CHIẾN DỊCH LUẬT SƯ TÌNH NGUYỆN NĂM 2024 CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH: MANG NGHĨA TÌNH ĐẾN VỚI BÀ CON Ở 10 XÃ VÙNG SÂU, VÙNG XA THUỘC 5 TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Đức

Hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Chiến dịch Luật sư tình nguyện năm 2024 vào hai ngày 24-25/8/2024 tại 10 xã thuộc 5 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Chiến dịch lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho hơn 1.000 người dân, Đoàn còn mang đến 1.000 phần quà, trị giá 1.000.000.000 đồng trao cho bà con 10 xã, thuộc 5 tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh.

“Chiến dịch Luật sư tình nguyện là hoạt động truyền thống của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh. Thông qua hoạt động của Chiến dịch, các luật sư, người tập sự hành nghề luật sư  của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã trực tiếp gặp gỡ bà con nghèo vùng sâu, vùng xa, chia sẻ và thấu cảm những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống của bà con. Từ đó nhắc nhở luật sư không được quên trách nhiệm đối với cộng đồng, trong đó có bà con nghèo vùng sâu, vùng xa. Đó chính là mục đích, ý nghĩa và tính nhân văn của Chiến dịch Luật sư tình nguyện trong gần 20 năm qua của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh”- Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phát biểu trong buổi lễ xuất quân sáng 24/8/2024.

Nghĩa tình của Đoàn Luật sư Thành phố mang tên Bác

Ý thức trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, với bà con nghèo luôn được Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đề cao. Trong gần 20 năm qua (trừ hai năm bị dịch Covid-19), hàng năm Đoàn Luật sư TP.HCM đều tổ chức “Chiến dịch Luật sư tình nguyện” đến với đồng bào các tỉnh phía Nam, Tây nguyên và TP. Hồ Chí Minh. Với tâm niệm, “TP. Hồ Chí Minh là thành phố văn minh, hiện đại và nghĩa tình”, mỗi luật sư thành viên khi tham gia chiến dịch đều háo hức, mong được đến với bà con bằng tất cả tấm chân tình.

Điều xúc động và tự hào củaĐoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh là khi tham gia Chiến dịch Luật sư tình nguyện, không phân biệt là Luật sư chính thức hay người tập sự, người cao niên hay còn trẻ, nhiều năm kinh nghiệm hay mới vào nghề, tất cả cùng hòa quyện vào nhau vì mục đích chung. Trong chiến dịch lần này, có những luật sư thành viên đã ở độ tuổi U80 như Luật sư Trần Mỹ Thoa (nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), Luật sư Lê Hà Thúy Lan, Lê Thị Hùm… hết sức hăng hái tham gia, gánh nặng tuổi tác không thể ngăn cản được bước chân thiện nguyện của quý luật sư.

Để có được sự thành công của chiến dịch, Ban Tổ chức đã cử luật sư phụ trách địa bàn các xã đi tiền trạm nhiều lần, làm việc với chính quyền địa phương, các Đoàn luật sư tỉnh bạn để nắm bắt nhu cầu thiết thực của bà con trong cuộc sống và yêu cầu tuyên truyền pháp luật của địa phương. Điều đáng trân quý là toàn bộ kinh phí đi tiền trạm do các luật sư tự túc, không sử dụng tiền của Đoàn.

Với hơn 360 luật sư tham gia chiến dịch lần này, ngoài việc mỗi người phải tự túc kinh phí: ăn ở, đi lại, tham dự đêm gala “kết nối tình đồng nghiệp”, có 179 luật sư, người tập sự hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và mạnh thường quân (không phải luật sư), đóng góp kinh phí tài trợ chiến dịch hàng trăm triệu đồng; có trường hợp đóng góp lên đến 50.000.000 đồng. Với số tiền tài trợ cho chiến dịch cùng với việc trích nguồn kinh phí của Đoàn, Chiến dịch đã mang 1.000.000.000 (một tỷ) đồng đến trao tận tay bà con. Đây là những phần quà thiết thực, nhằm giúp bà con vùng sâu, vùng xa giải quyết những khó khăn trước mắt trong cuộc sống thường ngày. 

Cảm nhận của các luật sư tham gia là “Chiến dịch luật sư tình nguyện năm 2024” được tổ chức công phu, chuyên nghiệp và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ các Luật sư thành viên, người tập sự hành nghề luật sư của Đoàn và chính quyền các địa phương nơi Đoàn tổ chức chiến dịch.

Tư vấn, tuyên truyền theo “đơn đặt hàng” của địa phương

Ngoài việc mang quà trao tặng đồng bào, Đoàn Luật sư còn tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật đến bà con vùng sâu, vùng xa tại các địa phương tổ chức chiến dịch. Việc tuyên truyền, tư vấn lĩnh vực pháp luật nào là xuất phát từ yêu cầu “đặt hàng” của địa phương. Nội dung, hình thức tuyên truyền cũng phong phú, đa dạng nhưng gần gũi, dễ hiểu bằng ngôn phong dân dã, chứ không hàn lâm, lý thuyết.

Mỗi một địa phương Đoàn đến, có một nhu cầu về tìm hiểu pháp luật khác nhau. Ở xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, với đặc điểm dân số với hơn 82% là đồng bào Khmer nên vấn đề mà người dân quan tâm là pháp luật về Hôn nhân và gia đình và các quy định về hộ tịch. Ở xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, ngoài việc quan tâm đến pháp luật về hộ tịch, người dân đề nghị Đoàn tư vấn hụi, họ, pháp luật về cho vay lãi nặng và các quy định mới của Luật Đất đai năm 2024. Ngoài việc tuyên truyền pháp luật, có hơn 10 trường hợp người dân ở xã còn đề nghị các luật sư trực tiếp tư vấn về trình tự, thủ tục cấp GCN.QSDĐ, quy định mới về đất đai, các tranh chấp về hụi và cho vay lãi nặng.

Tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, các luật sư  tuyên truyền pháp luật về hụi, tranh chấp đất đai, lừa đảo trên không gian mạng. Các luật sư cũng đã trực tiếp tư vấn, giải đáp cho 22 trường hợp có nhu cầu liên quan đến các lĩnh vực pháp luật nêu trên. Cũng tại tỉnh Vĩnh Long, người dân xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình ngoài việc có nhu cầu tuyên truyền pháp luật về hụi, tranh chấp đất đai, lừa đảo trên không gian mạng, bà con còn đề nghị Đoàn tư vấn pháp luật về những điểm mới của Luật Đất đai, thừa kế, thi hành án…

Tại tỉnh Đồng Tháp, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã tư vấn cho người dân ở xã Định An, huyện Lấp Vò và xã An Nhơn, huyện Châu Thành. Ở xã An Nhơn, hình thức tuyên truyền pháp luật về pháp luật phòng chống bạo lực gia đình thông qua phiên tòa giả định. Ngoài người dân của xã An Nhơn, còn có sự tham gia của các thành viên Câu lạc bộ hòa giải (CLBHG) xã Phú Hựu, xã Tân Nhuận Đông và Thị trấn Cái Tàu Hạ. Ngoài ra, các luật sư còn tư vấn, giải đáp về Luật đất đai 2024, pháp luật về thừa kế, Hôn nhân và Gia đình, các tội phạm về hình sự, chính sách pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên cho  các thành viên CLBHG. Tương tự, ở xã Định An, huyện Lấp Vò, chính quyền địa phương đề nghị tuyên truyền pháp luật bằng hình thức phiên tòa giả định với chủ đề “Phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực đối với trẻ em”. Sau phiên tòa giả định, các luật sư đã giải đáp 15 câu hỏi của người dân liên quan đến chủ đề này.

Tại tỉnh Bến Tre, Đoàn đã tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân ở xã Long Thới và xã Hòa Nghĩa cùng thuộc huyện Chợ Lách. Người dân của hai  xã Hòa Nghĩa, Long Thới đã được nghe các luật sư tư vấn, tuyên truyền 4 nhóm pháp luật: Pháp luật về lừa đảo trên không gian mạng, những điểm mới của Luật Đất đai 2024, pháp luật về xây dựng và pháp luật dân sự về thừa kế, vay tài sản…

Tại tỉnh Tiền Giang, Đoàn đã tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân xã Phú Cường, huyện Cai Lậy và xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè. Tại xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhóm luật sư tình nguyện đã thực hiện việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật đến bà con về Luật Hôn nhân và gia đình, pháp luật về thừa kế. Tại xã Mỹ Lợi B, các luật sư tư vấn, tuyên truyền pháp luật về tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, pháp luật về hụi, cho vay lãi nặng, tội phạm là người chưa thành niên.

Với sự chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm, nội dung tư vấn, tuyên truyền pháp luật của các luật sư tại 10 xã nói trên được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao.          

Kết nối tình đồng nghiệp

Sau khi hoàn thành công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật tại 10 xã, tối ngày 24/8, hơn 350 luật sư đã hội tụ về TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long để tham gia đêm Gala “Kết nối tình đồng nghiệp”. Để chuẩn bị cho đêm Gala, 10 Tổ trưởng được phân công phụ trách 10 xe đã tổ chức tập dượt các tiết mục văn nghệ. Với gần một tháng tập dượt, tuy là “văn nghệ nghiệp dư-cây nhà lá vườn”, các luật sư đã trình diễn nhiều tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc văn hóa và hào khí dân tộc: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” do luật sư thuộc hai tổ công tác tại tỉnh Đồng Tháp thể hiện; “Hào khí Việt Nam” do luật sư thuộc hai tổ công tác tại tỉnh Bến Tre thể hiện;“Bài ca đất phương Nam” do luật sư thuộc hai tổ công tác tại tỉnh Vĩnh Long thể hiện; “Thanh niên làm theo lời Bác” do luật sư thuộc hai tổ công tác tại tỉnh Tiền Giang thể hiện); “Lời đất nước gọi ta” do luật sư thuộc hai tổ công tác tại tỉnh Trà Vinh thể hiện; cùng với đó là các tiết mục tập thể của Chiến dịch với những tiết mục“Đừng hỏi tổ quốc làm gì cho ta”, “Dấu chân tình nguyện”… do Đội Văn nghệ Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh thể hiện. Để có được thành quả này, các luật sư đã đổ không ít mồ hôi, công sức trên sàn tập, có những nhóm tập luyện từ chiều đến tận 21 giờ, trong nhiều ngày liền.

Những tiết mục văn nghệ hào hứng của các luật sư đã làm bừng sáng không gian của đêm Gala “kết nối tình đồng nghiệp”. Có thể nói, đêm Gala là dịp để các luật sư gặp gỡ, giao lưu với nhau sau những tháng ngày miệt mài với những chồng hồ sơ vụ án, những điều luật khô khan, những phiên tòa vắt kiệt sức. Đêm Gala, không có sự tranh luận, không có sự đối tụng, chỉ có tình thương yêu, những cái bắt tay thật chặt, những lời chia sẻ, động viên, những gửi gắm niềm tin cho nhau về một tương lai tươi đẹp của nghề luật sư và sự đoàn kết, lớn mạnh của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh trong 35 năm qua.

Kết thúc “Chiến dịch luật sư tình nguyện năm 2024”, Ban Tổ chức đã có một hoạt động hết sức ý nghĩa là đưa các luật sư tham gia chiến dịch đến viếng Khu lưu  niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (quê Bến Lức, Long An) nguyên là Chủ tịch Quốc hội (1982-1987). Ông cũng từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Nước, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (1976 -1992); Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN (1988-1994) và Chủ tịch Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam (từ năm 1962-1976). Luật sư Nguyễn Hữu Tho là một biểu tượng vĩ đại của Đại đoàn kết toàn dân tộc, một nhà Đại trí thức của Việt Nam.

Năm 1996, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ trần. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông được đánh giá là một nhà cách mạng có uy tín lớn, một luật sư -Đại trí thức của Việt Nam. Cả cuộc đời ông đã hiến dâng cho đất nước, vì độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác; Nhà nước Liên Xô  tặng giải thưởng mang tên Lê-nin, Huân chương Hữu nghị; Nhà nước Cu-ba tặng Huân chương Đoàn kết chiến đấu;Nhà nước Bungari tặng giải thưởng Dimitrov; Hội đồng Hòa bình thế giới tặng Huân chương Julio Cunie.

Đến thăm Khu lưu niệm Luật sư – Nhà cách mạng Nguyễn Hữu Thọ tại quê hương ông (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là một hoạt động tri ân, thiết thực nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ Luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh./.

(Bài viết có sử dụng thông tin của Quý Luật sư đồng nghiệp là các trưởng xe của 10 xe tham gia chiến dịch Luật sư tình nguyện năm 2024)

 

Tin tức khác


   Trang sau >>