TỔNG THUẬT HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP QUỐC GIA: “GÓP Ý ĐỀ CƯƠNG ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG LUẬT LUẬT SƯ (SỬA ĐỔI)”

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, sáng ngày 16/08/2024, hai đơn vị đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Gópý Đề cương định hướng xây dựngLuật Luật sư(sửa đổi)tại Hội trường A1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Sửa đổi Luật Luật sư năm 2006 là yêu cầu cần thiết

Về phía Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, có Luật sư Nguyễn Văn Trung,Chủ nhiệm; TS. Luật sư Hà Hải,Phó Chủ nhiệm; ThS. Luật sư Nguyễn Văn Đức,Ủy viên Ban chủ nhiệm, Trưởng Ban Đào tạo Bồi dưỡng; Luật sư Phan Thị HồngĐiểm, Ủy viên Ban Chủ nhiệm, Trưởng Ban hợp tác quốc tế; TS. Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Trưởng Ban Trợ giúp pháp lý; Luật sư Trần Mỹ Thoa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Liên Đoàn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chủ nhiệm; Luật sư Trương Thị Hòa, nguyênPhó Chủ nhiệm,Trưởng Văn phòng luật sư Trương Thị Hòacùng một số luật sư là thành viên Đảng ủy, Hội đồng khen thưởng-kỷ luật, Giám đốc công ty Luật và Trưởng Văn phòng Luật sư.

Về phía Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, cósự hiện diện của các Thầy, Cô: TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Nhà Trường; GS.TS Đỗ Văn Đại,Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Trần Việt Dũng,Phó Hiệu trưởng; TS Lê Thị Thúy Hương,Trưởng phòng NCKH và HTQT; TS Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Luật HC-NN; ThS NCS Nguyễn Văn Trí Phó Trưởng Khoa Luật HC-NN.

Về phía khách mời có sự tham dự của TS. Luật sư Phan Trung Hoài,  Phó Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam;Luật sư Nguyễn Thế Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban khen thưởng-kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam; PGS.TS Bùi Anh Thủy, Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang.

Hội thảo đã đón tiếpkhoảng 120 đại biều làluật sưthành viên Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viênvà sinh viênTrường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo,TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh lý do, ý nghĩa của việc tổ chức Hội thảo: Luật Luật sư năm 2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 và được sửa đổi, bổ sung năm 2012, sau hơn 17năm thi hành đã góp phần tạo hành lang pháp lý cho nghề luật sư, luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phát triển nhanh chóng, góp phần vào công cuộc bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, Luật Luật sư cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển nghề luật sư. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Luật sư là rất cần thiết.Bộ Tư pháp đang trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Luật sư thay thế Luật Luật sư hiện hành. Nhằm tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học và các luật sư có thể trao đổi, thảo luận, đề xuất  ý kiến đóng góp cho việc chuẩn bị xây dựng Luật Luật sư mới, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đoàn Luật sư T.p  Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo cấp quốc gia với chủ đề:“Góp ý Đề cương định hướng xây dựngLuật Luật sư(sửa đổi)”.

Vì tính chất quan trọng nên Hội thảo được tổ chức thành hai phiên. Phiên 1 bao gồm các tham luận liên quan đến “Tiêu chuẩn, đào tạo, tập sự luật sư”;Phiên 2 tập trung vào nội dung“Hoạt động, tổ chức và quản lý nghề luật sư”.

Phiên 1 được điều hành bởi ba vị chủ tọa gồm: GS.TS Đỗ Văn Đại,Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Văn Trung,Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh;TS. Luật sư Hà Hải,Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật TP. Hồ Chí Minh.

Phiên 2 được điều hành bởi ba vị chủ tọa gồm: Luật sư Nguyễn Văn Trung,  Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS Trần Việt Dũng,Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh;ThS. Luật sư Nguyễn Văn Đức,Ủy viên Ban chủ nhiệm, Trưởng ban Đào tạo-bồi dưỡng,Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Việc tiếp nhận, chọn lọc, thẩm định chất lượng các bài tham luận được thực hiện bởi Ban Chuyên môn do GS.TS Đỗ Văn Đại làm Trưởng Ban. Sau quá trình thẩm định, Ban Chuyên môn đã chọnvà đưa vào kỷ yếu Hội thảo33 bài tham luậncủa nhiều luật sư, thầy/cô giáo, các chuyên gia, nhà khoa học và sinh viên. Các bài tham luận đều có nội dung xoay quanh các vấn đề gópý “Đề cương định hướng xây dựngLuật Luật sư(sửa đổi)”. Tuy nhiên, do thời gian Hội thảo có hạn, nên Ban tổ chức chỉ lựa chọn 6 bài tham luận của 6 chuyên gia/ nhóm chuyên gia trình bày tại Hội thảo.

Cần giải mã những vấn đề cốt lõi của nghề luật sư

Mở đầu Hội thảo,TS. LS Phan Trung Hoài trình bày tham luận với chủ đề “Một số nội dung cần quan tâm trong Đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)”.TS. LS Phan Trung Hoài nhấn mạnh: “Đề cương đã đưa ra được một số nội dung sửa đổi có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ các khái niệm và tiêu chuẩn về luật sư, dịch vụ và kinh doanh dịch vụ pháp lý của luật sư, nguyên tắc quản lý và nguyên tắc hành nghề luật sư. Đề cương đưa ra một số điểm mới liên quan đến việc nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn trở thành luật sư, bổ sung phạm vi cấm luật sư có hành vi gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của giới luật sư; cản trở hoạt động tố tụng; xúi giục người dân, khách hàng khiếu nại, khiếu kiện gây ảnh hưởng, phức tạp đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bổ sung hình thức hành nghề luật sư, luật sư ký hợp đồng theo vụ, việc hoặc hợp đồng tư vấn thường xuyên cho cơ quan nhà nước. Đề cương cũng định hướng sửa đổi điều kiện hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, bổ sung quy định thu hút các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài có thương hiệu, uy tín vào thành lập tại Việt Nam.Tuy nhiên, phạm vi sửa đổi thật sự chưa đáng kể, nhiều vấn đề mang tính sống còn cho tương lai phát triển nghề luật sư ở Việt Nam chưa được giải mã, chưa làm rõ được nhân vật trung tâm của mô hình quản lý và bài toán tăng cường vai trò quản lý Nhà nước và nâng cao năng lực tự quản của tổ chức xã hội- nghề nghiệp luật sư. Thậm chí, Đề cươngtrở lại cách tiếp cận cũ khi quy định việc gia hạn Chứng chỉ hành nghề luật sư khi hết thời hạn 05 hoặc 10 năm. Nhiều vấn đề bất cập liên quan các quy định hành chính, tố tụng thành rào cản, gây khó khăn cho việc các luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, cơ chế đảm bảo cho các luật sư hành nghề với tư cách cá nhân chưa được tháo gỡ và giải quyết một cách triệt để.

TS.LS Phan Trung Hoài đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện đề cương định hướng như sau:

Thứ nhất, về tiêu chuẩn luật sư, cần làm rõ nội hàm tiêu chuẩn bản lĩnh chính trị. Bản lĩnh chính trị cao nhất là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề luật sư, hành nghề trên cơ sở pháp luật và kỹ năng.

Thứ hai, chức năng xã hội của luật sư, cần mạnh dạn đề cập đến sứ mệnh của luật sư, bên cạnh việc đóng góp cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền thì sứ mệnh cao nhất là bảo vệ người yếu thế và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản mà Hiến pháp đã quy định. Nên giữ nguyên chức năng bảo quyền tự do cơ bản của công dân.

Thứ ba, cần xác định vị trí của luật sư trong tố tụng, trong đời sống xã hội. Hiện tại hoạt động luật sư được xác định thuộc hoạt động bổ trợ tư pháp (có lý do về mặt lịch sử). Trong tố tụng, luật sư người tham gia tố tụng, luật sư hành nghề dựa theo kiến thức pháp luật, kỹ năng không có sự ngang bằng với cơ quan tiến hành tố tụng, do vậy cần xác định luật sư là chức danh tư pháp độc lập hành nghề trong thể chế tư pháp nước nhà.

Thứ tư, mô hình quản lý luật sư, cần giải quyết hài hòa quản lý nhà nước (giảm bớt thủ tục hành chính, trọng tâm của quản lý nhà nước là hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, thanh tra, kiểm tra, giám sát) và nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Cần cân nhắc việc đưa tổ chức hành nghề luật sư trở thành thành viên của Đoàn Luật sư.

Luật sư Nguyễn Thế Phong,Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng, kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam được mời trình bày tham luậnvới chủ đề “Góp ý Đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)”.Trong bài tham luận này, tác giả trình bày một số ý kiến đóng góp về Đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi).Thông qua đó, tác giả ủng hộ việc xây dựng Luật Luật sư mới thay thế nhằm thuận lợi trong thi hành và trình bày một số đề xuất đối với Đề cương. Luật sư Nguyễn Thế Phong đề xuất 9 nhóm nội dung khi xây dựng dự thảo Luật Luật sư:

Thứ nhất, về bố cục Luật Luật sư, hiện nay Luật Luật sư hiện hành có bố cục tương đối ổn, nên tiếp tục duy trì.

Thứ hai, về tiêu chuẩn luật sư, Đề cương định hướng đưa vào tiêu chuẩn “bản lĩnh chính trị”. Tiêu chuẩn này là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành TW khóa 13. Tuy nhiên, Nghị quyết khẳng định: Xây dựng đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng có nghĩa là xây dựng bản lĩnh chính trị của cả một đội ngũ luật sư. Do vậy, việc quy định tiêu chuẩn này như là điều kiện đầu vào để công nhận một luật sư là không hợp lý, mang tính định tính khó xác định.Bên cạnh đó,bản lĩnh chính trị phải trải qua một thời gian tu luyện, có các mức độ khác nhau.

Thứ ba, về miễn đào tạo, miễn giảm thời gian tập sự, không nên quy định miễn đào tào nghề luật sư, nên chia làm hai trường hợp: đào tạo 12 tháng và chương trình rút ngắn cho một số đối tượng đã hoạt động nghề luật.Về miễn giảm thời gian tập sự, đồng ý với việc hạn chế đối tượng miễn tập sự, giảm thời gian tập sự, chỉ nên giảm 1/3 thời gian tập sự không nên giảm 2/3. Nếu giảm 2/3 thời gian, người tập sự không đủ thời gian tập sự, không phù hợp với thực tiễn nhiều vụ án kéo dài.

Thứ tư, nên gọi luật sư tập sự, không nên gọi là người tập sự hành nghề luật sư.

Thứ năm, Đề cương quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư không phù hợp thực tiễn, không có cơ sở lý luận, gây khó khăn công tác quản lý. Đề xuất giữ nguyên như Luật Luật sư hiện hành, không quy định về thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư.

Thứ sáu, về hình thức tổ chức hành nghề luật sư, Đề cương quy định nhiều người đại diện cho tổ chức hành nghề luật sư là không cần thiết, chỉ nên quy định cơ chế để Trưởng Văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật phân công, ủy quyền cho người khác khi vắng mặt.

Thứ bảy, quy định hợp đồng dịch vụ pháp lý phải lập thành văn bản là không phù hợp trong một số trường hợp như hoạt động trợ giúp pháp lý, dịch vụ pháp lý giá trị nhỏ.

Thứ tám, nên quy định về phí thành công.

Thứ chín, về xử lý kỷ luật, hiện nay Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư, Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư mất nhiều thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo.Do đó, cần lập cơ quan chuyên trách xử lý khiếu nại, tố cáo.

Không nên giao thẩm quyền đình chỉ tư cách Chủ nhiệm, thành viên Ban Chủ nhiệm cho Bộ Tư pháp

Luật sư Nguyễn Văn Phúc,Công ty Luật HM&P được mời trình bày tham luận cuối cùng của Hội thảo với chủ đề “Quản lý và hỗ trợ của nhà nước đối với nghề luật sư: cần những quy định thực chất và thực tiễn”.Tác giảđóng góp ý kiến cho dự thảo Đề cương chi tiết Luật Luật sư, nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nghề luật sư. Trong đó, đáng chú ý là tác giả đề nghị xem xét lại việcđề cương bổ sung thẩm quyền Bộ Tư pháp đình chỉ tư cách Chủ nhiệm Đoàn luật sư, thành viên Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Theo tác giả, Quy định này chưa phù hợp, có thể dẫn đếnbất cập, chồng chéo trong công tác quản lý. Đồng thời, tác giả cũng đề nghị không nên quy định phân cấp Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra tổ chức và hoạt động của luật sư, nên tập trung cho Sở Tư pháp quản lý.

ThS. Luật sư Trần Hoàng Hải Phong, đại diện nhóm tác giả:Đặng Trần Kha, Trần Hoàng Hải Phong vàTrần Thùy Trang,trình bày tham luận với chủ đề “Một số góp ý về chế định tập sự hành nghề luật sư cho dự kiến Đề cương chi tiết Luật Luật sư.Trong bài tham luận này, nhóm tác giả trình bày một số ý kiến đóng góp về chế định tập sự hành nghề luật sư như sau:

Thứ nhất, phạm vi người tập sự, khoản 2 Điều 14 Luật Luật sư giới hạn không được tham gia bào chữa. Quy định này giảm hiệu quả tập sự hành nghề luật sư.Thứ hai, thời gian cấp chứng chỉ và cấp thẻ theo quy định có thời hạn khoảng 68 ngày. Thực tế, thời gian này có thể kéo dài gần 1 năm sau khi trải qua kỳ thi, do vậy cần quy định quy trình cấp chứng chỉ và cấp thẻ theo hướng rút ngắn thời gian. Thứ ba, nên quy định về khóa bồi dưỡng cho luật sư tập sự. Thứ tư, chỉ nên quy định về giảm thời gian tập sự, không nên quy định việc miễn đào tạo nghề luật sư và miễn thời gian tập sự. Vì để trở thành luật sư cần có thời gian đào tạo và tập sự để hình thành kỹ năng hành nghề.

Nhóm tác giả ThS. NCS Nguyễn Văn Trí và ThS. Huỳnh Thị Hồng Nhiên trình bày tham luận với chủ đề “Một số vấn đề về dịch vụ pháp lý của luật sư ở Việt Nam: định hướng hoàn thiện”.Trong bài tham luận này, nhóm tác giả trình bày về các vấn đề gồm: khái niệm, đặc điểm hoạt động dịch vụ pháp lý của luật sư, các yếu tố tác động đến dịch vụ pháp lý của luật sư, đề xuất hoàn thiện. Nhóm tác giả đề xuất thứ nhất, giải thích thuật ngữ dịch vụ pháp lý của luật sư, không nên liệt kê. Thứ hai, thiết lập tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư. Thứ ba, quản lý đối với việc cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư.

Nhóm tác giả TS. GVC Võ Trung Tín, Nguyễn Hoàng Long, Huỳnh Cao Như Ngọc, Nguyễn Thị Thảo trình bày tham luận với chủ đề “Pháp luật về điều kiện hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam - bất cập và phương hướng hoàn thiện”.Tham luận trình bày khái quát về tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, pháp luật hiện hành tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, điều kiện hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam theo Đề cương và đề xuất một số kiến nghịliên quan đến việc quản lý hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn, không nên miễn đào tạo nghề, tập sự hành nghề Luật sư:

Đây là những nội dung được đa số ý kiến đại biểu phát biểu tại Hội thảo và đều không đồng tình với Đề cương định hướng của Bộ Tư pháp liên quan đến việc quy định Chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn 5-10 năm.

Các Luật sư:Trương Thị Hòa, Trần Mỹ Thoa, Phạm Quốc Hưng, Huỳnh Văn Nông, Trần Văn Linh, Trần Cẩm Chương, Đỗ Thị Thanh Tâmđều không đồng tình với việcĐề cương định hướng chứng chỉ hành nghề luật sư (CCHNLS) có thời hạn 5-10 năm là không phù hợp thực tiễn trong hoạt động tố tụng Việt Nam, gây khó khăn cho giao dịch giữa luật sư với khách hàngvà những hệ lụy không thể lường trước được. Các luật sư đều đề nghị bỏ quy định này.

Ngoài ra,Luật sư Trương Thị Hòa nêu kiến nghị Bộ Tư pháp cần có nghiên cứu về đánh giá xã hội đối với nghề luật sưtrước khi xây dựng Đề cương định hướng Luật Luật sư. Theo luật sư Hòa, định hướng nhằm phát triển nghề luật sư là rất cần thiết, bên cạnh đó cũng cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Luật sư Trương Thị Hòa đề xuất: Nên tái lập chế định “Luật sư tập sự” thay vì “Người tập sự hành nghề luật sư”như Luật hiện hành. Luật sư tập sự là cách gọi thông dụng trên thế giới. Đồngthời, khi gia nhập Đoàn Luật sư, luật sư tập sự có tên trong danh biểu của Đoàn Luật sự, trở thành thành viên Đoàn Luật sư. Luật sư Trương Thị Hòa cũng đề nghị không quy định miễn, chỉ quy định giảm thời gian tập sự đối với một số đối tượng. Luật sư Trương Thị Hòa cũng cho rằng nên quy định cho phép giảng viênLuậtđược trở thành luật sư vì cần gắn lý thuyết với thực tiễn.

Luật sư Trần Mỹ Thoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, góp ý nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là luật sư Thoa không đồng tình với định hướng Đề cương tại Điều 83 về việc quy định Bộ Trưởng Bộ Tư pháp bãi nhiệm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư. Theo Luật sư Trần Mỹ Thoa, Chủ nhiệm, thành viên Ban Chủ nhiệm do Đại hội Đoàn Luật sư bầu ra. Do vậy, không nên quy định thẩm quyền này của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp.

Trong phần phát biểu ý kiến của mình, ngoài việc không đồng tình với quy định có thời hạn của CCHNLS, PGS.TS. Luật sư Bùi Anh Thủyđề nghị giữ nguyênchức năng của luật sưlà bảo vệ quyền tự do, dân chủ của công dân”.

Với tư cách là đại diện Câu lạc bộ Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, Luật sư Phan Thị Hồng Điểm, Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: Luật Luật sư hiện hành quy định luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không được tư vấn pháp lý cho cá nhân, tổ chức mà luật sư đó không ký hợp đồng lao động. Quy định này không phù hợp thưc tiễn, bó hẹp phạm vi hoạt động của Luật sư hành nghề cá nhân. Vì vậy, luật sư Điểm đề nghị bỏ khoản 3 điều 49 Luật Luật sư hiện hành và mở rộng phạm vi cho Luật sư hành nghề cá nhân được hoạt động rộng hơn.

Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được sự góp ý của các Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh, Nguyễn Đức Thắng Ý, NCS Nguyễn Văn Trí, Phó Khoa Luật Hành chính – Nhà nước Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Chín vấn đề lớn góp ý cho Đề cương xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)  

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, cho rằng thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực tổ chức các buổi Hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Nha Trang để thu thập ý kiến nhằm hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình Chính phủ. Tuy nhiên, từ “Đề cương chi tiết Luật Luật sư (thay thế)” tại Hội thảo TP. Hồ Chí Minh đến “Đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi)” tại Hội thảo TP. Nha Trang có nhiều vấn đề cần phải làm rõ

“Với trách nhiệm của người trong cuộc, chịu tác động trực tiếp của Luật Luật sư, Đoàn Luật sư TP.HCM đã phối hợp với Trường Đại học Luật TP. HCM tổ chức buổi hội thảo hôm nay. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 33 bài tham luận từ các luật sư, giảng viên, chuyên gia pháp luật… trên địa bàn TP.HCM. Sau một buổi làm việc với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, chúng ta đã được nghe trình bày tóm tắt 6 tham luận, và 16 ý kiến phát biểu tại hội trường. Đối với một dự thảo Luật quan trọng, tác động không chỉ trong giới luật sư mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội và chủ trương cải cách tư pháp thì thời gian trao đổi chỉ trong một buổi sáng là quá ngắn. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Quý vị đại biểu tiếp tục theo dõi quá trình xây dựng dự thảo, nghiên cứu, đề xuất ý kiến đối với dự thảo Luật Luật sư. Đoàn Luật sư TPHCM sẽ sẳn sàng đón nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp và chắc chắn sẽ phải tiếp tục tổ chức hội thảo trước khi dự thảo Luật Luật sư chính thức được trình Quốc hội, theo dự kiến là trong năm 2025.

 Qua nghiên cứu, tổng hợp 33 bài tham luận và các ý kiến đóng góp tại buổi hội thảo hôm nay, chúng tôi nhận thấy tập trung một số nội dung chính sau đây:

         -Về tiêu chuẩn luật sư: Có cần thiết phải bổ sung tiêu chuẩn “bản lĩnh nghề nghiệp”, “bản lĩnh chính trị” ? Điều 10 Luật Luật sư hiện hành đã quy định đầy đủ. Bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp chỉ có thể được đánh giá thông qua quá trình hành nghề, không thể đánh giá ngay khi gia nhập Đoàn Luật sư.

         -Về chức năng xã hội của luật sư: Tại sao lại bỏ chức năng bảo vệ “các quyền tự do, dân chủ của công dân” ? Ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, Bác Hồ cũng đã khẳng định các quyền này “đó là lẽ phải không ai chối cải được”. Việc bỏ các quyền này dễ gây hoài nghi là nước ta hạn chế các quyền tự do, dân chủ của công dân, nhất là đối với các đối tác nước ngoài.

         -Về đào tạo nghề luật sư: Luật hiện hành quy định giao Liên đoàn LSVN. Tại sao không thực hiện được, nay lại phải thay đổi, giao cho Bộ Tư pháp? 

        -Về miễn, giảm thời gian đào tạo nghề và miễn, giảm thời gian tập sự: Có nên miễn, giảm không? Nếu miễn giảm thì đối tượng nào được miễn giảm và thời gian miễn giảm?

        -Về tổ chức kỳ thi quốc gia về kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư: Pháp lệnh Luật sư giao Bộ Tư pháp tổ chức. Luật Luật sư giao Liên đoàn Luật sư tổ chức và đây cũng là ký thi quốc gia với sự giám sát của Bộ Tư pháp. Thời gian qua Liên đoàn thực hiện tốt. Vì sao phải thay đổi, giao lại Bộ Tư pháp tổ chức?

        -Về cấp chứng chỉ hành nghề luật sư: Căn cứ nào để quy định thời hạn hiệu lực của chứng chỉ hành nghề luật sư là từ 5 hoặc10 năm ? Theo nội dung các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội trường, không có nước nào quy định thời hạn Chứng chỉ hành nghề luật sư. Luật sư là một chức danh nghề nghiệp gắn với nhân thân suốt đời, không phải là một chức vụ được bổ nhiệm hay bầu cử theo nhiệm kỳ.

        -Về tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân: Có nên áp dụng Luật doanh nghiệp? Tổ chức hành nghề luật sư có phải là thành viên Liên đoàn Luật sư và Đoàn Luật sư? (Trong khi do Sở Tư pháp cấp giấy phép hoạt động, có phải đóng phí thành viên Liên đoàn …?). Luật sư hành nghề tư cách cá nhân theo Hợp đồng lao động sao lại phải báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của Sở Tư pháp?....

        -Về phạm vi hoạt động hành nghề của luật sư nước ngoài và tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam: Việc này liên quan đến chủ quyền Tư pháp (chứ không phải khuyến khích đầu tư theo hình thức FDI) như PGS. TS Trần Việt Dũng phát biểu và dẫn chứng ở một số quốc gia. Vì vậy, có nên đơn giản hóa thủ tục đăng ký hoạt động và mở rộng phạm vi hoạt động của luật sư nước ngoài và tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam theo như dự thảo Đề cương?

        -Về nguyên tắc quản lý luật sư và hành nghề luật sư: Căn cứ Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư, Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung năm 2012 tại Điều 6 đã xác định đầy đủ nguyên tắc quản lý luật sư và hành nghề luật sư. Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trưng ương đã xác định “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với luật sư”. Nâng cao trách nhiệm tự quản  thì phải kèm theo tăng cường quyền hạn tự quản. Dự thảo Đề cương lại bỏ toàn bộ cả 2 khoản 1,2 của Điều 6 Luật Luật sư hiện hành là không phù hợp. Mặt khác, lại “phân quyền cho UBND cấp huyện thực hiện kiểm tra hành chính về tổ chức và hoạt động của luật sư” là hạ thấp vai trò, vị trí và chức năng xã hội của tổ chức luật sư và luật sư!

Những nội dung đóng góp ý kiến chúng tôi ghi nhận được từ các bài tham luận và phát biểu tại hội trường. Đoàn Luật sư TP. HCM sẽ nghiên cứu, tổng hợp thành văn bản kiến nghị gửi Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền”.

 Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Trung trân trọng cảm ơn Quý vị đại biểu đã gửi tham luận, Quý vị đại biểu đã phát biểu ý kiến tại hội trường và Quý vị đại biểu đã dành trọn thời gian quý báu đến tham dự buổi Hội thảo.

Luật sư Nguyễn Văn Đức

Tin tức khác


   Trang sau >>