lại tiền còn thừa cho chủ tài sản thế chấp mới đúng luật và hợp lẽ công bằng.

Tóm lại, việc cho 12 Cty có đầy đủ tư cách pháp nhân độc lập vay theo đúng quy trình, quy chế cho vay, tài sản bảo đảm đã được Cty DATC Bộ tài chính định giá cao hơn nhiều so với khoản vay. Đến nay mặc dù các khỏan vay đã quá hạn, nhưng do xảy ra vụ án các tài sản thế chấp bị kê biên, chưa xử lý phát mại thu hồi nợ nên chưa có đủ căn cứ quy kết bị cáo Danh vi phạm quy định cho vay gây thiệt hại cho VNCB với số tiền 2.095.929.434.800đồng.

b/-Về việc khắc phục hậu quả thiệt hại:

Án sơ thẩm (trang 160) đã xác định: “Tổng số tiền 4.700tỷ các công ty thuộc tập đòan Thiên Thanh vay tại Ngân hàng Xây dựng qua điều tra và diễn biến tại phiên tòa xác định được Phạm Công Danh sử dụng số tiền nói trên như sau:

        -Trả nợ Ngân hàng BIDV số tiền 2.600 tỷ đồng

        -Trả nợ cho nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện số tiền 135 tỷ đồng

                  -Trả cho Nguyễn Tấn Lộc (nhóm bà Trần Ngọc Bích) số tiền 119tỷ619triệu200ngàn đồng.

        -Trả nợ cho ông Trầ Quí Thanh 500 tỷ đồng.

Tổng cộng: 3.354tỷ 619triệu 200ngàn đồng.

Tòan bộ số tiền này là do hành vi vi phạm quy định cho vay mà có. Án sơ thẩm không thu hồi số tiền 2.600tỷ trả cho BIDV; chỉ thu hồi số tiền trả cho nhóm Phú Mỹ, nhóm Trần Ngọc Bích và ông Trần Quí Thanh theo tỷ lệ thiệt hại (4.700tỷ - 2.600tỷ/4.700tỷ) là hòan tòan không có căn cứ, trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Phạm Công Danh và VNCB. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định thu hồi tòan bộ số tiền này. Việc thu hồi toàn bộ số tiền 3.354.619.200.000đồng sẽ làm giãm thất thóat xuống còn (4.700.000.000.000đ – 3.354.619.200.000đ) = 1.345.380.800.000đ. Như vậy, nếu đổi trừ giá thẩm định tài sản thế chấp theo án sơ thẩm là 2.604.070.565.200đồng, thì hậu quả của hành vi vi phạm cho vay chẳng những được khắc phục hòan tòan mà còn dôi ra 1.258.689.765.200.đ! Đó là chưa kể nếu tính theo giá thẩm định của DATC hoặc giá trung bình cộng của DATC và SIVC thì số tiền dôi ra còn cao hơn nhiều. Vì vậy, kính đề nghị Hội đồng xét xử đặc biệt quan tâm đến các ý kiến trên đây của chúng tôi với đề nghị hậu quả thiệt hại đối với hành vi vi phạm quy định cho vay 4.700tỷ đồng được khắc phục hòan tòan.

3/-Đối với hành vi rút 3.100tỷ đồng ngày 21-8-2013 và 2.090tỷ đồng ngày 26-8-2013 không có chữ ký của chủ tài khoản. Rút 300tỷ đồng không có hồ sơ vay liên quan nhóm Trần Ngọc Bích, gây thiệt hại cho VNCB 5.490tỷ đồng

        a/-Đối với số tiền 3.100tỷ và 2.090tỷ đồng, tổng cộng 5.190tỷ đồng:

Trong quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, trong đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm bà Trần Ngọc Bích đều cho rằng không hề có giao dịch cho vay tiền đối vơi Phạm Công Danh, chỉ cho bà Phạm Thị Trang vay tiền, lần cuối cùng cho bà Trang vay tiền là tháng 10-2013 số tiền là 450tỷ đồng, thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại thị trấn Long Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Số tiền 5.190tỷ đồng chuyển vào tài khoản ông Trần Quí Thanh các ngày 21/8/2013 và 26/8/2013 là của bà Phạm Thị Trang trả nợ, đã được ông Trần Quí Thanh dùng tất toán các hợp đồng vay ngày 21/6, 26/7 và 30/7/2013. Còn số tiền 5.190tỷ do nhóm bà Bích cầm cố 118 sổ tiết kiệm vay trong 2 ngày 21/8/2013 và 26/8/2013 đã được bà Bích gửi lại bằng 3 hợp đồng tiền gửi kỳ hạn 01 tháng do bà đang giữ bản chính. Vì vậy, bà Trần Ngọc Bích và ông Trần Qui Thanh đều kháng cáo cho rằng các khoản vay ngày 21/6 – 26/7 và 30/7/2013 đã được tất tóan, nên yêu cầu dùng 3 hợp đồng tiền gửi để tất toán các khoản vay ngày 21/8/2013 – 26/8/2013 để lấy lại 118 số tiết kiệm.

Thực tế, theo hồ sơ lưu trư tại VNCB, diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cho thấy vào 2 ngày 21/8/2013 và 26/8/2013 tài khỏan của Trần Ngọc Bích chỉ nhận duy nhất các khoản tiền tổng cộng 5.190tỷ từ cầm cố 118 sổ tiết kiệm chuyển vào, và tòan bộ số tiền này được chuyển vào tài khoản Phạm Công Danh. Cùng thời điểm nhận được các khoản tiền từ tài khoản của bà Trần Ngọc Bích, Phạm Công Danh đã lần lượt chuyển toàn bộ số tiền 5.190tỷ và 81tỷ (tiền riêng của mình) tổng cộng 5.271tỷ (số tròn) vào tài khỏan của Trần Quí Thanh. Lý do ông Danh chuyển dôi ra số tiền 81tỷ này chính là tiền lãi của các khoản vay 5.190tỷ các ngày 21/6 – 26/7 và 30/7/2013 mà ông Danh phải trả thay nhóm Trần Quí Thanh. Thời điểm này tài khoản của ông Trần Quí Thanh cũng chỉ duy nhất nhận được các khoản tiền tổng cộng 5.271 tỷ đồng từ tài khoản ông Phạm Công Danh, không hề có khoản tiền nào khác hoặc của bà Phạm thị Trang chuyển vào. Ông Trần Quí Thanh đã dùng khỏan tiền này tất toán các khỏan vay ngày 21/6 – 26/7 và 30/7/2013. Qua diễn biến trên cho thấy rõ:

-Trong các ngày 21/8 và 26/8/2013 tài khỏan của bà Trần Ngọc Bích chỉ  nhận được duy nhất khoản tiền 5.190tỷ và đã chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh thì lấy đâu ra 5.190tỷ nữa để thực hiện 3 Hợp đồng tiền gửi? Ba Hợp đồng tiền gửi này là khống, không có trong sổ sách VNCB. Bà Bích dùng 3 Hợp đồng tiền gửi này để kiện đòi VNCB tại TAND Quận 3. Vì vậy không có căn cứ giải quyết trong vụ án này.

-Do bà Bích phủ nhận việc chuyển 5.190tỷ từ tài khoản của mình qua tài khoản Phạm Công Danh, nên khi khôi phục lại khoản tiền này trả lại tài khỏan bà Bích thì tất nhiên các khoản tiền vay ngày 21/6 – 26/7 và 30/7/2013 cũng phải được khôi phục vì chưa tất toán.

-Án sơ thẩm (trang 181) cũng nhận định: “Hội đồng xét xử qua việc đánh giá toàn diện hồ sơ vụ án và quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa xét thấy có đủ căn cứ để xác định có mối quan hệ vay mượn của Phạm Công Danh đối với ông Trần Quí Thanh, nhóm Trần Ngọc Bích vào các ngày 21/6 – 26/7; 30/7/2013….Vào 2 ngày 21 và 26/8/2013 bị cáo Phạm Công Danh cùng các đồng phạm đã thực hiện việc chuyển trái phép số tiền 5.190tỷ từ tài khoản của Bích sang tài khoản của Danh và tài khoản chung của Tùng và Khương…Tuy nhiên việc chuyển tiền từ tài khoản Bích sang tài khoản của bị cáo Danh vào 2 ngày 21/8 và 26/8 như đã nhận định là hành vi trái pháp luật”. Như vậy, việc nhóm Trần Ngọc Bích cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền theo phương án vay vốn là làm kinh tế gia đình nhưng đều cho Danh vay lại (vi phạm mục đích sử dụng vốn vay) và việc chuyển tiền từ tài khoản bà Bích sang tài khoản ông Danh không có sự đồng ý của bà Bích để tất toán các khoản vay trước của nhóm Trần Ngọc Bích. Theo kết luận điều tra, cáo trạng và sự thừa nhận của các bên liên quan, thì giao dịch giữa nhóm Trần Quí Thanh-VNCB-Phạm Công Danh đã diễn ra từ 28-12-2012 đến 30-7-2013. đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của Nhóm Trần Quí Thanh với tổng số tiền VNCB đã giải ngân là 17.761,5tỷ đồng, trong đó có 16.260,5tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Phạm Công danh được Danh sử dụng: trả nợ cho nhóm Phú Mỹ 2.079,606tỷ đồng, chuyển lại cho Nhóm Trần Quí Thanh 9.608,873tỷ đồng để tất toán các khoản vay trước đó. Như vậy, giao dịch 5.190tỷ đồng diễn ra vào 02 ngày 21/8/2013 và 26/8/2013 nhằm tất toán các khoản vay ngày 21/6,  26/7/2013 và 30/7/2013 là trái pháp luật thì phải xác định sự thật toàn bộ giao dịch từ đầu đến 30/7/2013 cho dù đã tất toán cũng là vi phạm pháp luật, không thể cắt khúc giai đọan đầu là dân sự, giai đọan cuối cùng (cũng là để tất toán giai đọan truớc) là hình sự, làm mất đi tính khách quan, toàn diện và đầy đủ, đồng thời không thu hồi được các khoản tiền thu nhập bất chính trước đó. Rõ ràng đối với khỏan tiền 5.190 tỷ đồng này, VNCB không bị thiệt hại mà còn được lợi do thu hồi nợ đã cho vay trước đó; Bà Trần Ngọc Bích cũng không bị thiệt hại mà còn được lợi vì đã trả được nợ các khoản vay 21/6-26/7 và 30/7/2013 và được lãi 81 tỷ đồng. Chỉ có Phạm Công Danh là bị thiệt hại. Tại phần kết luận của Đại diện VKSND Cấp cao tại TP. HCM xác định Trần Ngọc Bích và Trần Quí Thanh biết rõ việc chuyển tiền này. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét không quy kết Phạm Công Danh chịu trách nhiệm về số tiền này.

-Bà Bích luôn khẳng định không có quan hệ cho vay đối với ông Danh, chỉ có cho bà Phạm Thị Trang vay. Thế nhưng tại “Đơn tường trình và đề nghị cứu xét” đã được Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sanfrancisco Hoa Kỳ chứng nhận ngày 13-9-2016, bà Phạm Thị Trang khẳng định chỉ là người giới thiệu cho ông Danh gặp ông Trần Quí Thanh thông qua Vũ Anh Tuấn để vay tiền và chi trả thêm lãi ngòai. Ông Danh có nhờ bà Trang vay của bà Bích số tiền 450tỷ đồng, thế chấp bằng bất động sản “Thiên Thanh Long Hải” bằng hợp đồng vay ngày 11-10-2013. Hợp đồng này đã tất toán, bà Bích đã ký nhận đủ tiền vay, có ông Vũ Anh Tuấn ký tên làm chứng.

b/-Đối với việc rút số tiền 300tỷ đồng bằng hình thức vay cầm cố 6 sổ tiết kiệm đứng tên cá nhân nhóm Trần Quí Thanh nhưng không có hồ sơ vay bản gốc lưu tại VNCB:

Nhân viên của Tập Đoàn Tân Hiệp Phát (Trần Hoài Phục, Nguyễn Thị Mỹ Dung và Ngô Bích Thùy Trang) xác nhận cùng ngày 19-12-2013 họ có gửi số tiền 303,5tỷ đồng để nhận 6 sổ tiết kiệm (nguồn gốc tiền này là của Ông Trần Quí Thanh, lãi tiết kiệm cũng được trả trực tiếp vào TK của Ông Trần Quí Thanh tại VNCB). Họ cho rằng do họ có dự định cầm cố STK vay vốn kinh doanh nên cả 3 người này đều đã đưa 6 STK cho VNCB để vay tiền. Sau đó họ đổi ý không vay nhưng vẫn để 6 STK này cho VNCB “giữ hộ”. Họ không thừa nhận họ có ký Hợp đồng vay vốn. Họ yêu cầu trả lại 6 STK.

Lập luận này của họ là không có căn cứ, không phù hợp thực tế giao dịch diễn ra giữa nhóm Trần Ngọc Bích và Ông Phạm Công Danh. Bằng chứng là:

        -Xuyên suốt quá trình giao dịch cho vay giữa nhóm Trần Quí Thanh với Phạm Công danh thông qua VNCB đều bằng hình thức: Nguồn tiền từ Ông Trần Quí Thanh giao cho các nhân viên Tập Đoàn Tân Hiệp Phát gửi tiết kiệm  vào VNCB, dùng STK cầm cố lại VNCB vay tiền rồi dùng tiền này cho ông Danh vay bằng chuyển khỏan vào TK Danh hoặc cá nhân khác do ông Danh chỉ định. Việc Ông Thanh, Bà Bích và 3 nhân viên trên cho rằng Ông Thanh cho 3 nhân viên mượn tiền để “hợp tác đầu tư” vào chính các dự án của Tân Hiệp Phát (mượn tiền Tân Hiệp Phát để đầu tư vào Tân Hiệp Phát) là không có căn cứ, chính họ cũng xác nhận có “dự định” cầm cố STK để vay tiền nên mới nộp STK cho VNCB xét duyệt cho vay.

        -Các bản fax Hợp đồng, giấy đề nghị vay vốn có chữ ký của họ từ Tân Hiệp Phát là bằng chứng. Nếu họ không vay tại sao họ không lấy lại STK mà đến nửa năm sau khi VNCB bị thanh tra đột xuất họ mới đòi lại STK?

        -Tại “Bản tường trình và kiến nghị” ngày 16-9-2014 gởi CQCSĐT-Bộ CA (BL 012001-012006) Ông Trần Quí Thanh khai: “Ngòai 118 STK đang cầm cố, còn có 6 STK trị giá 303,5tỷ đồng của 3 người là Ngô Bích Thùy Trang, Trần Hòai Phục và Nguyễn thị Mỹ Dung gửi tại VNCB ngày 19-12-12013 cũng chưa được VNCB giao trả. Cả 6 STK của 3 người này đều có kỳ hạn 12 tháng như các STK khác của chúng tôi gửi tại VNCB, lãi được VNCB trả hàng tháng! Sau đó, vì dự định cầm các STK này để vay vốn nên 3 người này đã đưa 6 STK cho VNCB để xét duyệt vay (nghĩa là đã có hồ sơ vay), nhưng sau khi cân nhắc thấy chưa có nhu cầu sử dụng vốn ngay nên 3 người này đã không tiếp tục tiến hành thủ tục vay và 6 STK này hiện vẫn do VNCB giữ hộ”.

Tại “Thư phản ánh về họat động của Đòan công tác Ngân hàng Nhà nước ngày 18-8-2014 (BL 011946-011947), Trần Ngọc Bích khai: “Những người này từng chuyển 6 STK này cho VNCB giữ vì dự định cầm cố vay vốn để kinh doanh, nhưng sau đó kế hoạch kinh doanh có thay đổi họ quyết định chưa vay và vẫn để lại STK này cho VNCB giữ hộ”.

Trong khi đó 3 cá nhân đứng tên 6 STK khai như sau:

        -Tại Biên bản ghi lời khai ngày 24-9-2014 (BL 012972-012973) Trần Hòai Phục khai; “Sau khi mở STK cuối tháng 12/2013, tôi có dự định đầu tư kinh doanh nên dùng STK tại VNCB thế chấp để vay vốn. Tôi có nhờ chị Trần Ngọc Bích tư vấn để làm chủ tục vay nên đã đưa STK cho chị Bích giữ. Sau đó chị Bích có chuyển cho VNCB để họ làm thủ tục, tuy nhiên sau đó tôi lại không có nhu cầu vay vốn nên tôi không ký giấy tờ gì với VNCB. Sau đó chị Bích có tư vấn cho tôi để các giấy tờ và  STK tại VNCB, khi nào cần vay vốn thì làm thủ tục cho nhanh”.

        -Tại Biên bản ghi lời khai ngày 24-9-2014 (BL 012974-012975), Nguyễn Thị Mỹ Dung khai: “Việc gửi tiền tiết kiệm tại VNCB CNSG cụ thể như sau: ngày 19-12-2013, tôi Dung từ Công ty đi xuống VNCB Chi nhánh Sài Gòn, tại đây tôi được một người nam trẻ là nhân viên kế toán của Công ty Tân Hiệp Phát rút tiền (Vũ Anh Tuấn?) từ VNCB khoản tiền 103tỷ đồng, số tiền đó tôi gửi thành 03 STK. Tất cả quá trình mượn tiền của chú Trần Quí Thanh đầu tư dự án, gửi tiền tiết kiệm vào VNCB, tôi Dung đều được chị Trần Ngọc Bích-Phó tổng Giám đốc Công ty Thân Hiệp Phát tư vấn cho tôi”. Khi được Điều tra viên hỏi: “chị Dung cho CQĐT biết hiện nay 03 STK của chị do ai quản lý?” Bà Dung đáp; “tôi Dung xin trả lời: hiện nay 03 STK của tôi được VNCB đang quản lý. Tôi sẽ có bản tường trình chi tiết, cụ thể gửi cơ quan điều tra”.

        -Tại Biên bản ghi lời khai ngày 03/10/2014 (BL 012976 – 012978), Bà Ngô Bích Thùy Trang khai như sau:

        Hỏi: Chị Trang cho CQĐT biết tại sao chị đi gửi tiền  tại VNCB lại đi cùng chị Trần Ngọc Bích?

        Đáp: Tôi Trang xin trả lời: chị Bích đi cùng tôi là vì: tòan bộ số tiền 110tỷ đồng tôi có gửi tại VNCB là do tôi mượn của Ông Trần Quí Thanh nên khi đi làm thủ tục tại Ngân hàng, chị Bích là con chú Thanh phải đi cùng tôi thì nhân viên của Cty Tân Hiệp Phát mới giao tiền cho tôi để tôi gửi vào ngân hàng. Tại VNCB Chi nhánh SG, nhân viên NH đã làm đầy đủ các thủ tục, tôi chỉ việc ký vào các mục có tên tôi Trang.

        Hỏi: Chị Trang cho CQĐT biết, hiện tại các giấy tờ 02 sổ tiết kiệm (bản gốc) chị có giữ không? Nếu không thì lý do tại sao?

        Đáp: Tôi Trang xin trả lời: hiện tại 02 STK (bản gốc) của tôi, tôi không lưu giữ bản gốc mà chỉ có bản photocopy. Lý do vì sau ngày 19-12-2013 khỏang vài ngày (tôi không nhớ rõ) tôi cùng chị Trần Ngọc Bích lên VNCB để làm thủ tục vay vốn do có nhu cầu làm ăn. Tôi đã trực tiếp cầm 02 STK (bản gốc) để đưa cho nhân viên NH 02 STK (bản gốc) cùng chứng minh nhân dân để họ làm thủ tục cho tôi vay vốn. Từ đó đến nay VNCB giữ 02 STK của tôi đến nay. Khoảng tháng 5/2014 do tôi không có như cầu vay vốn tôi đã đề nghị bên VNCB trả 02 STK đó cho tôi. Đến nay VNCB vẫn chưa trả.

Sự việc chỉ có một, nhưng lời khai của các đương sự mâu thuẩn nhau. Song có một sự thật đã được thông nhất, không thể chối cải là: Tất cả nguồn tiền gửi  tiết kiệm là của ông Trần Quí Thanh là thật; việc gửi tiền tiết kiệm đều do bà Trần Ngọc Bích đạo diễn, các nhân viên Tân Hiệp Phát chỉ có việc ký tên vào chỗ có ghi tên mình là thật (không khác nào các nhân viên được giao làm giám đốc các Cty con của Thiên Thanh!); việc giao STK lại để VNCB lập hồ sơ vay là thật; việc VNCB vẫn còn giữ STK là có thật. Không vay tại sao không lấy lại STK mà phải đợi khi Thanh tra đột xuất 5 tháng sau mới phát hiện STK còn “gửi” ở VNCB và cũng không xuất trình được biên nhận “giữ hộ” STK của VNCB cấp?

Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 của Thống đốc NHNN quy định:

        -Điều 15. Rút gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm

          1/-Người gửi tiền thực hiện các thủ tục sau:

                     a/-Xuất trình thẻ tiết kiệm

        -Điều 25. Trách nhiệm của người gửi tiền

          1/-Thực hiện đúng các quy định tại quy chế này và các thỏa thuận đã cam kết với tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.

        -Điều 26. Quyền của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm

          1/-Được quyền từ chối việc nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm nếu người gửi tiền không thực hiện đúng các quy định tại Quy chế này và các thỏa thuận đã cam kết với tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.

Như vậy các Ông, Bà: Trần Hòai Phục, Nguyễn thị Mỹ Dung và Ngô Bích Thùy Trang không xuất trình được STK (bản gốc) theo quy định tại điểm a khỏan 1 Điều 15 nên VNCB có quyền từ chối chi trả tiền gửi của 6 STK là phù hợp quy định khỏan 1 Điều 26 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm. Số tiết kiệm là một lọai giấy tờ có giá, do đó nếu các ông bà nói trên muốn lấy lại 6 STK thì phải xuất trình hợp đồng gửi giữ hay ít ra là “Biên nhận giữ hộ” 6 STK nói trên. Việc VNCB giữ lại 6 STK là phù hợp hồ sơ vay của 3 khách hàng fax từ số máy fax 06503755056 của Tân Hiệp Phát (đã được Phòng kinh doanh-Trung tâm kinh doanh VNPT Bình Dương xác nhận tại Biên bản làm việc ngày 04-01-2017 của VKSND cấp cao tại TP. HCM. Theo quy định tại khoản 15 Điều 3 Luật thương mại “các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax…”) phù hợp với phương thức giao dịch trong suốt quá trình cho vay giữa Ông Trần Quí Thanh với ông Phạm Công Danh thông qua VNCB đã được thực hiện tương tự rất nhiều lần. Lần sau cùng này Nhóm Trần Quí Thanh không giao lại hồ sơ gốc vay tiền đã được VNCB ký trước và vẫn để STK cho VNCB quản lý, bởi bản chính hồ sơ vay tiền đã được VNCB ký là bằng chứng VNCB giữ STK của họ. Đặt 300 tỷ này dưới lăng kính của toàn bộ quá trình giao dịch vay nợ giữa  Phạm Công Danh với Ông Trần Quí Thanh thì mới đánh giá đúng bản chất của sự việc một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.

4/- Đối với số tiền 3.658 tỷ đồng Phạm Công Danh đã trả nợ thay cho Nhóm Hứa Thị Phấn để mua lại Ngân hàng Đại Tín

Theo Biên bản thỏa thuận việc chuyển giao 252.110.151 cổ phần Ngân hàng Đại Tín ngày 06-6-2012, Hợp đồng  chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân liên quan tại NHTMCP Đại Tín và Phụ lục 5 Biên bản thỏa thuận việc chuyển giao 252.110.151cổ phần Ngân hàng Đại Tín ngày 01-12-2012, thì Nhóm Phạm Công Danh phải trả nợ cho Ngân hàng Đại Tín thay cho Nhóm Phú Mỹ 4.619.610.000.000đ (gồm  khỏan vay tín dụng 3.581.720.000.000đ, khoản đầu tư 902.890.000.000đ và khoản nợ tổ chức Công đoàn 135.000.000.000đ). Đổi lại Nhóm Phạm Công Danh sẽ được sở hữu:

-252.110.151 cổ phần Ngân hàng Đại Tín trị giá 2.511.101.510.000đồng, tính theo mệnh giá 10.000đ/CP.

-8.500.000cổ phần Công ty cổ phần chứng khoán Đại Việt trị giá 85tỷ đồng, tính theo mệnh giá 10.000đ/CP.

-2.700.000cổ phần Công ty CP Bảo hiểm Hùng Vương trị giá 27tỷ đồng, tính theo mệnh giá 10.000đ/CP.

-Tài sản thế chấp tại VNCB gồm 24,56ha đất thuộc Quy họach khu đô thị Nhà Bè và 9 ha đất thuộc khu Quy hoạch đô thị Quận 2.

Tại đơn kháng cáo ngày 20-9-2016, bà Phấn xác nhận đến ngày 30-6-2013 Nhóm Phạm Công Danh đã nộp vào VNCB thanh toán xong nợ vay tín dụng 3.581.720.000.000đ và 76,9tỷ đồng tiền lãi, tổng cộng 3.658.620.000.000đ. Trong khi đó Nhóm Phạm Công Danh không nhận được một đồng nào từ Nhóm Bà Phấn. Bởi lẽ:

-Như trên phân tích, theo báo cáo tài chính năm 2015 đã kiểm toán thì đến cuối 12/2015 lỗ lủy kế đã tăng lên 8.765,835tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711,1tỷ đồng, nghĩa là giá trị cổ phần VNCB đã bị âm 20.000đ/CP, chứ không phải mệnh giá 10.000đ/CP như ghi trong Biên bản thỏa thuận.

-Cổ phần Công ty chứng khoán Đại Việt và Công ty CP Bảo hiểm Hùng Vương cũng không có.

-Theo hồ sơ thể hiện và xác nhận của bà Phấn tại phiên tòa sơ thẩm: 24,56ha đất ở Nhà Bè và 9 ha đất ở Quận 2 thực tế chỉ là đất nông nghiệp do nhiều người đứng tên, chưa chuyển mục đích sử dụng đất và cũng không có dự án thuộc khu quy họach đô thị nào được phê duyệt, lại đang thế chấp tại VNCB nên không thể giải chấp để chuyển giao, chuyển nhượng được.

Mặt khác, tại Đơn kháng cáo Bà Phấn cũng xác nhận 2 khỏan tiền 851tỷ đồng và 135tỷ đồng (trong tổng số tiền 3.658.620.000.000đ) thực chất là tài sản của VNCB được Phạm Công Danh rút ra để trả nợ Nhóm bà Phấn về khoản nợ chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín theo lộ trình tái cơ cấu (lấy tiền VNCB trả nợ vay của chính VNCB). Số tiền còn lại có nguồn gốc là tiền vay của Nhóm Trần Quí Thanh từ hành vi vi phạm pháp luật như đã phân tích trên. Trong đơn kháng cáo Bà Phấn cũng cho rằng: “Theo chúng tôi, nếu Tòa án không chấp nhận các khỏan tiền đã thanh toán cho các khỏan vay của Tôi-Phấn và Nhóm Phú Mỹ tại VNCB thì Tòa án có quyền tuyên khôi phục lại các khỏan vay đó tại VNCB để buộc Phạm Công Danh và Tập đòan Thiên Thanh phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho tôi và Nhóm Phú Mỹ theo Đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín”.

Thế nhưng, VNCB đã được Ngân hàng Nhà nuớc mua lại với giá 0đ/cổ phần và đổi tên thành CB. CB đang giữ 3.658.620.000.000đ của Nhóm Phạm Công Danh nộp để mua cổ phần VNCB, CB cũng đang giữ tòan bộ tài sản thế chấp là 2 lô đất Quận 2 và Nhà Bè. Nợ của Nhóm Phú Mỹ tại CB vẫn chưa tất toán, tài sản thế chấp của Nhóm Phú Mỹ vẫn do CB quản lý. Đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín đã phá sản tòan bộ. Vì vậy, việc thu hồi tòan bộ số tiền 3.658.620.000.000đồng mà Phạm Công Danh đã thanh toán nợ thay cho Nhóm Phú Mỹ, khôi phục lại nợ vay của Nhóm Phú Mỹ tại CB là hòan toàn hợp lý.

 

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Phạm Công Danh là một doanh nhân, sau khi thành công trong lĩnh vực kinh doanh VLXD, trang thiết bị nội thất, với mong nuốn cháy bỏng thành lập một Ngân hàng Xây dựng nhằm góp phần tích cực hỗ trợ triển khai các Chương trinh xây dựng nhà ở quốc gia, thực hiện gói sản phẩm khép kín 4 nhà (Ngân hàng-Nhà đầu tư-Nhà thầu và Nhà cung ứng SXVLXD trang thiết bị nội thất), hình thành các Trung tâm Thương mại & Triển lãm Xây dựng, Bất động sản, Vật liệu xây dựng và Nội ngoại thất Quốc tế như các nước phát triển đã thực hiện. Minh chứng cho điều này, Bộ Xây dựng đã có công văn số 206/BXD-QLN ngày 17/02/2012 đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất về việc thành lập Ngân hàng xây dựng Việt Nam và công văn số 1844/BXD-VP ngày 22/10/2012 ủng hộ chủ trương hình thành các Trung tâm Thương mại & Triển lãm Xây dựng, Bất động sản, VLXD và Nội ngoại thất Quốc tế quy mô lớn tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng như đề xuất của Cty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (thực tế hai Trung tâm này đang được triển khai trước khi xảy ra vụ án).

Sau khi đề xuất thành lập Ngân hàng xây dựng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, “Ma đưa lối, quỹ dẫn đường”,  Phạm Công Danh đã gặp Hà Văn Thắm và sau đó là Bà Hứa Thị Phấn, để rồi “cứ nhằm những nẽo đoạn trường mà đi” dẫn đến hậu quả bi đát hôm nay! Là một người không am hiểu về ngành tài chính, ngân hàng, Phạm Công Danh tuyệt đối tin tưởng vào tài thao lược của Phan Thành Mai, tin tưởng vào “Đề án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín” đã được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, chỉnh sửa nhiều lần trước khi phê duyệt chính thức, vẽ ra tương lai tốt đẹp sau tái cơ cấu; tin tưởng vào sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của NHNN; tin tưởng vào sự hỗ trợ của các Ngân hàng bạn (BIDV, Agribank…); tin tưởng vào khối tài sản đang thế chấp tại NH Đại Tín (chủ yếu là 2 lô đất ở Q.2 và H. Nhà Bè) và các dự án lớn của Tập đoàn Thiên Thanh, nên đã chấp nhận nhảy lên lưng cọp!

Nhưng than ôi! Các dự án, đề án, phương án cho dù hay thiệt là hay cũng chỉ là trên lý thuyết, trên bàn phím! Thực tế nhiều khi lắm phũ phàng! Ngay chuyên gia Phan Thành Mai khi bước chân vào NH Đại Tín đã bị ngay cú sốc áp lực chi trả lãi ngoài, chi chăm sóc khách hàng và hàng loạt các khoản chi phí khác không thể hạch toán vào chi phí ngân hàng theo quy định, để cứu vãn sự đổ vỡ của NH Đại Tín do nhóm cổ đông cũ để lại. Thế nhưng tất cả các nguồn huy động dưới mọi hình thức đều như “muối bỏ biển”, “gió vào nhà trống”! Để rồi tất cả các nổ lực của bản thân, của gia đình Phạm Công Danh, của Tập đoàn Tiên Thanh phải trả giá chẳng những bằng con số “không đồng” mà còn đánh đổi cả cuộc đời còn lại với mức hình phạt 30 năm tù theo bản án sơ thẩm! Nguyên nhân không phải xuất phát từ Phạm Công Danh, nhưng toàn bộ hậu quả chỉ có Phạm Công Danh và các bị cáo hôm nay gánh chịu!

 

         Kính thưa Hội đồng xét xử,

Là một doanh nhân, không phải ai cũng tính toán, dự báo chính xác khi quyết định đầu tư. Nhưng sai lầm của họ trong hoạt động kinh doanh, thì họ phải trả giá bằng chính tài sản của mình. Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm cho thấy toàn bộ số tiền gọi là thiệt hại, thực chất trong đó chủ yếu là tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh, nhằm cứu nguy cho Ngân hàng Đại Tín và VNCB, Phạm Công Danh không chiếm hưởng cá nhân hoặc cho gia đình. Vì vậy, chúng tôi nghĩ Phạm Công Danh cần được đối xử theo Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật các TCTD và cùng lắm là Luật phá sản. Phạm Công Danh đã trả giá như vậy là quá đủ!

Mặt khác, trong vụ án này, có nhiều vụ việc đã được tách ra làm ảnh hưởng đến việc đánh giá khách quan, tòan diện vụ án, gây thiệt hại quyền lợi các bị cáo. Đặc biệt, thông qua xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân TPHCM đã đề nghị khởi tố hàng loạt đối tương liên quan, và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, đại diện VKSND cấp cao tiếp tục đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự thêm một số đối tương có` liên quan. Như vậy, chúng tôi thiất nghĩ kết quả điều tra sẽ làm thay đổi tính chất vụ án, kể cả nguyên nhân và hậu quả thiệt hại.

Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc thấu đáo ý kiến tranh luận của luật sư chúng tôi, từ đó đưa ra một phán quyết hết sức công minh, thấu tình đạt lý.

Trân trọng cảm ơn Hội đồng xét xử,

Trân trọng cảm ơn hai vị đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM.

NGƯỜI BÀO CHỮA

LS NGUYỄN VĂN TRUNG

 

Tin tức khác


   Trang sau >>

Tin - bài mới cập nhật













   SỐ LƯỢT TRUY CẬP

9,428,122