VỀ NGUỒN 2023

“Về nguồn” là một hoạt động ý nghĩa giáo dục truyền thống hàng năm của Chi Bộ 9 – Đảng bộ Đoàn luật sư TPHCM, luôn được biểu dương và hưởng ứng của nhiều luật sư tham gia. Bài viết này chia sẻ chuyến đi mới nhất đến các đồng chí, đồng nghiệp như góp phần cho các hoạt động của Đoàn luật sư.

Ngày thứ nhất

Đáp chuyến bay sớm vào rạng sáng ngày 21.4.2023, đoàn chúng tôi gồm những luật sư thuộc chi bộ 9 (Đảng bộ ĐLSTPHCM) thực hiện chuyến đi ‘Về nguồn” đến Côn Đảo tiếp nối các hoạt động giáo dục truyền thống của chi bộ nhân kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương, các ngày lễ lớn 30.4 và 1.5 .

Côn Đảo (theo từng thời kỳ còn gọi là Côn Lôn, Côn Sơn) là một quần đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Nam Bộ  với nhiều hòn đảo lớn nhỏ bao bọc chung quanh. Đây là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý, nơi đây đã từng được Thực Dân Pháp và Đế Quốc Mỹ giam giữ tù nhân và được xem là nơi lưu đày tù nhân lớn nhất Đông Dương trước 1975.

Điểm đầu tiên đoàn chúng tôi đến viếng và dâng hương là hai ngôi miếu thờ hoàng tử Cải (Miếu Cậu) và miếu bà Hoàng Phi Yến, thứ phi Vua Gia Long (Nguyễn Ánh).Tương truyền rằng, trong một đợt bị quân Tây Sơn truy sát, chúa Nguyễn Ánh đã lên thuyền trốn ra Côn Lôn sống ẩn dật định mượn nhờ sức mạnh người Pháp để phục thù. Lúc này, bà Phi Yến (tên tục goị là Răm) đã ra sức khuyên can khiến chúa nổi giận quăng đưa con năm tuổi của bà là hoàng tử Cải xuống biển và đày bà ra đảo Côn Lôn nhỏ (nay có tên gọi là hòn Bà) sống một cuộc sống rất tủi cực cho đến lúc bà thủ tiết mà tự vẫn

Gió đưa cây Cải về trời

Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay

Điểm đến tiếp theo, chúng tôi tham quan và viếng chùa Vân Sơn Tự, ngôi chùa linh thiêng và duy nhất ở Côn Đảo được tọa lạc trên ngọn Núi Một nên còn gọi là chùa Núi Một. Đây là một ngôi chùa được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xây dựng năm 1964 nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh cho viên chức trên đảo, đồng thời xoa dịu dư luận về sự thống trị tù nhân tàn bạo của họ.

Từ Vân Sơn Tự thấy biển xanh cát trắng ghe thuyền tấp nập, giáp những dãy núi cao hùng vĩ, thanh bình, khiến những người trong đoàn chúng tôi ai cũng muốn trải lòng để đón nhận bình an giữa những ngày cả dân tộc mừng tổ quốc thống nhất. Ngày nay, Vân Sơn Tự như một địa thế tâm linh huyền diệu cho người dân trên đảo và du khách thập phương vãng cảnh mỗi khi đến Côn Đảo.

 Buổi chiều, đoàn chi bộ 9 trang phục chỉnh tề với đồng phục đã được Ban tổ chức chuẩn bị sẵn, cùng hoa quả hương đăng… chúng tôi đến viếng mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương trong niềm cảm xúc dâng trào khó tả. Dù tôi cùng nhiều anh chị trong đoàn đã từng được đến nơi đây nhiều lần, nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần bước vào nghĩa trang trong tiếng nhạc trầm buồn du dương hòa lẫn mùi hương khói không ai không khỏi chạnh lòng xúc động và rất đổi tự hào .

Trước lễ đài đoàn thành kính dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong tiếng nhạc trầm hùng bi tráng hòa quyện trong những làn hương nghi ngút khói như anh linh của các chiến sĩ vô danh vẫn đang ngạo nghễ nhìn trời, nhìn đất nhìn dân tộc mình đi qua những thăng trầm của chiến tranh để đổi lấy bình yên hôm nay. Như một chất xúc tác thiêng liêng từ trời đất , tiếng kéo đàn vĩ cầm của luật sư Vũ Anh Tuấn , một thành viên trong đoàn, bỗng vang âm réo rắt thanh sắc của trời và  đất, của bình minh và hoàng hôn, của mồ hôi và nước mắt giữa cái trưa hè oi bức rát da, tôi không thể kìm nén lòng minh cùng cất tiếng ca hòa quyện “Nhưng giờ đây có giây phút bình yên, sao tôi quên có giây phút bình yên sao tôi quên, sao tôi quên ? Bài ca tôi đã hát, bài ca tôi đã hát, với quê hương , với đồng đội với cả lòng mình, tôi không thể nào quên ! tôi không thể nào quên !!!”

Rời lễ đài, đoàn người chúng tôi cùng nhau viếng mộ, cắm hoa và thắp nhang trên các ngôi mộ anh hùng liệt sĩ trong đó có mộ Tổng bí thư Lê Hồng Phong, nhà hoạt động cách mạng Nguyễn An Ninh , nữ anh hùng Võ Thị Sáu…

Chợt nhớ bài thơ cuối cùng của cụ Nguyễn An Ninh thêm ghi lòng tạc dạ và đầy ý nghĩa cho chuyến “Về nguồn” lần này

“…Sống sao nên phải cho nên sống

Sống để muôn đời sử tạc ghi …

Chết vì tổ quốc đời khen ngợi

Chết cho hậu thế đẹp tương lai”

Ngày thứ hai,

Tranh thủ dùng bữa sáng nhanh tại khách sạn, nơi đến tham quan đầu tiên trong ngày thứ hai là Bảo tàng Côn Đảo, như ai đó đã nói về nơi đây “ Khoảng lặng lịch sử, nơi lưu giữ kỷ vật địa ngục trần gian” Vâng, đúng là như thế ! Bước khẽ thôi từng góc nhỏ nơi này, cứ như mỗi bước đi là một trải nghiệm lịch sử khi chứng kiến những hình ảnh, vật dụng của các chiến sĩ cách mạng được đặt trang trọng nơi đây cho chúng ta những khoảnh khắc bi thương, hào hùng và đầy nước mắt.

Bảo tàng Côn Đảo được khởi công xây dựng ngày 06.12.2009 hoàn thành ngày 10.10.2010 trong khuôn viên rộng hơn 2 ha, triển lãm, trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh quý giá theo nhiều chủ đề khác nhau về Côn Đảo thiên nhiên và con người, địa ngục trần gian, trận tuyến trường học và Côn đảo ngày nay.

Tại cửa trung tâm của gian khánh tiết là một cụm tượng bằng chất liệu inox cao 6m thể hiện khí phách hiên ngang của ngươi cộng sản với khát vọng vươn tới tự do. Các đoàn tham quan luôn tập trung lưu giữ những tấm ảnh kỷ niệm ở vị trí này và chúng tôi cũng không ngoại lệ.

Rời Bảo tàng Côn Đảo, chúng tôi di chuyển đến khu di tích nhà tù Côn Đảo tiếp tục chuyến tham quan. Nơi đây là nơi ghi dấu truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của các anh hùng chiến sĩ và đồng bào yêu nước Việt Nam trong hơn một trăm năm đấu tranh chống Thực dân Pháp và Đế Quốc Mỹ.

 Hệ thống nhà tù Côn Đảo được người Pháp xây dựng để giam giữ những tù phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp như những nhà ái quốc, tù phạm chính trị, tử tù …sau đó được Mỹ tiếp quản và tiếp tục sử dụng như mục đích trên. Hiện nay, khu Nhà tù Côn Đảo được xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt, bao gồm di tích Nhà Chúa đảo, di tích Trại tù Phú Hải, di tích “chuồng cọp Mỹ” và di tích “chuồng cọp Pháp”. Các di tích này ghi lại những hành động ngược đãi tù nhân nghiêm trọng của thực dân Pháp, quân đội Mỹ và chế độ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là Khu ‘chuồng cọp” là nơi biệt giam khắc nghiệt nhất.

Theo sự giới thiệu của Hướng dẫn viên, đoàn chúng tôi đã lần lượt tham quan từng khu di tích nhà tù với nhiều hình ảnh tái hiện thật sinh động và giàu cảm xúc. Bên ngoài trời nắng chói chang nhưng bóng mát những cây bàng luôn làm tâm hồn chúng tôi dịu mát. Tiếng vĩ cầm của luật sư Vũ Tuấn lại ngân vang trước sự ngưỡng mộ của nhiều du khách đi ngang qua “ Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm, từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nói liền. Là hoa tôi nở tình yêu ban sớm, cùng muôn trái tim đắp xây hòa bình . Là mây theo làn gió tôi bay khắp trời, nghìn xưa oai hùng đó tôi xin tiếp lời. Là người xin một lần khi nằm xuống. Nhìn anh em đứng lên phất cao ngọn cờ”

Đi qua chiến tranh mới thấy yêu hòa  bình, yêu tổ quốc hơn . Trong gian khổ tận cùng mới thấy quý sự bình an. Những giai đoạn lịch sử đi qua với nhiều cung bậc cuộc sống, theo diễn biến thăng trầm của thời cuộc. Giờ đau thương đã lùi xa, nhân dân đang sống trong sự phát triển kinh tế xã hội từng ngày của cả nước. Chúng ta đón nhận hòa bình, đón nhận sự đổi mới, nhưng lịch sử hào hùng của dân tộc mãi mãi không ngủ yên vì lịch sử là hồn phách của dân tộc nên lịch sử sẽ không có chỗ cho sự chỉ trích và phán xét. 

 Ngày nay Côn đảo đã trở thành Vườn Quốc gia với nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, bãi tắm, điểm du lịch nghỉ dưỡng và tham quan thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Trở lại Côn Đảo lần này là một cảm xúc mới với tôi và nhiều đồng nghiệp. Một chuyến đi “Về nguồn” thật ý nghĩa và trân trọng là một thành công mới cho chi bộ 9 – Đảng bộ Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh sau mỗi lần ra quân. Cảm ơn những người bạn đồng hành, Cảm ơn Chi Ủy, Cảm ơn Luật sư Trịnh Đức Duy và các bạn Đảng viên trẻ đã hỗ trợ cho chuyến đi được thành công tốt đẹp !

Luật sư Trần Thị Phụng

Tin tức khác


   Trang sau >>

Tin - bài mới cập nhật













   SỐ LƯỢT TRUY CẬP

9,195,279